Quyết định 701/QĐ-UBCK năm 2006 Ban hành Kế hoạch phát triển công ty chứng khoán giai đoạn 2006-2010 do Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước ban hành
Số hiệu | 701/QĐ-UBCK |
Ngày ban hành | 20/11/2006 |
Ngày có hiệu lực | 20/11/2006 |
Loại văn bản | Quyết định |
Cơ quan ban hành | Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước |
Người ký | Vũ Bằng |
Lĩnh vực | Chứng khoán |
BỘ TÀI CHÍNH
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
|
Số: 701/QĐ-UBCK |
Hà Nội, ngày 20 tháng 11 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG TY CHỨNG KHOÁN GIAI ĐOẠN 2006-2010
CHỦ TỊCH UỶ BAN CHỨNG KHOÁN NHÀ NƯỚC
Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 5/11/2002 của Chính
phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan
ngang bộ;
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01/7/2003 của Chính phủ quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định 163/2003/QĐ-TTg ngày 05/8/2003 của Thủ tướng Chính phủ Phê
duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2010;
Căn cứ Quyết định số 898/QĐ-BTC ngày 20/02/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về
việc ban hành Kế hoạch phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam 2006-2010;
Xét đề nghị của Trưởng Ban Quản lý kinh doanh chứng khoán,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Kế hoạch phát triển các công ty chứng khoán giai đoạn 2006-2010 với các nội dung chủ yếu sau:
1. Nâng cao quy mô và năng lực của các công ty chứng khoán đã được cấp phép, đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường chứng khoán.
2. Áp dụng thông lệ tốt nhất về quản trị công ty đối với công ty chứng khoán.
3. Mở cửa thị trường dịch vụ tài chính theo lộ trình hội nhập đã cam kết.
1. Xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Chứng khoán
Xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Luật chứng khoán về mức vốn pháp định đối với công ty chứng khoán. Theo đó, vốn pháp định để được thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán phải được nâng cao, đặc biệt nâng cao yêu cầu về vốn pháp định đối với những nghiệp vụ đòi hỏi vốn lớn như bảo lãnh phát hành chứng khoán, tự doanh chứng khoán. Thực hiện yêu cầu về kiểm toán đối với các pháp nhân góp vốn và kiểm toán tài sản đối với thể nhân góp vốn thành lập công ty chứng khoán. Đồng thời thực hiện kiểm toán vốn định kỳ hàng năm và 6 tháng/lần đối với công ty chứng khoán.
Xây dựng các quy định tiêu chuẩn tối thiểu về cơ sở vật chất phục vụ hoạt động kinh doanh chứng khoán như về mặt bằng sàn giao dịch, hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống kho két bảo quản giấy tờ có giá của khách hàng, hệ thống an toàn, an ninh.
Xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn các công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ mới, như giao dịch kỳ hạn chứng khoán, giao dịch vay (vay tiền mua chứng khoán và vay chứng khoán để bán)...Xây dựng lộ trình tăng vốn cho các công ty chứng khoán đáp ứng yêu cầu của Luật Chứng khoán.
Sửa đổi văn bản hướng dẫn về thuế, phí và lệ phí đối với công ty chứng khoán theo hướng dần dần đưa lĩnh vực kinh doanh chứng khoán ra khỏi ngành nghề được hưởng ưu đãi đầu tư; tăng mức lệ phí cấp giấy phép kinh doanh chứng khoán và áp dụng cơ chế cho phép trích lập và sử dụng nguồn thu từ lệ phí cấp phép theo hướng gắn trách nhiệm và quyền lợi của người chịu trách nhiệm thẩm định cấp giấy phép và giám sát hoạt động của các công ty chứng khoán.
2. Nâng cao quy mô, năng lực và chất lượng dịch vụ cung cấp của các công ty chứng khoán, áp dụng thông lệ tốt nhất về quản trị công ty
a) Ban hành và áp dụng Điều lệ mẫu đối với công ty chứng khoán.
b) Xây dựng và ban hành bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp cho người hành nghề kinh doanh chứng khoán.
c) Xây dựng và áp dụng chương trình đào tạo chuyên sâu cho lãnh đạo và người hành nghề kinh doanh chứng khoán của các công ty chứng khoán nhằm nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn cho lãnh đạo và người hành nghề tại các công ty chứng khoán; đảm bảo 100% nhân viên làm việc tại các vị trí thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán, nhân viên tiếp xúc trực tiếp hoặc quản lý tiền, chứng khoán của khách hàng tại các công ty chứng khoán phải có chứng chỉ hành nghề chứng khoán. Chương trình đào tạo chuyên môn phải được xây dựng thống nhất theo chuẩn mực quốc tế theo từng nghiệp vụ chuyên sâu, tổ chức đào tạo, tổ chức thi sát hạch và cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán theo vị trí làm việc chuyên môn.
d) Khuyến khích các công ty chứng khoán mở rộng mạng lưới hoạt động trên cơ sở liên kết với các ngân hàng được phép cung cấp dịch vụ lưu ký chứng khoán dưới hình thức đại lý nhận lệnh hoặc phòng giao dịch.
e) Hoàn thiện hệ thống thanh toán chứng khoán thông qua việc yêu cầu các công ty chứng khoán lựa chọn ngân hàng thanh toán, cung cấp dịch vụ nhận, giữ, quản lý tiền mua chứng khoán và thực hiện các nghiệp vụ thanh toán chứng khoán, hỗ trợ khả năng thanh toán chứng khoán.
3. Tăng cường công tác quản lý giám sát của các cơ quan quản lý công ty chứng khoán
a) Tăng cường công tác giám sát, thẩm định qua hồ sơ về điều kiện cấp phép kinh doanh chứng khoán của các tổ chức, cá nhân xin cấp phép. Giám sát trước khi cấp phép kinh doanh chứng khoán trên cơ sở thẩm định về trình độ, năng lực, kinh nghiệm làm việc của Tổng Giám đốc các công ty chứng khoán theo qui định pháp luật, đảm bảo công ty chứng khoán ra đời và triển khai hoạt động với việc cung cấp dịch vụ có chất lượng cho khách hàng, đảm bảo công ty chứng khoán có đủ năng lực về tài chính và nhân lực có trình độ chuyên môn cao, có uy tín mới được triển khai và cung cấp dịch vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn tài chính và đầu tư chứng khoán.
b) Bổ sung, sửa đổi chế độ kế toán công ty chứng khoán đảm bảo quản lý hoạt động kinh doanh chứng khoán một cách minh bạch, bảo vệ lợi ích hợp pháp của người đầu tư.
c) Nghiên cứu áp dụng việc giám sát công ty chứng khoán trong quá trình triển khai hoạt động trên cơ sở dựa vào các tiêu chí xác định rủi ro. Đây là mô hình giám sát tiên tiến hiện đang được các nước trong khu vực áp dụng thực hiện. Theo đó, việc giám sát công ty chứng khoán dựa trên cơ sở kết hợp việc tự đánh giá của công ty chứng khoán và việc giám sát của Sở giao dịch chứng khoán và giám sát của Uỷ ban chứng khoán. Mục tiêu của mô hình giám sát này là nhằm cung cấp cho công ty chứng khoán một cách tiếp cận toàn diện để xác định, quản lý, giám sát những rủi ro trọng yếu trong hoạt động kinh doanh của mình. Trên cơ sở đánh giá sơ bộ rủi ro của công ty chứng khoán do chính công ty chứng khoán thực hiện sẽ làm minh bạch hoá việc giám sát cho cơ quan quản lý thị trường.
d) Công tác giám sát, thanh tra công ty chứng khoán của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cần được tổ chức lại theo hướng có Ban chuyên trách thực hiện việc giám sát tuân thủ đối với hoạt động của công ty chứng khoán và Ban cưỡng chế thực thi pháp luật (ban chuyên xử lý các vi phạm của công ty chứng khoán). Phân định phạm vi giám sát giữa các Trung tâm Giao dịch chứng khoán, Sở giao dịch chứng khoán với các đơn vị khác trong Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.
e) Đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ giám sát cho lãnh đạo và chuyên viên các Ban giám sát của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và của Trung tâm Giao dịch chứng khoán, Sở Giao dịch chứng khoán.
4. Thực hiện lộ trình hội nhập quốc tế và khu vực cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ kinh doanh chứng khoán tại Việt Nam
a) Ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán về việc công ty chứng khoán nước ngoài lập chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam và góp vốn thành lập công ty chứng khoán để hoạt động tại Việt Nam.