Quyết định 70/2008/QĐ-UBND thành lập Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 70/2008/QĐ-UBND
Ngày ban hành 06/09/2008
Ngày có hiệu lực 01/10/2008
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Lê Hoàng Quân
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 70/2008/QĐ-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 06 tháng 9 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ THÀNH LẬP VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 93/2001/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2001 của Chính phủ về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho thành phố Hồ Chí Minh;
Căn cứ Kết luận số 25-KL/TU ngày 06 tháng 8 năm 2008 của Ban Thường vụ Thành ủy về tên gọi mới của Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế Xã hội thành phố Hồ Chí Minh;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 664/TTr-SNV ngày 25 tháng 8 năm 2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay thành lập Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở hợp nhất Viện Kinh tế và Viện Nghiên cứu xã hội thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời sáp nhập Viện Quy hoạch Xây dựng thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc vào Viện Nghiên cứu phát triển thành phố.

Viện Nghiên cứu phát triển thành phố là đơn vị sự nghiệp có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản tại Ngân hàng và Kho bạc Nhà nước.

Điều 2. Viện Nghiên cứu phát triển thành phố có chức năng, nhiệm vụ

1. Tổ chức nghiên cứu khoa học các vấn đề thuộc lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường đô thị để tham mưu giúp Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố những định hướng, chiến lược, chính sách, chủ trương, phát triển dài hạn, trung hạn và kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và môi trường đô thị hàng năm của thành phố.

2. Giúp Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố phân tích đánh giá tình hình, phát hiện và đề xuất các giải pháp để đẩy mạnh việc thực hiện các chủ trương, chính sách, nghị quyết của thành phố về lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường đô thị.

3. Tổ chức mạng thông tin nhằm dự báo về xu hướng phát triển kinh tế, xã hội và môi trường đô thị phục vụ cho quá trình quản lý, hoạch định chính sách và quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội và môi trường đô thị đáp ứng những yêu cầu lãnh đạo của Thành ủy, chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân thành phố.

4. Tổ chức hợp tác nghiên cứu, tư vấn, phản biện, thẩm định khi được Ủy ban nhân dân thành phố giao và cung cấp các dịch vụ trên lĩnh vực kinh tế, xã hội và quản lý đô thị cho các tổ chức, cá nhân và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước theo yêu cầu và đúng với quy định của Nhà nước.

5. Tổ chức bồi dưỡng kiến thức về kinh tế xã hội và môi trường đô thị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý; tham gia đào tạo sau đại học theo Quy chế đào tạo của Nhà nước.

6. Quản lý về tổ chức bộ máy, biên chế; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức; thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật với cán bộ, viên chức nhà nước thuộc phạm vi quản lý của Viện theo quy định.

7. Quản lý tài chính, tài sản được giao và tổ chức thực hiện ngân sách được phân bổ cho hoạt động nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật.

8. Thực hiện một số nhiệm vụ khác do Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố giao.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức của Viện Nghiên cứu phát triển thành phố

1. Viện Nghiên cứu phát triển thành phố do một Viện trưởng phụ trách; giúp việc cho Viện trưởng có một số Phó Viện trưởng. Viện trưởng và các Phó Viện trưởng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố bổ nhiệm.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố là người đứng đầu Viện, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân thành phố và trước pháp luật về toàn bộ các hoạt động của Viện.

2. Các tổ chức giúp Viện trưởng thực hiện các chức năng, nhiệm vụ gồm có:

- Các bộ phận chuyên môn nghiệp vụ;

- Văn phòng;

- Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc.

Điều 4. Giao Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố có trách nhiệm phối hợp với các Sở, ngành chức năng chỉ đạo thực hiện việc hợp nhất, sáp nhập tổ chức nêu tại Điều 1 của Quyết định này theo đúng quy định của nhà nước; đồng thời xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của Viện thông qua Sở Nội vụ thẩm định và trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét ban hành.

Điều 5. Viện Nghiên cứu phát triển thành phố là đơn vị kế thừa quyền và nghĩa vụ của Viện Kinh tế, Viện Nghiên cứu xã hội và Viện Quy hoạch Xây dựng đã cam kết với các đối tác cho đến khi kết thúc quan hệ theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Quyết định này có hiệu lực thi hành, kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2008. Bãi bỏ các quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố: Quyết định số 137/QĐ-UB ngày 03 tháng 8 năm 1988 về thành lập Viện Kinh tế thành phố, Quyết định số 63/2006/QĐ-UBND ngày 28 tháng 4 năm 2006 về việc chuyển Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn thành Viện Nghiên cứu xã hội thành phố, Quyết định số 1991/QĐ-UBND ngày 03 tháng 5 năm 2006 về việc chuyển Viện Quy hoạch xây dựng trực thuộc Kiến trúc sư trưởng thành phố thành Viện Quy hoạch Xây dựng thành phố, Quyết định số 58/2008/QĐ-UBND ngày 27 tháng 6 năm 2008 về hợp nhất Viện Kinh tế, Viện Nghiên cứu xã hội và Viện Quy hoạch Xây dựng thành Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội thành phố và Quyết định số 3096/QĐ-UBND ngày 21 tháng 7 năm 2008 về tạm ngưng thực hiện Quyết định số 58/2008/QĐ-UBND ngày 27 tháng 6 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố về hợp nhất Viện Kinh tế, Viện Nghiên cứu xã hội và Viện Quy hoạch xây dựng thành Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội thành phố.

Điều 7. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ, Viện trưởng Viện Kinh tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố, Thủ trưởng các Sở, ngành thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

[...]