Quyết định 68/QĐ-BTNMT về Chương trình hành động của Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018

Số hiệu 68/QĐ-BTNMT
Ngày ban hành 10/01/2018
Ngày có hiệu lực 10/01/2018
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Tài nguyên và Môi trường
Người ký Trần Hồng Hà
Lĩnh vực Thương mại,Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 68/QĐ-BTNMT

Hà Nội, ngày 10 tháng 01 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 01/NQ-CP NGÀY 01 THÁNG 01 NĂM 2018 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2018

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

Căn cứ Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Căn cứ Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động của Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Các Thứ trưởng Bộ TN&MT;
- Lưu: VT, KHTC(md).

BỘ TRƯỞNG




Trần Hồng Hà

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA NGÀNH TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 01/NQ-CP NGÀY 01 THÁNG 01 NĂM 2018 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2018
(Ban hành theo Quyết định số 68/QĐ-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Chương trình hành động với những nội dung sau:

I. BỐI CẢNH TÌNH HÌNH

Năm 2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường và toàn ngành đã khẩn trương thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội, lấy phương châm “tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững” làm trọng tâm hành động, qua đó đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khẳng định vị thế của ngành. Bộ là một trong những cơ quan đi đầu trong cải cách hành chính. Công tác quản lý, sử dụng đất đai có sự chuyển biến rất rõ nét; nhiều hiện tượng khí tượng thủy văn cực đoan được dự báo, cảnh báo tương đối kịp thời, giảm thiểu thiệt hại; đã hoàn thành kế hoạch khắc phục đối với các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao để đi vào vận hành, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường; triển khai kinh tế hóa trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước; tổ chức thành công Hội nghị về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, làm cơ sở trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP, mở ra một mô hình mẫu về phát triển các vùng đồng bằng lớn thích ứng với biến đổi khí hậu trên phạm vi cả nước.

Năm 2018 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021. Việc triển khai các nhiệm vụ, kế hoạch công tác của ngành tài nguyên và môi trường được đặt trong bối cảnh Chính phủ quyết tâm cao tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược; thực hiện quyết liệt cải cách hành chính với phương châm hành động của Chính phủ là: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”. Bên cạnh những thuận lợi, ngành tài nguyên và môi trường cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như: một số cơ chế, chính sách pháp luật chưa theo kịp với thực tiễn, năng lực thực thi ở một số địa phương còn hạn chế. Việc sử dụng đất đai vẫn kém hiệu quả, chưa khai thác hết tiềm năng của đất đai; quản lý đất công còn nhiều bất cập; thu tài chính từ đất đai có tăng nhưng chưa tương xứng; chỉ số tiếp cận đất đai còn thấp. Ô nhiễm, suy thoái môi trường vẫn có chiều hướng gia tăng; chất lượng và số lượng nước suy giảm, xung đột, tranh chấp trong sử dụng tài nguyên nước ngày càng gay gắt, sạt lở bờ sông tại một số lưu vực vẫn diễn biến phức tạp. Tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép lòng sông vẫn xảy ra; các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng, hạn hán, lũ ống, lũ quét, xâm nhập mặn gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Tài nguyên biển chưa được quan tâm điều tra, đánh giá, nhất là các tài nguyên chiến lược.

II. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ CHỦ YẾU NĂM 2018

Trên cơ sở kết quả đổi mới và đà phát triển của năm 2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định một số mục tiêu, và đề ra các nhiệm vụ chủ yếu như sau:

1. Một số mục tiêu chủ yếu

a) Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường; hoàn thành 100% Chương trình xây dựng văn bản pháp luật năm 2018, không để tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh.

b) Phấn đấu giảm 2,5% số tổ chức của các đơn vị thuộc Bộ và tiếp tục tinh giản thêm 1,7% biên chế so với năm 2015.

c) Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm tối thiểu 45% điều kiện đầu tư kinh doanh. Cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3-4 đối với thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Bộ, trong đó: 100% mức độ 4 đối với các thủ tục hành chính trong danh mục sử dụng dịch vụ bưu chính công ích và các thủ tục hành chính không trong danh mục sử dụng dịch vụ bưu chính công ích có đủ căn cứ pháp lý triển khai mức độ 4. Đảm bảo 100% các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Bộ vận hành theo cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, kết nối với cổng thông tin một cửa quốc gia theo kế hoạch của Chính phủ. Vận hành hệ thống một cửa, một cửa liên thông và liên thông thủ tục hành chính trong phạm vi của Bộ.

d) Hiện đại hóa nền hành chính, ban hành và triển khai kiến trúc chính phủ điện tử ngành tài nguyên và môi trường, phiên bản 2.0; bảo đảm cơ bản 100% các hồ sơ công việc (không mật) được xử lý trên môi trường mạng, gắn với sử dụng chữ ký điện tử tại các cơ quan thuộc Bộ; kết nối thông tin chỉ đạo, điều hành thông suốt giữa Bộ với Chính phủ, các Bộ, ngành, các đơn vị thuộc Bộ, và các Sở Tài nguyên và Môi trường.

đ) Hoàn thiện việc sửa đổi Luật đất đai, chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai; đổi mới công tác quy hoạch sử dụng đất theo Luật quy hoạch, hoàn thiện chính sách kinh tế, tài chính đất đai, thống kê, kiểm kê đất đai. Hoàn thành việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016-2020) của 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị hành chính cấp huyện. Cơ bản hoàn thành việc sắp xếp đất đai đối với các công ty nông, lâm nghiệp tại 39 tỉnh, thành phố thuộc diện sắp xếp theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ; có biện pháp cơ bản giải quyết tình trạng đất của các dự án chậm triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng; hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận hoặc đăng ký để quản lý đối với 3,4% diện tích cần cấp còn lại chưa được cấp giấy chứng nhận lần đầu; lựa chọn, hoàn thiện phần mềm quản lý vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu đất đai để thực hiện thống nhất; phấn đấu nguồn thu từ đất đạt khoảng 12% thu ngân sách nội địa, đưa vào sử dụng 50 - 100 nghìn ha đất chưa sử dụng cho các mục đích.

e) Cơ bản chấm dứt tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép, thu từ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của ngành đạt 4.500 tỷ đồng. Phấn đấu 100% các hồ chứa thủy lợi thủy điện nằm trong hệ thống quy trình vận hành liên hồ chứa được kết nối, cung cấp thông tin, dữ liệu về hệ thống giám sát vận hành liên hồ chứa; hoàn thành 100% cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho các tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất. Trình phê duyệt đề án điều tra, đánh giá tác động của các công trình thượng nguồn trên dòng chính sông Mê Công đối với Đồng bằng sông Cửu Long. Hoàn thành đo vẽ bản đồ địa hình đáy biển 1/50.000 khu vực biển Ninh Thuận - Kiên Giang trên diện tích 5.300 km2, hoàn thành việc khảo sát, lấy mẫu phân tích tiềm năng GH tỷ lệ 1/500.000 khu vực biển Tư Chính - Vũng Mây.

[...]