Quyết định 68/2002/QĐ-TTg về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 68/2002/QĐ-TTg
Ngày ban hành 04/06/2002
Ngày có hiệu lực 04/06/2002
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 68/2002/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 04 tháng 6 năm 2002

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 68/2002/QĐ-TTG NGÀY 04 THÁNG 6 NĂM 2002 VỀ CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ 5 BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHOÁ IX

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết số 06/2002/NQ-CP ngày 26 tháng 4 năm 2002 của Chính phủ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Các Bộ trưởng Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nguyễn Tấn Dũng

(Đã ký)


CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

CỦA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ 5 BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHOÁ IX VỀ ĐẨY NHANH CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN THỜI KỲ 2001 – 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 68 /2002/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ)

Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX đã ban hành Nghị quyết số 15 NQ/TW ngày 18 tháng 3 năm 2002 về đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001 - 2010. Để thực hiện Nghị quyết của Trung ương, Chính phủ xây dựng Chương trình hành động với các nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU VÀ YÊU CẦU CỦA CHƯƠNG TRÌNH

Mục tiêu của Chương trình hành động (Chương trình) là tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương: Đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn nhằm "xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá lớn, hiệu quả và bền vững; có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu; xây dựng nông thôn ngày càng giầu đẹp, dân chủ, công bằng, văn minh, có cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất phù hợp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển ngày càng hiện đại" (Nghị quyết 15 NQ/TW về đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn).

Yêu cầu của Chương trình là trên cơ sở quán triệt đầy đủ quan điểm, mục tiêu và nội dung của Nghị quyết để cụ thể hoá thành các văn bản pháp quy, các chương trình kinh tế-xã hội, các đề án chuyên ngành và tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương quán triệt Nghị quyết, xây dựng chương trình hành động của mình và chỉ đạo thực hiện theo Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 08 tháng 4 năm 2002 của Trung ương.

II. NHỮNG NỘI DUNG CHÍNH CỦA CHƯƠNG TRÌNH

1. Tổ chức quán triệt Nghị quyết

- Tổ chức quán triệt sâu rộng trong các ngành, các cấp chính quyền và nhân dân, từ Trung ương đến cơ sở để nhận thức đúng đắn về tính tất yếu và nội dung của công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn trong quá trình xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Thảo luận dân chủ để làm rõ và cụ thể hoá những chủ trương lớn về phát triển lực lượng sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp; phát triển kết cấu hạ tầng và đô thị hoá nông thôn; xây dựng đời sống văn hoá - xã hội và phát triển nguồn nhân lực trong điều kiện của ngành và địa phương.

- Tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là nông dân và các thành phần kinh tế tích cực tham gia thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, chủ động và có hiệu quả. Phát động trong toàn quốc phong trào thi đua lao động vì sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

2. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội, các đề án chuyên ngành

a) Trên cơ sở nghiên cứu lợi thế của từng vùng và quy hoạch hiện có, từng ngành, địa phương tiến hành rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch. Những ngành, địa phương chưa có quy hoạch hoặc đã có quy hoạch nhưng chưa được phê duyệt cần tập trung lập quy hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, các phương án quy hoạch phải dựa trên những dự báo về phát triển kinh tế, gắn kết chặt chẽ với an ninh - quốc phòng, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc.

Chú trọng làm tốt các quy hoạch sau:

- Quy hoạch những vùng sản xuất tập trung các loại nông, lâm, thuỷ sản hàng hoá chủ yếu;

- Quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội;

- Quy hoạch phát triển thị trấn, thị tứ và khu dân cư nông thôn.

[...]