Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 676/QĐ-BNN-TCCB năm 2013 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trực thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 676/QĐ-BNN-TCCB
Ngày ban hành 01/04/2013
Ngày có hiệu lực 01/04/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Cao Đức Phát
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 676/QĐ-BNN-TCCB

Hà Nội, ngày 01 tháng 04 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA VIỆN KHOA HỌC LÂM NGHIỆP NAM TRUNG BỘ VÀ TÂY NGUYÊN TRỰC THUỘC VIỆN KHOA HỌC LÂM NGHIỆP VIỆT NAM

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10/9/2009 của Chính phủ Sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP;

Căn cứ Quyết định số 2099/QĐ-TTg ngày 25/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Trên cơ sở các Quyết định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: số 1149/QĐ-BNN-TCCB ngày 18/5/2012 Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam; số 1656/QĐ-BNN-TCCB ngày 16/7/2012 Ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam;

Xét đề nghị của Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam tại các Văn bản: số 520/TTr-KHLN-TC ngày 31/7/2012, số 644/BC-KHLN ngày 25/9/2012 Báo cáo Giải trình, tiếp thu ý kiến Hội đồng thẩm định, số 577/BC-KHLN ngày 09/10/2012 Báo cáo Giải trình tên gọi một số bộ môn nghiên cứu thuộc các Viện vùng, số 645/TTr-KHLN ngày 25/9/2012 Tờ trình xin phê duyệt Đề án trình kèm theo hồ sơ Đề án thành lập Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; và Biên bản họp Hội đồng thẩm định ngày 22/8/2012;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

1. Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trực thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam được thành lập trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại Trung tâm Lâm nghiệp Nhiệt đới, Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Lâm sinh Lâm Đồng trực thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và Trạm thực nghiệm Lâm nghiệp Thiện Nghiệp thuộc Phân viện Nghiên cứu Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ.

Viện khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây nguyên là tổ chức sự nghiệp khoa học công lập có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc và Ngân hàng nhà nước để hoạt động theo quy định của pháp luật.

2. Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên (sau đây gọi tắt là Viện) có chức năng nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế, tư vấn và tham gia đào tạo về lĩnh vực lâm nghiệp vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên theo quy định của pháp luật.

3. Trụ sở chính của Viện đặt tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch 5 năm, hàng năm, các chương trình, dự án về khoa học, công nghệ trong lĩnh vực lâm nghiệp của Vùng theo quy định; tổ chức thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Nghiên cứu cơ bản có định hướng và nghiên cứu ứng dụng tổng hợp về lâm nghiệp của Vùng theo quy định của pháp luật, gồm:

a) Khoa học cơ sở về lý thuyết lâm học các hệ sinh thái đặc thù rừng cây lá kim, rừng Khộp, rừng lá rộng thường xanh, rừng ngập mặn và vùng đất cát, khô hạn ven biển;

b) Kỹ thuật và công nghệ trồng rừng; phục hồi rừng, các hệ sinh thái rừng và sử dụng bền vững đất rừng;

c) Chọn, tạo và nhân giống cây lâm nghiệp; xây dựng các rừng giống, vườn giống; lưu giữ tập đoàn giống cây lâm nghiệp, cây rừng quý hiếm, có giá trị; ứng dụng công nghệ sinh học trong lâm nghiệp;

d) Các biện pháp bảo tồn và phát triển nguồn gen thực vật rừng, động vật rừng;

đ) Cơ sở khoa học về đánh giá, dự báo tài nguyên thực vật và động vật rừng, tác động môi trường lâm nghiệp, biến đổi khí hậu, quan trắc môi trường lâm nghiệp;

e) Kỹ thuật nuôi, gây trồng, khai thác, chế biến, bảo quản các loại lâm sản ngoài gỗ;

g) Biện pháp phòng, trừ sâu bệnh hại rừng; công nghệ phòng, chống cháy rừng;

h) Cơ sở khoa học cho chính sách phát triển kinh tế lâm nghiệp; kinh tế tài nguyên và môi trường rừng; thị trường lâm sản; lâm nghiệp cộng đồng trong vùng;

i) Phương thức sản xuất nông lâm kết hợp; cơ giới hóa sản xuất cây giống lâm nghiệp, trồng rừng, khai thác, vận xuất, vận chuyển, chế biến, bảo quản lâm sản; công nghệ bảo quản, chế biến lâm sản.

3. Xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế, kỹ thuật lâm nghiệp theo nhiệm vụ được giao và quy định của pháp luật.

4. Hợp tác quốc tế, liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân về nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; tham gia đào tạo tiến sỹ, liên kết đào tạo thạc sỹ, bồi dưỡng nguồn nhân lực về khoa học và công nghệ lâm nghiệp của Vùng theo quy định của pháp luật.

[...]