Thứ 7, Ngày 16/11/2024

Quyết định 6455/2003/QĐ-BYT ban hành "Quy chế thử nghiệm lâm sàng thuốc tân dược, thuốc y học cổ truyền, văcxin và sinh phẩm y tế" do Bộ trưởng Bộ y tế ban hành

Số hiệu 6455/2003/QĐ-BYT
Ngày ban hành 22/12/2003
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Trần Thị Trung Chiến
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 6455/2003/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH "QUY CHẾ THỬ NGHIỆM LÂM SÀNG THUỐC TÂN DƯỢC, THUỐC Y HỌC CỔ TRUYỀN, VĂCXIN VÀ SINH PHẨM Y TẾ"

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Nghị định số 49/2003/NĐ-CP ngày 15/5/2003 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y Tế;
Theo đề nghị của các Ông, Bà Vụ trưởng Vụ Khoa học và Đào tạo và Vụ trưởng Vụ Pháp chế.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản "Quy chế thử nghiệm lâm sàng thuốc tân dược, thuốc y học cổ truyền, văcxin và sinh phẩm y tế".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo và thay thế Quyết định số 186/BYT-QĐ ngày 06 tháng 5 năm 1978 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành "Quy chế nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc", Quyết định số 371/BYT-QĐ ngày 12 tháng 3 năm 1996 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành "Quy chế đánh giá tính an toàn và hiệu lực của thuốc cổ truyền".

Điều 3. Các Ông, Bà: Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, Vụ trưởng các Vụ thuộc Bộ Y tế, Cục trưởng cục Quản lý dược Việt Nam, Cục trưởng cụ Vệ sinh an toàn thực phẩm, Cục trưởng cục Y tế dự phòng và phòng chống HIV/AIDS, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ trưởng Y tế ngành và Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ




Trần Thị Trung Chiến

 

QUY CHẾ THỬ NGHIỆM LÂM SÀNG

THUỐC TÂN DƯỢC, THUỐC Y HỌC CỔ TRUYỀN, VĂCXIN VÀ SINH PHẨM Y TẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 6455/2003/QĐ-BYT ngày 22 tháng 12 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Quy chế thử nghiệm lâm sàng thuốc tân dược, thuốc y học cổ truyền, văcxin và sinh phẩm y tế (sau đây gọi chung là thuốc) được xây dựng dựa trên căn cứ Luật bảo vệ sức khoẻ nhân dân, Luật Khoa học và Công nghệ, nội dung hướng dẫn thực hành lâm sàng tốt của Tổ chức Y tế Thế giới và phù hợp với Tuyên ngôn Helsinki về đạo đức trong nghiên cứu y sinh học.

Quy chế thử nghiệm lâm sàng thuốc được xây dựng nhằm mục đích đánh giá tính an toàn và hiệu lực của các thuốc được tiến hành trên cơ thể người ở các giai đoạn; đồng thời bảo vệ quyền lợi, sự an toàn cho các đối tượng nghiên cứu và người sử dụng thuốc khi thuốc được sản xuất và lưu hành trên thị trường. Quy chế thử nghiệm lâm sàng và các kết quả của nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng tốt có ý nghĩa làm tăng sự tín nhiệm của thuốc trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Nghiên cứu lâm sàng là một khâu quan trọng không thể thiếu được trong quá trình hoàn thiện hồ sơ khoa học có tính pháp lý của thuốc để làm cơ sở xin cấp phép sản xuất và lưu hành thuốc trên thị trường. Nghiên cứu lâm sàng là giai đoạn chuyển tiếp nghiên cứu từ phòng thí nghiệm và nghiên cứu trên động vật (nghiên cứu tiền lâm sàng) sang nghiên cứu trên người (lâm sàng). Nghiên cứu lâm sàng phải được tiến hành một cách thận trọng, nghiêm túc đảm bảo tính chính xác, tính khoa học, độ tin cậy của quá trình nghiên cứu theo quy chế thử nghiệm lâm sàng thuốc.

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy chế này quy định về: Điều kiện thử nghiệm lâm sàng và hồ sơ đăng ký thử nghiệm lâm sàng thuốc; thẩm định, xét duyệt, phê duyệt cho phép thử nghiệm lâm sàng; đề cương nghiên cứu, các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng; giám sát, kiểm tra nghiên cứu; ghi chép, báo cáo, xử lý số liệu và phân tích thống kê; quản lý thuốc dùng trong nghiên cứu; đảm bảo chất lượng của nghiên cứu; nghiên cứu tiến hành ở nhiều cơ sở khác nhau; đánh giá kết quả; trách nhiệm và quyền lợi của nhà tài trợ; trách nhiệm và quyền lợi của cơ sở chủ trì nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, chủ nhiệm đề tài và cán bộ nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng; quyền lợi và trách nhiệm của đối tượng nghiên cứu.

Điều 2. Các thuốc phải tiến hành nghiên cứu lâm sàng theo quy định tại Điều 1 của Quy chế này, bao gồm:

1. Các thuốc tân dược sau:

a) Thuốc tân dược mới đã nghiên cứu xong tiền lâm sàng;

b) Thuốc tân dược mới đã và đang nghiên cứu lâm sàng ở giai đoạn nào đó, nay muốn tiến hành nghiên cứu các giai đoạn tiếp theo;

c) Thuốc tân dược đã được phép lưu hành có dạng bào chế mới, liều dùng mới, cách dùng mới;

d) Thuốc tân dược đã được phép lưu hành có chỉ định mới;

e) Thuốc tân dược đã được phép lưu hành, nay phát hiện thuốc có tác hại tiềm ẩn cần phải được khẳng định sớm;

f) Thuốc tân dược đã được phép lưu hành ở nước ngoài, nay phải thử nghiệm lâm sàng để được lưu hành ở Việt Nam.

2. Các thuốc cổ truyền sau:

[...]