QUY ĐỊNH
VỀ HOẠT ĐỘNG TƯ VẤN, PHẢN BIỆN VÀ GIÁM ĐỊNH XÃ HỘI CỦA LIÊN HIỆP CÁC
HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT TỈNH BẮC GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 63/2005/QĐ-UB ngày 22 tháng 8 năm 2005 của
UBND tỉnh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Cơ quan
thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Là Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật
tỉnh Bắc Giang (gọi tắt là Liên hiệp Hội).
Điều 2. Tính
chất của hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội.
Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định
của Liên hiệp Hội là không vì lợi nhuận, không phải là hoạt động nghề nghiệp,
là sự thể hiện trách nhiệm của đội ngũ trí thức tham gia đóng góp trí tuệ vào
vào các hoạt động của Nhà nước.
Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định
xã hội của Liên hiệp Hội không thay thế việc tư vấn, thẩm định, giám định của
các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền, các tổ chức tư vấn hoạt động theo
quy định của pháp luật.
Điều 3. Mục
đích của hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội.
Cung cấp cho các cơ quan quản lý Nhà nước
hoặc các đơn vị khác trên toàn tỉnh (gọi chung là tổ chức hữu quan) có yêu cầu
hoặc chấp thuận đề xuất tư vấn, phản biện và giám định xã hội có thêm cơ sở,
luận cứ khoa học có tính độc lập, khách quan khi đề xuất, xây dựng, thẩm định,
phê duyệt hoặc thực hiện các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã
hội (sau đây gọi chung là đề án).
Tăng cường sự đoàn kết, hợp tác của
đội ngũ trí thức, nâng cao năng lực và vai trò của Liên hiệp Hội và các Hội
thành viên trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội ở địa
phương.
Điều 4. Giải
thích các từ ngữ trong quy định này.
1. Tư vấn là hoạt động trợ giúp về tri
thức, kinh nghiệm, cung cấp các thông tin, tư liệu cùng các ý kiến phân tích,
đánh giá và kiến nghị trong việc đề xuất, xây dựng hoặc thẩm định, phê duyệt đề
án.
2. Phản ánh là hoạt động cung cấp các
thông tin, tư liệu cùng các ý kiến phân tích, đánh giá tính khả thi và các kiến
nghị về sự phù hợp của nội dung đề án đối với mục tiêu và các điều kiện ràng buộc
ban đầu hoặc thực trạng đề ra.
3. Giám định xã hội là hoạt động theo
dõi việc thực hiện đề án, đưa ra các ý kiến phân tích, đánh giá và kiến nghị kịp
thời về việc tổ chức thực hiện mục tiêu, nội dung hoặc chất lượng đề án.
Điều 5. Đối
tượng, phạm vi tư vấn, phản biện và giám định xã hội.
1. Đối tượng.
1.1. Các dự thảo văn bản quy phạm pháp
luật;
1.2. Các đề án phát triển kinh tế - xã
hội có tính chất phức tạp, ưu tiên, trọng điểm hoặc đa ngành do các tổ chức hữu
quan xây dựng, thực hiện hoặc trình cấp trên phê duyệt gồm:
a. Các dự án nhóm A;
b. Các dự án nhóm B,C có tính chất
đặc thù, nhạy cảm về: Lịch sử, văn hóa, tôn giáo, cảnh quan, môi trường, khu
dân cư tập trung.
2. Phạm vi.
2.1. Đối với các dự thảo văn bản quy phạm
pháp luật:
a. Sự phù hợp, thống nhất với các văn
bản quy phạm pháp luật của cơ quan Nhà nước cấp trên.
b. Đối tượng áp dụng, phạm vi điều chỉnh
của văn bản quy phạm pháp luật.
c. Tính khả thi của văn bản quy phạm pháp
luật khi ban hành.
d. Những nội dung cần thiết khác.
2.2. Đối với các đề án phát triển kinh
tế - xã hội:
a. Tính khả thi của đề án;
b. Sự phù hợp của quy hoạch, cảnh
quan;
c. Các vấn đề tác động đến môi trường;
d. Các vấn đề liên quan đến kỹ thuật công
nghệ;
e. Các vấn đề liên quan đến lịch sử, văn
hóa, xã hội;
g. Các vấn đề liên quan đến lao động,
việc làm và xóa đói, giảm nghèo.
Điều 6. Yêu cầu khi thực hiện
hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội.
1. Có tính chất chuyên môn cao, đảm bảo
tính khách quan và khoa học, thể hiện ở cách tiếp cận đúng, phương pháp nghiên
cứu thích hợp, biện pháp tổ chức và cơ cấu đội ngũ thực hiện có chọn lọc, hợp
lý, các đề xuất, kiến nghị có nội dung xác đáng rõ ràng, dựa trên các dữ liệu
đã được kiểm chứng.
2. Chịu trách nhiệm pháp lý về nội dung
tư vấn, phản biện và giám định xã hội.
Điều 7. Các mức
độ tư vấn, phản biện và giám định xã hội.
Việc tư vấn, phản biện và giám định xã
hội được tiến hành ở các mức khác nhau, từ đơn giản đến phức tạp, bao gồm:
1. Chia sẻ thông tin tham khảo về nội
dung hoặc phương pháp tiếp cận, nguồn tư liệu, nguồn chuyên gia;
2. Phân tích, đánh giá đưa ra các ý kiến
nhận xét, bình luận hoặc kiến nghị hướng nghiên cứu nhằm góp phần xây dựng,
hoàn thiện hoặc bổ sung, sửa đổi từng phần hoặc toàn bộ một đề án đang được
chuẩn bị hoặc đang được thực thi.
3. Phân tích, đánh giá, nghiên cứu toàn
diện và đưa ra kiến nghị cụ thể về giải pháp hoặc phương án bổ sung, sửa đổi
hoặc thay thế từng phần hoặc toàn bộ một đề án.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 8. Hình thức
thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội.
Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định
xã hội của Liên hiệp Hội và các Hội thành viên được thực hiện theo các hình
thức sau:
1. Các tổ chức hữu quan đặt yêu cầu cho
Liên hiệp Hội tư vấn, phản biện hoặc giám định xã hội đối với các đề án thuộc
thẩm quyền phê duyệt, thực hiện của mình hoặc các đề án trình cấp trên phê
duyệt.
2. Liên hiệp Hội và các Hội thành viên
chủ động đề xuất với các tổ chức hữu quan nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám
định xã hội.
Điều 9. Quy định
thời gian thực hiện
Sau khi đã được chấp thuận hoặc được mời
tư vấn phản biện và giám định xã hội, Liên hiệp Hội hoặc các Hội thành viên phải
thực hiện đồng bộ với các cơ quan chuyên môn về thời gian, không được làm ảnh
hưởng đến tiến độ xây dựng, thẩm định, phê duyệt hoặc thực hiện đề án.
Điều 10. Nội
dung, tổ chức thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội.
1. Trường hợp các tổ chức hữu quan đặt
yêu cầu tư vấn, phản biện và giám định xã hội, hai bên phải có biên bản thỏa thuận
hoặc hợp đồng bao gồm các nội dung:
a. Bối cảnh của đề án;
b. Mục tiêu của đề án;
c. Phạm vi của nhiệm vụ tư vấn, phản biện
và giám định xã hội;
d. Các kết quả phải đạt được, các tiêu
chí để đánh giá kết quả;
đ. Thời hạn thực hiện;
e. Các thông tin sẽ được yêu cầu cung
cấp và bảo mật (nếu thấy cần thiết); các điều kiện (về quan hệ, chi phí, trang thiết
bị…) do tổ chức đặt yêu cầu đảm bảo.
2. Trường hợp Liên hiệp Hội các Hội thành
viên chủ động đề xuất việc tư vấn phản biện và giám định xã hội thì phải xác
định phạm vi và nội dung công việc thấy cần thiết và thấy có thể tư vấn, phản
biện và giám định xã hội, đồng thời gửi đề xuất đến các tổ chức hữu quan liên
quan, khi được các tổ chức hữu quan chấp thuận và đặt yêu cầu cụ thể, việc tổ
chức thực hiện được tiến hành theo các nội dung khoản 1 điều này.
3. Trong trường hợp các tổ chức hữu quan không đặt yêu
cầu (hoặc không chấp thuận) nhưng lãnh đạo Liên hiệp Hội, các Hội thành viên và
nhiều chuyên gia nhận thấy cần có sự tham gia của tổ chức Hội vào các nhiệm vụ
tư vấn, phản biện và giám định xã hội thì lãnh đạo Liên hiệp Hội hoặc Hội thành
viên chủ động báo cáo với Chủ tịch UBND tỉnh để xin ý kiến chỉ đạo.
Trình tự tổ chức thực hiện tư vấn, phản
biện và giám định xã hội thực hiện theo hướng dẫn tại Văn bản số 733/LHH ngày
06/9/2002 của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
4. Trường hợp các tổ chức hữu quan yêu
cầu tư vấn, phản biện và giám định xã hội giao đích danh cho một cá nhân chuyên
gia tự thực hiện nhiệm vụ được giao, thì cá nhân đó tự chịu trách nhiệm pháp lý
về nội dung và kết quả thực hiện của mình; các kết luận, ý kiến, báo cáo cần
ghi rõ tên của từng chuyên gia cụ thể, không được nhân danh tổ chức Liên hiệp
Hội.
Điều 11. Kinh
phí cho nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội.
1. Nguyên tắc xác định kinh phí cho các
hình thức tư vấn, phản biện và giám định xã hội là không vì lợi nhuận, đảm bảo
bù đắp các chi phí phục vụ trực tiếp cho các hoạt động này.
2. Đối với chương trình, dự án của UBND
tỉnh yêu cầu (hoặc chấp nhận) thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội
thì Liên hiệp Hội hoặc các Hội thành viên chủ động lập dự toán kinh phí, thống
nhất với Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính trình Chủ tịch UBND tỉnh phê
duyệt vào kế hoạch ngân sách hàng năm.
3. Đối với đề án do các tổ chức hữu quan
đặt yêu cầu (hoặc chấp nhận) thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội,
kinh phí thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội được thực hiện trên cơ
sở hợp đồng do hai bên thỏa thuận, phù hợp với quy định của Nhà nước. Trường
hợp các đề án không được bố trí nguồn kinh phí riêng cho hoạt động tư vấn, phản
biện giám định xã hội thì được sử dụng nguồn kinh phí hoạt động của cơ quan đặt
yêu cầu (hoặc chấp nhận), thanh toán trực tiếp cho Liên hiệp Hội hoặc các Hội
thành viên theo hợp đồng.
4. Nội dung, mức chi cụ thể cho từng trường
hợp và công tác quản lý, cấp phát, quyết toán kinh phí hoạt động tư vấn, phản
biện và giám định xã hội được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 27/2003/TT-BTC
ngày 01/4/2003 của Bộ Tài chính.
Điều 12. Quyền
và nghĩa vụ của các tổ chức hữu quan đặt yêu cầu tư vấn, phản biện và giám định
xã hội.
1. Chủ động đặt yêu cầu tư vấn, phản biện
và giám định xã hội cho Liên hiệp Hội và các Hội thành viên đối với các dự án
thuộc diện nêu tại Điều 5 Quy định này.
2. Cung cấp đầy đủ, kịp thời những thông
tin, tư liệu cần thiết, đảm bảo các điều kiện thuận lợi về kinh phí và sử dụng
cơ sở vật chất (nếu có thỏa thuận) cho Liên hiệp Hội hoặc các Hội thành viên,
thực hiện nhiệm vụ được yêu cầu.
3. Xử lý các kiến nghị trong văn bản tư
vấn, phản biện hoặc giám định của Liên hiệp Hội và các Hội thành viên. Văn bản
tư vấn, phản biện hoặc giám định xã hội của Liên hiệp Hội và các Hội thành viên
được tập hợp trong hồ sơ đề án gửi trình các cấp có thẩm quyền.
Điều 13. Trách
nhiệm của Liên hiệp Hội và các Hội thành viên.
1. Liên hiệp Hội.
1.1. Xây dựng và phát triển kế hoạch tư
vấn, phản biện và giám định hàng năm; tham mưu trình UBND tỉnh ban hành các văn
bản pháp quy về công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội;
1.2. Tổ chức triển khai tư vấn, phản biện
và giám định xã hội khi có yêu cầu;
1.3. Phổ biến các tài liệu hướng dẫn nghiệp
vụ phục vụ hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội;
1.4. Tổ chức hệ thống thông tin trong
toàn Liên hiệp Hội, xây dựng cơ sở dữ liệu về các văn bản pháp quy, các chính sách,
quy hoạch của tỉnh; cung cấp các thông tin có trong cơ sở dữ liệu cho các Hội
thành viên khi có yêu cầu;
1.5. Xây dựng cơ sở dữ liệu về các chuyên
gia trong tỉnh, trong khu vực, trong nước, lựa chọn và giới thiệu các chuyên
gia có đủ năng lực và trình độ cho từng đề án tư vấn, phản biện và giám định xã
hội;
1.6. Hỗ trợ việc đào tạo, tập huấn, nâng
cao năng lực tư vấn, phản biện và giám định xã hội cho cán bộ, chuyên gia của
các Hội thành viên;
1.7. Chịu trách nhiệm pháp lý về nội dung
tư vấn, phản biện và giám định xã hội và cho ý kiến do mình đề xuất; quản lý,
bảo mật (nếu có yêu cầu) hồ sơ, tài liệu của đề án được cung cấp, bảo quản các
phương tiện kỹ thuật (nếu được giao) và hoàn trả sau khi hoàn thành nhiệm vụ
được yêu cầu;
1.8. Định kỳ tổ chức đánh giá, rút kinh
nghiệm hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của hệ thống Liên hiệp
Hội và báo cáo về UBND tỉnh.
2. Các Hội thành viên của Liên hiệp
Hội:
2.1. Tổ chức thực hiện tư vấn, phản biện và giám định
xã hội khi được phân công và khi có tổ chức hữu quan yêu cầu;
2.2. Trong trường hợp cần thiết có sự
hỗ trợ của Liên hiệp Hội, phải báo cáo chi tiết về nội dung, yêu cầu, phạm vi thời
hạn thực hiện, các vấn đề khó khăn khi thực hiện ở từng giai đoạn;
2.3. Lựa chọn và giới thiệu chuyên gia,
cung cấp thông tin trong phạm vi khả năng của mình (khi được yêu cầu) để hỗ trợ
công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội và các Hội
thành viên khác;
2.4. Định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo
về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội cho Liên hiệp Hội.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI
HÀNH
Điều 14. Liên hiệp các Hội
Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, các Sở, cơ quan trực thuộc UBND tỉnh, UBND các
huyện, thành phố tổ chức thực hiện quy định này.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng
mắc, báo cáo kịp thời về UBND tỉnh (thông qua Thường trực Liên hiệp các Hội
Khoa học và Kỹ thuật tỉnh) để xem xét giải quyết./.