Quyết định 603-BNT-TCCB năm 1963 về việc thành lập Cục kiêm Tổng công ty nhập khẩu thiết bị toàn bộ và kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Ngoại thương ban hành

Số hiệu 603-BNT-TCCB
Ngày ban hành 01/11/1963
Ngày có hiệu lực 16/11/1963
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Ngoại thương
Người ký Lý Ban
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Bộ máy hành chính

BỘ NGOẠI THƯƠNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 603-BNT-TCCB

Hà Nội, ngày 01 tháng 11 năm 1963 

 

QUYẾT ĐỊNH

THÀNH LẬP CỤC KIÊM TỔNG CÔNG TY NHẬP KHẨU THIẾT BỊ TOÀN BỘ VÀ KỸ THUẬT

BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 203-CP ngày 23/11/1961 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Ngoại thương;
Căn cứ Quyết định số 28-BNT-QP-TCCB ngày 28/01/1959 của Bộ Ngoại thương thành lập Cục kiêm Tổng công ty nhập khẩu thiết bị toàn bộ và kỹ thuật;
Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Ngoại thương và ông Giám đốc Cục kiêm Tổng công ty nhập khẩu thiết bị toàn bộ kỹ thuật;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Cục kiêm Tổng công ty nhập khẩu thiết bị toàn bộ kỹ thuật là một đơn vị hành chính đồng thời là một đơn vị kinh doanh theo chế độ hạch toán kinh tế, có vốn và tài sản riêng, có tư cách pháp nhân trực thuộc Bộ Ngoại thương, có nhiệm vụ giúp bộ nghiên cứu thực hiện chính sách, chủ trương và biện pháp nhập khẩu thiết bị toàn bộ và kỹ thuật, thực hiện công tác kinh doanh ngoại thương các mặt hàng về thiết bị toàn bộ và kỹ thuật theo đường lối của Đảng và Chính phủ, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ kế hoạch được Bộ Ngoại thương phân bổ nhằm phục vụ sản xuất, phục vụ dân sinh, tăng cường quan hệ và hợp tác quốc tế với các tổ chức ngoại thương nước ngoài, góp phần nâng cao địa vị của ta trên thị trường quốc tế.

Điều 2. Cục kiêm Tổng công ty nhập khẩu thiết bị toàn bộ và kỹ thuật có nhiệm vụ và quyền hạn:

a) Đảm bảo hoàn thành kế hoạch Nhà nước do Bộ Ngoại thương giao, chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ về nhập khẩu thiết bị toàn bộ và kỹ thuật.

b) Nghiên cứu tình hình sản xuất và yêu cầu xây dựng trong nước, sưu tầm những tài liệu đề án kỹ thuật sản xuất, giá cả các nhà máy thích hợp với yêu cầu xây dựng, sản xuất trong nước và nghiên cứu tình hình khă năng cung cấp thiết bị và kỹ thuật của nước ngoài để giúp bộ đề đạt với Nhà nước về các chủ trương kế hoạch và biện pháp nhập khẩu thiết bị toàn bộ, mời chuyên gia, gửi thực tập sinh, trao đổi tài liệu khoa học kỹ thuật.

c) Dự thảo các hiệp định, nghị định thư về nhập thiết bị toàn bộ và kỹ thuật, các điều kiện chung về mua bán và giao nhận thiết bị toàn bộ, điều kiện chung về chuyên gia thực tập sinh, thuộc phạm vi của Bộ Ngoại thương đã ký kết với ngoài.

d) Nghiên cứu đề xuất ý kiến giúp bộ chỉ đạo các thương vụ ta ở nước ngoài trong công tác theo dõi nhập thiết bị toàn bộ và kỹ thuật.

e) Trong phạm vi kinh doanh của đơn vị mình, căn cứ vào chỉ tiêu kim ngạch được phân bổ, nghiên cứu tình hình thị trường, giá cả thiết kế, thiết bị, kỹ thuật của các nước khác, để tranh thủ nhập khẩu thiết bị toàn bộ và kỹ thuật nhằm phục vụ nhu cầu xây dựng trong nước.

g) Tham gia đàm phán với các đoàn thương mại nước ngoài và trong phạm vi kinh doanh của mình ký kết các hợp đồng hoặc văn bản liên quan đến việc nhập thiết bị toàn bộ và kỹ thuật nhằm phục vụ nhu cầu xây dựng trong nước.

h) Thực hiện tốt các hiệp định, hợp đồng do bộ và tổng công ty xuất nhập khẩu đã ký kết với nước ngoài về thiết bị toàn bộ kỹ thuật:

- Theo dõi và đôn đốc việc thực hiện các hợp đồng về thiết kế, thiết bị đúng quy cách, phẩm chất, thời gian xây dựng, sản xuất của các công trình và các xí nghiệp;

- Theo dõi việc thực hiện các hợp đồng và chế độ, chuyên gia, sử dụng chuyên gia, gửi thực tập sinh đúng chủ trương và phương hướng của Nhà nước;

- Trong phạm vi được phân công thực hiện đầy đủ các nghị quyết về trao đổi tài liệu khoa học kỹ thuật do ban hợp tác khoa học kỹ thuật (trong Ủy ban kế hoạch Nhà nước) đã ký hàng năm với nước ngoài.

i) Quản lý và sử dụng tốt tài sản và vốn kinh doanh đã được bộ duyệt, luân chuyển vốn nhanh, hạ phí lưu thông hàng nhập, tiết kiệm ngoại tệ, chống lãng phí tham ô, tăng tích lũy xã hội chủ nghĩa.

k) Nghiên cứu sắp xếp bộ máy tổ chức biên chế của Cục kiêm Tổng công ty, quản lý cán bộ, công nhân biên trong đơn vị mình thuộc phạm vi đã được bộ phận cấp, giáo dục, đào tạo cán bộ, công nhân viên, thi hành mọi chính sách, chế độ đối với cán bộ, công nhân viên.

Điều 3. Giám đốc Cục kiêm Tổng công ty chịu trách nhiệm trước Bộ Ngoại thương lãnh đạo toàn bộ công tác của tổng công ty như điều 2 đã quy định.

Các phó Giám đốc Cục kiêm Tổng công ty giúp giám đốc trong việc lãnh đạo chung và tùy ủy nhiệm của giám đốc, chỉ đạo từng phần công tác của Cục kiêm Tổng công ty.

Trong phạm vi trách nhiệm của mình, trên cơ sở đó và để thi hành luật pháp, nghị quyết, thông tư, quyết định, chỉ thị của Bộ Ngoại thương, giám đốc Cục kiêm tổng công ty được ra những chỉ thị và kiểm tra các phòng, các đơn vị trực thuộc trong việc thi hành.

Điều 4. Tổ chức bộ máy của Cục kiêm Tổng công ty nhập khẩu thiết bị toàn bộ và kỹ thuật gồm có:

- Giám đốc

- Các Phó Giám đốc

- Phòng thiết bị 1

- Phòng thiết bị 2

- Phòng thiết bị 3

- Phòng khu vực

- Phòng giá cả

- Phòng chuyên gia, thực tập sinh và hợp tác khoa học kỹ thuật.

- Phòng vận tải.

- Phòng tài vụ kế toán.

- Phòng kế hoạch

- Phòng tổ chức hành chính

- Đại diện Cục kiêm Tổng công ty tại Hải Phòng

- Đại diện Cục kiêm Tổng công ty tại Bằng Tường

- Các đại diện Cục kiêm Tổng công ty tại nước ngoài.

Việc thành lập sửa đổi hoặc bãi bỏ các phòng, các đại diện của Cục kiêm Tổng công ty do Bộ Ngoại thương quyết định. Nhiệm vụ của các phòng và đơn vị trực thuộc Cục kiêm Tổng công ty sẽ được quy định trong điều lệ tổ chức của Cục kiêm Tổng công ty nhập khẩu thiết bị toàn bộ và kỹ thuật do Bộ Ngoại thương duyệt.

Điều 5. Các văn bản trái với quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 6. Các ông Chánh văn phòng, ông Vụ trưởng vụ Tổ chức cán bộ Bộ Ngoại thương và ông giám đốc Cục kiêm Tổng công ty nhập khẩu thiết bị toàn bộ và kỹ thuật chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI THƯƠNG
THỨ TRƯỞNG


 

 
Lý Ban