Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 60/2002/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thủ đô Hà Nội thời kỳ 2001-2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 60/2002/QĐ-TTg
Ngày ban hành 13/05/2002
Ngày có hiệu lực 28/05/2002
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 60/2002/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 13 tháng 5 năm 2002

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 60/2002/ QĐ-TTG NGÀY 13 THÁNG 5 NĂM 2002 VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ- XÃ HỘI THỦ ĐÔ HÀ NỘI THỜI KỲ 2001- 2010

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội ngày 28 tháng 12 năm 2000;
Xét đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội tại Tờ trình số 96/ TTr-UB ngày 29 tháng 10 năm 2001; của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại công văn số 2325/ BKH/ VPTĐ ngày 15 tháng 4 năm 2002,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2001- 2010 với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Mục tiêu:

Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Trong mười năm tới, gắn với kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, Thành phố phải đảm bảo ổn định vững chắc an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế, khoa học công nghệ, văn hoá- xã hội toàn diện, nhanh, hiệu quả và môi trường bền vững. Xây dựng một bước quan trọng cơ sở vật chất - kỹ thuật và xã hội của Thủ đô xã hội chủ nghĩa giàu đẹp, văn minh, thanh lịch, đồng bộ, hiện đại: bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hoá truyền thống của Thủ đô ngàn năm văn hiến; tập trung làm lành mạnh, trong sạch môi trường văn hoá - xã hội, ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; chủ động đi đầu trong hội nhập kinh tế quốc tế, chuẩn bị tiền đề của kinh tế tri thức, trở thành một Trung tâm ngày càng có uy tín ở khu vực, xứng đáng với danh hiệu "Thủ đô Anh hùng ".

2. Những quan điểm phát triển cơ bản:

- Phát triển Thủ đô là trọng điểm trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Cần phát huy đồng bộ sức mạnh tổng hợp của Trung ương, của Hà Nội, của cả nước, của các thành phần kinh tế, của hợp tác quốc tế trong quá trình phát triển Thủ đô; khai thác nội lực là nhân tố quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng .

- Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội Thủ đô phải được xây dựng và thực hiện trong mối quan hệ hữu cơ với sự phát triển kinh tế- xã hội của cả nước, với việc xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vùng, liên vùng, dùng sức mạnh của Thủ đô làm động lực thúc đẩy sự phát triển của vùng, tạo ra sự phân công - hợp tác chặt chẽ trong một cơ cấu thống nhất trên phạm vi cả nước .

- Trong chỉ đạo, quán triệt phương châm: phát triển kinh tế- xã hội là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, quản lý đô thị là nhiệm vụ thường xuyên quan trọng. Trong tổ chức thực hiện, cần kết hợp hài hoà các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng; phát triển lực lượng sản xuất gắn liền với xây dựng, củng cố quan hệ sản xuất, kết hợp giải quyết các vấn đề cấp bách trước mắt, kiên trì thực hiện các mục tiêu cơ bản, lâu dài. Xác định đúng trọng tâm các khâu đột phá, có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, đi tắt, đón đầu, đẩy nhanh tốc độ phát triển Thủ đô.

3. Một số chỉ tiêu chủ yếu:

3.1. Về kinh tế:

- Đưa tỷ trọng GDP của Hà Nội trong tổng GDP của cả nước từ 7,3% năm 2000 lên khoảng 8,2% vào năm 2005 và 9,8% vào năm 2010.

- Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân năm thời kỳ 2001- 2010 khoảng 10-11%/ năm.

- GDP bình quân đầu người vào năm 2005 tăng 1,4 lần so với năm 2000, vào năm 2010 tăng 1,5 lần so với năm 2005.

- Cơ cấu kinh tế:

+ Giai đoạn 2001- 2005 chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp;

+ Giai đoạn 2006 - 2010 theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp (Năm 2010, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng chiếm khoảng 42%, dịch vụ 56% và nông nghiệp 2% GDP toàn Thành phố).

+ Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp 14,5%/năm, nông nghiệp 3,0%/năm, dịch vụ 8,6%/năm;

- Giá trị xuất khẩu tăng trưởng bình quân thời kỳ 2001- 2010 khoảng 16-18%/năm.

3.2. Về dân số, nguồn nhân lực:

Năm 2010, quy mô dân số Hà Nộị đạt khoảng 3,3 triệu người; lao động qua đào tạo chiếm 60- 65%. Đến năm 2005, chuẩn hoá đội ngũ công chức cấp thành

phố, cấp quận, huyện; năm 2010 chuẩn hoá đội ngũ công chức cấp xã, phường. Giảm tỷ lệ thất nghiệp đô thị còn 5,5 - 6%; quản lý chặt chẽ số lao động ở các địa phương khác về Hà Nội .

3.3. Về văn hoá, xã hội, giáo dục, y tế, thể dục thể thao:

Phát triển giáo dục- đào tạo của Thủ đô trở thành Trung tâm đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước; thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ trung học ( bao gồm: trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, trung học nghề) là 70% vào năm 2005 và phổ cập trung học vào năm 2010. Xây dựng nền văn hoá tiên tiến, giàu bản sắc dân tộc, người Hà Nội "văn minh, thanh lịch - hiện đại". Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể. Phát triển sự nghiệp y tế chăm sóc sức khoẻ, nâng cao thể chất cho nhân dân. Xây dựng nền thể dục, thể thao tiên tiến với lực lượng thể dục thể thao đạt trình độ cao trong khu vực, trong đó có một số môn đạt trình độ thế giới; đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao quần chúng. Thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hoá giáo dục, văn hoá, y tế, thể dục thể thao.

3.4. Về đời sống:

[...]