Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 58/2009/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2010 đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành

Số hiệu 58/2009/QĐ-UBND
Ngày ban hành 28/12/2009
Ngày có hiệu lực 07/01/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Phạm Thế Dũng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số : 58/2009/QĐ-UBND

Pleiku, ngày 28 tháng 12 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH THĂM DÒ, KHAI THÁC, CHẾ BIẾN VÀ SỬ DỤNG KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI GIAI ĐOẠN 2010 ĐẾN NĂM 2020

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;
Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 20 tháng 3 năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản; Nghị định số 07/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2009 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 160/2005/NĐ-CP;
Căn cứ Nghị quyết số 20/2009/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2009 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa IX tại kỳ họp thứ 19 về việc thông qua Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2010 đến năm 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 1335/TT-TNMT ngày 20 tháng 11 năm 2009
,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2010 đến năm 2020 thuộc phạm vi quy hoạch và cấp phép của Uỷ ban nhân dân tỉnh với các nội dung chính sau:

I/ QUAN ĐIỂM, NGUYÊN TẮC VÀ MỤC TIÊU QUY HOẠCH:

1. Quan điểm:

a) Tài nguyên khoáng sản của Việt Nam nói chung và của tỉnh Gia Lai nói riêng là nguồn tài nguyên có hạn và không thể tái tạo được nên cần được quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, bảo vệ tốt môi trường sinh thái.

b) Việc điều tra, thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn được quản lý, tổ chức thực hiện đảm bảo yêu cầu phát triển hiệu quả, bền vững, tiết kiệm phù hợp với tiềm năng khoáng sản, trình độ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và quy hoạch khoáng sản của cả nước, bảo vệ môi trường sinh thái, đúng quy định của pháp luật.

c) Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản nhằm phát triển ngành khai thác và chế biến khoáng sản trở thành một ngành công nghiệp quan trọng, chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, với sự tham gia của mọi thành phần kinh tế trong đó ưu tiên các doanh nghiệp có kinh nghiệm khai thác công nghiệp, quy mô lớn, công nghệ tiên tiến.

d) Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản nhằm tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về các hoạt động khoáng sản. Tăng c­ường chế biến sâu và đảm bảo hài hoà lợi ích của nhà đầu tư­, của nhà nư­ớc và của cộng đồng dân c­ư, đảm bảo trật tự an ninh xã hội và an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên.

e) Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 là quy hoạch mở, có tính định hướng, trong quá trình thực hiện cần được bổ sung, điều chỉnh cập nhật kịp thời. Các khu vực khoáng sản chưa được điều tra, đánh giá và không nằm trong quy hoạch khoáng sản của cả nước tùy theo tình hình thực tế có thể được khảo sát, thăm dò, đánh giá quy mô, chất lượng khoáng sản để lựa chọn công nghệ khai thác phù hợp cho từng giai đoạn.

2. Nguyên tắc:

Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản giai đoạn 2010 đến 2020 đảm bảo các nguyên tắc sau:

a) Khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên khoáng sản phục vụ cho nhu cầu trước mắt, đồng thời có tính đến sự phát triển của khoa học, công nghệ và nhu cầu khoáng sản trong tương lai.

b) Bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và các tài nguyên thiên nhiên khác.

c) Phù hợp với Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản của cả nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc ủy quyền các Bộ, Ngành phê duyệt.

3. Mục tiêu:

a) Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh là cơ sở pháp lý cho các ngành chức năng của Nhà nước quản lý cấp phép thăm dò, khai thác, chế biến các mỏ khoáng sản nhằm sử dụng một cách có hiệu quả, đúng mục đích và phát triển bền vững ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong việc xin cấp phép thăm dò, cấp phép khai thác và chế biến khoáng sản trong giai đoạn từ nay đến năm 2020.

b) Đánh giá hiện trạng nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh; xác định nhu cầu, trữ lượng khoáng sản cần thăm dò, khai thác, chế biến giai đoạn 2010 đến năm 2020 và khả năng đáp ứng từ nguồn tài nguyên khoáng sản; xác định danh mục, tiến độ thăm dò, khai thác và chế biến các mỏ trong từng giai đoạn, các mỏ hoặc khu vực dự trữ tài nguyên, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển ngành công nghiệp khai khoáng của tỉnh. Sử dụng lợi thế nguồn tài nguyên sẵn có của tỉnh để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trên địa bàn các huyện còn nhiều khó khăn.

c) Quy hoạch là cơ sở xây dựng bộ bản đồ quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản; trên cơ sở làm rõ các vùng có triển vọng khoáng sản, khu vực khai thác quy mô công nghiệp, khu vực khai thác quy mô nhỏ, khu vực cấm hoặc tạm cấm hoạt động khoáng sản, khu vực cần tiến hành điều tra, khảo sát, thăm dò khoáng sản để phục vụ công tác quản lý, điều hành trong lĩnh vực khoáng sản của tỉnh.

d) Quy hoạch là cơ sở nhằm định hướng công tác thăm dò địa chất, khai thác, chế biến các loại khoáng sản, đặc biệt tập trung vào một số khoáng sản có triển vọng như: than bùn, vàng, sắt, bauxit, chì-kẽm, magnesit, wolastonit, felspat, fluorit, barit, kaolin, diatomit-trepel, bentonit, thạch anh-gốm, laterit, puzơlan, đá xây dựng, sét gạch ngói, cát xây dựng, đá ốp lát, vật liệu san lấp, nước khoáng-nóng...

II/ NỘI DUNG QUY HOẠCH:

Trên địa bàn tỉnh các dự án về đo vẽ, lập bản đồ địa chất – khoáng sán còn ít. Bên cạnh bản đồ địa chất và khoáng sản tỷ lệ 1:200.000 phủ trùm toàn tỉnh, thì việc tìm kiếm, đánh giá tài nguyên khoáng sản ở tỷ lệ 1:50.000 chỉ mới được thực hiện ở 9 nhóm tờ (khoảng 5.000 km2) thuộc địa bàn các huyện Kông Chro, Ia Pa, Krông Pa và một phần các huyện Chư Păh, Kbang và thị xã Ayun Pa.

Do đó, các khu vực mỏ, điểm mỏ, điểm biểu hiện khoáng sản, điểm biểu hiện khoáng hóa mới phát hiện được 524 điểm tập trung ở các huyện đã được đo vẽ bản đồ địa chất – khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 gồm: than bùn, vàng, sắt, bauxit, chì-kẽm, magnesit, wolastonit, felspat, fluorit, barit, kaolin, diatomit-trepel, bentonit, thạch anh-gốm, laterit, puzơlan, đá xây dựng, sét gạch ngói, cát xây dựng, đá ốp lát, vật liệu san lấp, nước khoáng-nóng... (Phụ lục 1).

1. Quy hoạch tìm kiếm đánh giá, thăm dò khoáng sản:

a) Mục tiêu:

[...]