Quyết định 575/QĐ-TCT năm 2019 phê duyệt Đề án: “Xây dựng Sổ tay nghiệp vụ về giải quyết tố cáo tại Cơ quan thuế các cấp” do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành

Số hiệu 575/QĐ-TCT
Ngày ban hành 09/05/2019
Ngày có hiệu lực 09/05/2019
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tổng cục Thuế
Người ký Bùi Văn Nam
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí,Bộ máy hành chính

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 575/QĐ-TCT

Hà Nội, ngày 09 tháng 5 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN: “XÂY DỰNG SỔ TAY NGHIỆP VỤ VỀ GIẢI QUYẾT TỐ CÁO TẠI CƠ QUAN THUẾ CÁC CẤP”

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THUẾ

Căn cứ Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg ngày 25/09/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế trực thuộc Bộ Tài chính;

Căn cứ Quyết định số 2156/QĐ-BTC ngày 15/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Vụ và Văn phòng Tổng cục Thuế;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kiểm tra nội bộ - Tổng cục Thuế.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án: “Xây dựng Sổ tay nghiệp vụ về giải quyết tố cáo tại Cơ quan thuế các cấp”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Vụ trưởng Vụ Kiểm tra nội bộ, Thủ trưởng các Vụ/đơn vị thuộc, trực thuộc Tổng cục Thuế; Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Lãnh đạo Tổng cục Thuế;
- Văn phòng (để phối hợp thực hiện);
- Lưu: VT, KTNB (2b).

TỔNG CỤC TRƯỞNG




Bùi Văn Nam

 

ĐỀ ÁN

XÂY DỰNG SỔ TAY NGHIỆP VỤ VỀ GIẢI QUYẾT TỐ CÁO TẠI CƠ QUAN THUẾ CÁC CẤP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 575/QĐ-TCT ngày 09 tháng 5 năm 2019 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế)

I. SỰ CẦN THIẾT CỦA ĐỀ ÁN

Trong những năm qua, để hỗ trợ công tác kiểm tra nội bộ nói chung và công tác giải quyết tố cáo nói riêng, hệ thống kiểm tra nội bộ đã có những thay đổi nhằm đáp ứng được khối lượng công việc ngày càng tăng cao và nâng cao chất lượng, thời gian giải quyết công tác kiểm tra nội bộ nói chung và việc giải quyết tố cáo nói riêng. Theo đó, hệ thống kiểm tra nội bộ đã đưa vào sử dụng phần mềm ứng dụng KTNB ngành thuế nhằm hỗ trợ cho Cơ quan thuế các cấp trong việc tin học hóa công tác kiểm tra nội bộ và giải quyết khiếu nại tố cáo, hỗ trợ đắc lực và hiệu quả trong công tác quản lý và điều hành của bộ phận KTNB nói chung và việc giải quyết tố cáo nói riêng. Phần mềm này quản lý toàn bộ quá trình tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo, do đó bộ phận giải quyết đơn tố cáo có thể thu thập hồ sơ tài liệu từ hệ thống thông tin dữ liệu nội bộ ngành (từ dữ liệu trên hệ thống ứng dụng, từ các bộ phận liên quan trong nội bộ cơ quan thuế...), theo đó rút ngắn tối đa thời gian kiểm tra xác minh, thu thập tài liệu.

Việc giải quyết tố cáo, các vụ việc phản ánh, kiến nghị trong ngành thuế ngày càng trở nên phức tạp và đa dạng (Năm 2016 là 311 đơn tố cáo trong đó có 104 đơn thuộc thẩm quyền; năm 2017 là 374 đơn, trong đó có 173 thuộc thẩm quyền; năm 2018 là 537 đơn tố cáo, trong đó có 250 đơn tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết). Có một thực tế là việc các vụ việc tố cáo thường tăng cao trong các giai đoạn có sự luân phiên, luân chuyển, sắp xếp về nhân sự hay chuyển đổi thế hệ lãnh đạo. Hiện nay ngành thuế đang có sự sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn và thành lập các cơ quan thuế vùng. Việc thành lập các cơ quan thuế vùng sẽ dẫn đến việc sắp xếp lại nhân sự tại các Cục Thuế nơi có việc thành lập các cơ quan thuế Vùng.

Từ năm 2017, hệ thống KTNB đã tổ chức các cuộc hội thảo hàng năm trên toàn quốc nhằm trao đổi kinh nghiệm, ...Tại các cuộc hội thảo, các Cục Thuế cũng đã có đề xuất về việc ban hành sổ tay nghiệp vụ đối với từng công việc của hệ thống Kiểm tra nội bộ (Kiểm tra nội bộ, Giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo...) nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết các công việc của hệ thống kiểm tra nội bộ nói chung và giải quyết tố cáo nói riêng trong đó có việc đảm bảo thời gian giải quyết các vụ việc tố cáo ngày càng có xu hướng phức tạp và kéo dài.

Trong bối cảnh đó, Luật tố cáo số 25/2018/QH14 ngày 12/06/2018 của Quốc hội khóa XIV có hiệu lực từ 01/01/2019 đã rút ngắn thời gian giải quyết tố cáo xuống còn 30 ngày làm việc. Việc rút ngắn thời gian giải quyết đối với các vụ việc tố cáo sẽ tạo áp lực ngày càng lớn đối với đối với hệ thống Kiểm tra nội bộ.

Ngày 26/02/2019, Tổng cục Thuế đã ban hành Quyết định số 182/QĐ-TCT về việc ban hành Quy chế giải quyết tố cáo tại cơ quan Thuế các cấp và Quyết định số 183/QĐ-TCT về việc ban hành Quy trình giải quyết tố cáo tại cơ quan Thuế các cấp. Quy trình giải quyết tố cáo đã có những hướng dẫn trình tự xử lý đối với các đơn tố cáo tại cơ quan thuế các cấp, trong đó có các trường hợp như đơn có tiêu đề là khiếu nại, kiến nghị, phản ánh những nội dung đơn thực chất là tố cáo; trường hợp đơn vừa có nội dung khiếu nại, vừa có nội dung tố cáo hoặc đơn vừa có nội dung tố cáo vừa có nội dung kiến nghị, phản ánh; trường hợp đơn tố cáo vừa có nội dung thuộc thẩm quyền của cơ quan thuế, vừa có nội dung thuộc thẩm quyền của cơ quan khác.

Tuy nhiên, trên thực tế công tác giải quyết đơn tố cáo vừa qua cho thấy còn một số bất cập chưa đưa ra được các tình huống cụ thể trong thực tế phát sinh, như:

- Tố cáo có nhiều hình thức: Tố cáo có danh, tố cáo mạo danh, tố cáo mượn danh, tố cáo ẩn danh nhưng có nội dung cụ thể...;

- Thực tế phát sinh vừa tố cáo vừa khiếu nại, vừa phản ánh như trường hợp tại Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc khi người tố cáo vừa có đơn phản ánh, kiến nghị, vừa có đơn khiếu nại vừa có đơn tố cáo;

- Tố cáo chồng lên tố cáo: Người nộp thuế viết nhiều đơn thư, đơn sau viết lại nội dung đơn tố cáo cũ đồng thời bổ sung thêm nội dung mới như trường hợp của Công ty TNHH Thương Mại-Sản Xuất và Vận Tải Biển Giang Thủy (Hải Phòng);

- Phát sinh nhiều trường hợp tố cáo: Nội bộ tố cáo lẫn nhau, doanh nghiệp tố cáo cơ quan thuế, Người nộp thuế tố cáo công chức thuế;

- Khiếu nại, phản ánh đã được giải quyết mà không thỏa mãn với kết quả giải quyết của cơ quan có thẩm quyền nên tiếp tục gửi đơn tố cáo cơ quan đã giải quyết hoặc cơ quan cấp trên;

Tất cả các trường hợp trên chưa được hướng dẫn một cách cụ thể dẫn đến xử lý các tình huống cụ thể trong thực tế của cơ quan thuế các cấp còn lúng túng. Mặt khác, một số trường hợp thiếu sót trong giải quyết như: Chưa thực hiện đầy đủ đúng quy định về quy trình, thủ tục đã được quy định tại quy trình giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của Thanh tra chính phủ và các quy trình, quy chế giải quyết tố cáo của Tổng cục Thuế; Thời gian giải quyết quá thời gian quy định; chưa xác định đúng thẩm quyền giải quyết tố cáo cần thực hiện đúng quy định tại Luật Tố cáo; ban hành Thông báo kết quả giải quyết đơn tố cáo chưa khớp đúng với nội dung tố cáo dẫn đến việc người tố cáo có đơn tố cáo tiếp;chưa thực hiện đúng quy định về việc bảo vệ bí mật thông tin cho người tố cáo). Việc thiếu sót trong quá trình giải quyết tố cáo là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đơn thư tố cáo kéo dài và vượt cấp.

Hơn nữa, cấp cơ sở thường lúng túng, thiếu chuyên nghiệp trong giải quyết đơn tố cáo do công chức thường xuyên phải luân phiên, luân chuyển chuyển đổi vị trí công tác theo quy định.

[...]