Quyết định 562/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lai Châu, giai đoạn 2021–2025, định hướng đến 2030”

Số hiệu 562/QĐ-UBND
Ngày ban hành 17/05/2021
Ngày có hiệu lực 17/05/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Lai Châu
Người ký Tống Thanh Hải
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 562/QĐ-UBND

Lai Châu, ngày 17 tháng 5 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “BẢO TỒN, PHÁT HUY BẢN SẮC VĂN HÓA TỐT ĐẸP CỦA CÁC DÂN TỘC GẮN VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LAI CHÂU, GIAI ĐOẠN 2021 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2030”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 17/02/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030;

Theo đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Đề án “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lai Châu, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030” (có Đề án chi tiết kèm theo).

Điều 2. Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn, tổ chức thực hiện, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Đề án; định kỳ tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở, ngành: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Dân tộc tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TT. Tỉnh ủy (b/c);
- Lãnh đạo HĐND tỉnh (b/c);
- UBND tỉnh: U;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh.
- Lưu: VT, VX3.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Tống Thanh Hải

 

ĐỀ ÁN

BẢO TỒN, PHÁT HUY BẢN SẮC VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG TỐT ĐẸP CỦA CÁC DÂN TỘC GẮN VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LAI CHÂU GIAI ĐOẠN 2021 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 562/QĐ-UBND ngày 17/5/2021 của UBND tỉnh Lai Châu)

Phần thứ nhất

SỰ CẦN THIẾT, CĂN CỨ XÂY DỰNG, PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Sự cần thiết xây dựng Đề án

Lai Châu là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại và bảo vệ môi trường sinh thái. Với diện tích tự nhiên 9.068,788 km2, dân số trên 46 vạn người, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 84,6%; có 08 huyện, thành phố với 106 xã, phường, thị trấn, trong đó: 60 xã đặc biệt khó khăn, 22 xã biên giới giáp Trung Quốc với tổng chiều dài đường biên 265,165 km. Lai Châu được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, hùng vĩ, khí hậu ôn hòa, quanh năm mát mẻ. Văn hóa truyền thống phong phú, đa dạng, độc đáo, giàu bản sắc của 20 dân tộc: Lễ hội, trang phục, nghề thủ công, kiến trúc nhà ở, ẩm thực, tri thức, nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục tập quán... là tiềm năng, lợi thế lớn cho phát triển du lịch văn hóa.

Tuy nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, GRDP bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng/năm, mặc dù đời sống của người dân đã được cải thiện đáng kể, song vẫn ở mức thấp, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế thị trường, sự bùng nổ công nghệ thông tin, phương tiện nghe, nhìn hiện đại, ngày càng tác động mạnh mẽ vào môi trường sống của đồng bào các dân tộc, nguy cơ tụt hậu và mất dần bản sắc văn hóa tốt đẹp ở một số dân tộc đang là vấn đề cấp bách hiện nay. Việc khai thác tài nguyên văn hóa phục vụ phát triển du lịch còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng trong khối dịch vụ. Một số sản phẩm du lịch văn hóa đã hình thành và đưa vào khai thác, song quy mô nhỏ, chất lượng, hiệu quả chưa cao. So với các tỉnh trong khu vực, Lai Châu là một tỉnh nghèo, địa hình phức tạp, xa các trung tâm kinh tế lớn là những rào cản lớn để phát triển kinh tế nói chung và du lịch nói riêng.

Trong bối cảnh đó, để khắc phục khó khăn, thách thức, tìm hướng đi đúng trong phát triển kinh tế là điều cấp thiết, nhất là kinh tế dịch vụ, khai thác tốt, hiệu quả lợi thế sẵn có, phát huy nội lực và thu hút sự tham gia của người dân nông thôn, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo sinh kế, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững. Việc xây dựng Đề án “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch” giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 là hướng đi đúng, phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 của Đảng, Nhà nước và điều kiện thực tiễn của tỉnh góp phần củng cố vững chắc nền tảng tinh thần xã hội; nhằm thực hiện “hai nhiệm vụ lớn” vừa bảo tồn bản sắc văn hóa tốt đẹp, vừa phát triển kinh tế, giúp người dân thay đổi tư duy, tích cực làm giàu, tạo sự lan tỏa tích cực trong cộng đồng, xã hội, cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

2. Cơ sở pháp lý xây dựng Đề án

- Nghị quyết số 33/NQ-TW ngày 09/06/2014, Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”;

- Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;

- Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước;

- Nghị quyết số 88/2019/NQ-QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 8 về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030;

- Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 8/12/2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới;

[...]