Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 56/2000/QĐ-BCN ban hành Quy chế tạm thời về lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1/50.000 (1/25.000) của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp

Số hiệu 56/2000/QĐ-BCN
Ngày ban hành 22/09/2000
Ngày có hiệu lực 07/10/2000
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Công nghiệp
Người ký Đỗ Hải Dũng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ CÔNG NGHIỆP
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc
******

Số: 56/2000/QĐ-BCN

Hà Nội, ngày 22 tháng 9 năm 2000

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TẠM THỜI VỀ LẬP BẢN ĐỒ ĐỊA CHẤT VÀ ĐIỀU TRA KHOÁNG SẢN TỶ LỆ 1/50.000 (1/25.000)

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP

Căn cứ Nghị định số 74/CP ngày 01 tháng 11 năm 1995 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Công nghiệp;
Căn cứ Quyết định số 2588/QĐ-CNCL ngày 12 tháng 9 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc phê chuẩn báo cáo Soạn thảo Quy chế đo vẽ lập bnả đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1/50.000 (1/25.000);
Xét dề nghị của Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam tại Công văn số 814 CV/ĐCKS-TĐ ngày 13 tháng 9 năm 2000 về việc ban hành Quy chế tạm thời về lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1/50.000 (1/25.000);
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Quản lý Công nghệ và Chất lượng sản phẩm.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tạm thời về lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1/50.000 (1/25.000).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Bãi bỏ những quy định trước đây trái với Quy chế này.

Chánh Văn phòng Bộ, Các Vụ trưởng các Vụ : Quản lý Công nghệ và Chất lượng sản phẩm, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính - Kế toán, Pháp chế, Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Thủ trưởng các đơn vị Địa chất thuộc Bộ Công nghiệp chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 2,
- Lưu VP, CNCL.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Hải Dũng

 

Chương 1:

NHỮNG ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 1. Quy chế lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1/50.000 (1/25.000)* quy định mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu nội dung, kết quả và quy trình tiến hành điều tra cơ bản địa chất và điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản trong lập bản đồ địa chất do các tổ chức địa chất nhà nước thực hiện bằng vốn nhà nước.

Điều 2. Lập BĐĐCKS-50 là một giai đoạn nghiên cứu, điều tra địa chất khu vực được tiến hành tiếp sau công tác lập bản đồ địa chất tỷ lệ 1/200.000. Bản đồ địa chất tỷ lệ 1/50.000 (1/25.000) là bản đồ địa chất quốc gia.

Điều 3. Lập BĐĐCKS-50 được tiến hành trên những diện tích theo quy hoạch đo vẽ địa chất, xếp thứ tự ưu tiên trên những vùng có tầm quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước hoặc có triển vọng phát hiện khoáng sản.

Điều 4. Mục tiêu nhiệm vụ chủ yếu của lập BĐĐCKS-50 là:

1- Nghiên cứu thành phần vật chất của các thể địa chất, cấu trúc, lịch sử phát triển địa chất của vùng đo vẽ lập bản đồ địa chất;

2- Phát hiện và đánh giá tất cả các loại khoáng sản, đặc biệt là khoáng sản trọng tâm của vùng đo vẽ;

3- Xác lập điều kiện sinh khoáng, quy luật phân bố khoáng sản và những dấu hiệu phát hiện chúng, khoanh định các diện tích có triển vọng khoáng sản và lập bản đồ dự báo tài nguyên khoáng sản.

Ở những khu vực cần xây dựng các công trình kinh tế, quốc phòng, dân sự ngoài những nhiệm vụ kể trên, công tác lập BĐĐCKS-50 chú trọng nghiên cứu địa chất thủy văn, địa chất công trình, địa chất môi trường, các tai biến địa chất… làm cơ sở cho việc quy hoạch xây dựng hợp lý và bảo vệ tài nguyên khoáng sản.

Điều 5. Đối tượng nghiên cứu trực tiếp ở các diện tích lập BĐĐCKS-50 là các thành tạo địa chất lộ trên mặt. Tùy thuộc vào quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của trung ương và địa phương, độ sâu nghiên cứu có thể thay đổi và được xác định cụ thể trong các văn bản giao nhiệm vụ.

Điều 6. Tùy thuộc cấu trúc địa chất và thành phần các đá phát triển chủ yếu có ảnh hưởng đến phương pháp và nội dung lập BĐĐCKS-50 mà chia ra các loại vùng sau:

1- Vùng phát triển các trầm tích bở rời;

2- Vùng phát triển các lớp phủ núi lửa bazan Kainozoi;

3- Vùng phát triển trầm tích, núi lửa uốn nếp;

4- Vùng phát triển các thành tạo magma xâm nhập;

5- Vùng phát triển các thành tạo biến chất.

[...]