Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 54/2023/QĐ-UBND sửa đổi Quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả kèm theo Quyết định 37/2017/QĐ-UBND do Thành phố Hải Phòng ban hành

Số hiệu 54/2023/QĐ-UBND
Ngày ban hành 15/12/2023
Ngày có hiệu lực 01/01/2024
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hải Phòng
Người ký Nguyễn Văn Tùng
Lĩnh vực Thương mại,Xuất nhập khẩu

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 54/2023/QĐ-UBND

Hải Phòng, ngày 15 tháng 12 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY CHẾ VỀ TRÁCH NHIỆM VÀ QUAN HỆ PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG GIỮA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG CÔNG TÁC ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI VÀ HÀNG GIẢ BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH 37/2017/QĐ-UBND NGÀY 21 THÁNG 12 NĂM 2017 CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Nhà ở ngày 25 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Giá ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 19/2016/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả;

Căn cứ Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg ngày 10 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 3685/TTr-SCT ngày 20 tháng 11 năm 2023; Văn bản số 3928/SCT-QLTM ngày 07 tháng 12 năm 2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ban hành kèm theo Quyết định số 37/2017/QĐ-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố, cụ thể như sau:

1. Sửa đổi, bổ sung Điều 4 như sau:

“Điều 4. Trách nhiệm của các Sở, ban, ngành có chức năng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả:

1. Cục Quản lý thị trường thành phố:

a) Là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 thành phố, tham mưu cho lãnh đạo Ban Chỉ đạo 389 thành phố trong công tác chỉ đạo việc phối hợp hoạt động và điều phối lực lượng phối hợp giữa các Sở, ban, ngành, các cơ quan chức năng và Ủy ban nhân dân các quận, huyện trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên phạm vi toàn thành phố. Chủ trì soạn thảo, trình Trưởng ban Ban Chỉ đạo 389 thành phố ban hành Kế hoạch, Văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 thành phố trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn thành phố;

b) Chủ trì, tổ chức thực thi pháp luật về phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các hành vi gian lận thương mại theo quy định pháp luật trên địa bàn thành phố;

c) Phối hợp với các tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh hành hoá, dịch vụ thương mại trên thị trường và các lĩnh vực khác được pháp luật giao trên địa bàn thành phố;

d) Phối hợp với lực lượng Công an các cấp phát hiện, kiểm tra, xử lý các hành vi buôn lậu, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn thành phố;

đ) Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại trên thị trường; kiểm tra cơ sở sản xuất đối với lĩnh vực, ngành hàng thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương và các lĩnh vực khác được pháp luật giao trên địa bàn thành phố theo quy định pháp luật; xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật;

e) Phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong hoạt động thương mại, dịch vụ;

g) Tổng hợp báo cáo, đôn đốc các Sở, ngành thành viên Ban chỉ đạo 389 thành phố, Ban Chỉ đạo 389 các quận, huyện thực hiện chế độ báo cáo theo định kỳ, đột xuất; báo cáo sơ kết, tổng kết của Ban Chỉ đạo 389 thành phố.

2. Sở Công Thương:

a) Phối hợp với các cơ quan liên quan tham gia xây dựng và triển khai các kế hoạch, văn bản chỉ đạo về công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực được phân cấp quản lý;

[...]