Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 53/2007/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch trợ giúp người tàn tật trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2007-2010 do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành

Số hiệu 53/2007/QĐ-UBND
Ngày ban hành 12/09/2007
Ngày có hiệu lực 22/09/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Đà Nẵng
Người ký Trần Văn Minh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 53/2007/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 12 tháng 9 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TRỢ GIÚP NGƯỜI TÀN TẬT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG GIAI ĐOẠN 2007-2010

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 239/2006/QĐ-TTg ngày 24 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trợ giúp người tàn tật giai đoạn 2006-2010;
Căn cứ Thông tư Liên tịch số 46/2007/TTLT/BTC-BLĐTBXH ngày 11 tháng 5 năm 2007 của Liên Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn sử dụng kinh phí thực hiện Quyết định số 239/2006/QĐ-TTg ngày 24 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trợ giúp người tàn tật giai đoạn 2006-2010;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch trợ giúp người tàn tật trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2007-2010 với các nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu

a. Mục tiêu chung

Cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người tàn tật, từng bước tạo điều kiện để người tàn tật tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế, văn hoá, xã hội, chăm lo tốt hơn quyền lợi về mọi mặt của người tàn tật.

b. Mục tiêu cụ thể

- Duy trì việc trợ cấp hàng tháng cho 100% người tàn tật thuộc đối tượng bảo trợ xã hội do xã, phường quản lý; tổ chức nuôi dưỡng tốt số người tàn tật không nơi nương tựa tại các cơ sở bảo trợ xã hội.

- Duy trì việc cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho 100% người tàn tật thuộc đối tượng bảo trợ xã hội.

- Đảm bảo 100% xã, phường triển khai chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng và đạt chuẩn về phục hồi chức năng (tỷ lệ người tàn tật tại cộng đồng được quản lý ít nhất đạt 90%, tỷ lệ người tàn tật có nhu cầu được hướng dẫn và phục hồi chức năng tại cộng đồng ít nhất đạt 20%).

- Đảm bảo 100% trẻ em tàn tật có hoàn cảnh khó khăn được chỉnh hình phục hồi chức năng thông qua Đề án Trợ giúp trẻ em tàn tật của thành phố.

- Phấn đấu 90% trẻ em tàn tật trong độ tuổi đi học còn sức khỏe được đến trường học tập.

- Phấn đấu 80-90% phụ nữ tàn tật được trợ giúp bằng các hình thức khác nhau, 100% người tàn tật có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn từ ngân hàng chính sách và các nguồn quỹ khác để phát triển sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập.

- Đảm bảo 100% người tàn tật có nhu cầu và có khả năng tự tham gia giao thông được cấp thẻ đi xe buýt miễn phí; 100% các công trình xây dựng, giao thông công cộng, được thiết kế và xây dựng mới theo quy định hiện hành và 20% - 30% công trình cũ được cải tạo nâng cấp phù hợp với việc tiếp cận của người tàn tật.

- Nâng cao tỷ lệ người tàn tật được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ truyền thông và công nghệ thông tin.

- Nâng cao tỷ lệ người tàn tật được luyện tập thể thao tại các Trung tâm thể dục thể thao dành cho người tàn tật và các cơ sở thể dục thể thao khác của các quận, huyện, thành phố.

2. Giải pháp thực hiện

a. Tăng cường phân công, phân cấp quản lý

- Cấp huyện: Lập kế hoạch trợ giúp người tàn tật của địa phương; huy động bổ sung nguồn lực và chủ động phân bổ cho cấp xã; hướng dẫn và giám sát việc tổ chức thực hiện ở cấp xã; thống kê, tổng hợp và báo cáo số lượng người tàn tật với thành phố.

- Cấp xã: Thực hiện công tác khảo sát, điều tra về người tàn tật trên địa bàn; huy động nguồn lực tại chỗ, tổ chức thực hiện các chính sách trên địa bàn; tự giám sát, đánh giá tình hình thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện với cơ quan chuyên môn cấp huyện.

b. Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế chính sách trợ giúp người tàn tật

- Ban hành Quy chế lập, quản lý và sử dụng Quỹ Việc làm dành cho người tàn tật trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, đồng thời nghiên cứu cụ thể hoá các chính sách đối với người tàn tật theo quy định của Trung ương phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

c. Giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức

Thực hiện tốt công tác tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, thành phố về chăm sóc, bảo vệ, giúp đỡ người tàn tật. Phổ biến các phương pháp phòng ngừa tàn tật; phòng, chống phân biệt đối xử đối với người tàn tật (đặc biệt là trẻ em và phụ nữ tàn tật), tạo điều kiện để người tàn tật nỗ lực vươn lên hòa nhập cộng đồng; nêu gương điển hình về công tác bảo trợ người tàn tật hòa nhập cộng đồng và người tàn tật tự phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.

d. Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác trợ giúp người tàn tật

[...]