ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------
|
Số:
515/2007/QĐ-UBND
|
Hạ
Long, ngày 8 tháng 02 năm 2007
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA THÔN, BẢN,
KHU PHỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng
nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 13/2002/QĐ-BNV ngày 06/12/2002 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban
hành Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn và tổ dân phố;
Căn cứ ý kiến thống nhất của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tại văn bản số
09/HĐND-TT ngày 05/02/2007;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 10/TTr-SNV ngày 04/01/2006 về
việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn, bản, khu phố trên địa bàn
tỉnh Quảng Ninh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này bản “Quy chế tổ chức và
hoạt động của thôn, bản, khu phố trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”
Điều 2.
Quyết định này thay thế cho Quyết định số 1401/2000/QĐ-UB
ngày 02/6/2000 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc ban hành “Quy chế tạm thời về
chức năng, nhiệm vụ của trưởng thôn, bản, khu phố” và có hiệu lực thi hành sau
10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3.
Các ông (bà) Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, thủ trưởng
các sở, ban, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Bộ Nội vụ; (để
- TT. TU, TT HĐND tỉnh; b/c)
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Ban của Tỉnh uỷ;
- UBMT Tổ quốc và các Đoàn thể tỉnh;
- Như Điều 3 (để thi hành);
- Trung tâm lưu trữ; (đăng công báo)
- V0, TM2, VX4;
- Lưu VT, TH1.
110 bản, Hg-QĐ 18
|
TM.
UBND TỈNH QUẢNG NINH
CHỦ TỊCH
Vũ Nguyên Nhiệm
|
QUY CHẾ
VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA THÔN, BẢN, KHU PHỐ TRÊN ĐỊA BÀN
TỈNH QUẢNG NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 515/2007/QĐ-UBND ngày 08/02 /2007 của Uỷ
ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Thôn, bản, khu phố không phải là một cấp hành chính, được
hình thành theo khu dân cư, vị trí địa lý, truyền thống lịch sử, phong tục tập
quán ở địa phương; Nơi thực hiện dân chủ một cách trực tiếp và rộng rãi để phát
huy các hình thức tự quản và tổ chức nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của
Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ cấp trên giao.
- Dưới xã là thôn, bản;
- Dưới phường, thị trấn là khu
phố.
Điều 2.
Lãnh đạo thôn, bản, khu phố là trưởng và các phó trưởng
thôn, bản, khu phố, do nhân dân trong thôn, bản, khu phố trực tiếp bầu ra, được
Uỷ ban nhân dân cấp xã ra quyết định công nhận và quản lý trực tiếp; đồng thời
chịu sự lãnh đạo của Chi bộ và sự phối hợp chặt chẽ của Trưởng Ban công tác Mặt
trận Tổ quốc, các đoàn thể quần chúng và tổ chức xã hội cùng cấp trong quá
trình triển khai công tác. Nhiệm kỳ của trưởng, phó trưởng thôn, bản, khu phố
không quá hai năm rưỡi (2,5 năm).
- Trưởng, phó trưởng thôn, bản,
khu phố phải là người có hộ khẩu và cư trú thường xuyên ở thôn, bản, khu phố, đủ
21 tuổi trở lên, tối đa không quá 70 tuổi, có sức khoẻ, bản thân và gia đình
gương mẫu chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước,
tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, có phẩm chất đạo đức, có tinh thần trách
nhiệm, có hiểu biết về quản lý hành chính, quản lý xã hội, có năng lực và
phương pháp hoạt động, biết vận động nhân dân phát triển kinh tế, được nhân dân
trong thôn, bản, khu phố tín nhiệm.
Chương II
TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG CỦA
THÔN, BẢN, KHU PHỐ
Điều 3.
Căn cứ số thôn, bản, khu phố hiện có và quy định tại bộ
bản đồ địa giới hành chính theo chỉ thị 364/CT-HĐBT ngày 06/11/1991 của Chủ tịch
Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ), Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định
công nhận các thôn, bản hiện có cho từng xã; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện
quyết định công nhận các khu phố cho phường, thị trấn sau khi có sự thống nhất
bằng văn bản của Sở Nội vụ.
Điều 4.
Về thành lập, tách, nhập thôn, bản, khu phố mới .
1. Đối với các thôn, bản, đã
hình thành trước đây theo địa dư hành chính, hoặc lịch sử để lại, nay xét thấy
đã hợp lý thì giữ nguyên. Chỉ thành lập, tách, nhập thôn, bản mới khi tổ chức định
canh định cư xây dựng kinh tế mới, di dân giải phóng mặt bằng và thực hiện quy
hoạch dãn dân được cấp thẩm quyền phê duyệt. Đối với các phường, thị trấn thì
khảo sát, xem xét lại để xác định quy mô phù hợp với khoản 2, Điều 4 của Quy chế
này. Khi xem xét đến quy mô khu phố phải lưu ý tới quy mô của Chi bộ Đảng, Mặt
trận Tổ quốc, các đoàn thể và tổ chức xã hội khác. Đảm bảo từ bộ máy chính quyền
phường, thị trấn đến hộ dân chỉ có một cấp giúp việc là khu phố.
2. Về quy mô:
a. Đối với thôn, bản thuộc xã: có từ 100 hộ dân trở lên; ở
miền núi, hải đảo ít nhất có 50 hộ dân.
b. Đối với khu phố thuộc phường, thị trấn: Có từ 100 hộ dân
trở lên nhưng không quá 350 hộ dân.
3. Trong trường hợp thành lập thôn,
bản, khu phố mới hoặc khuyết trưởng thôn, bản, khu phố thì Chủ tịch Uỷ ban nhân
dân cấp xã chỉ định trưởng thôn, bản, khu phố lâm thời. Trong thời hạn 30 ngày,
Uỷ ban nhân dân cấp xã phải chỉ đạo bầu trưởng thôn, bản, khu phố mới.
- Thôn, bản, khu phố có dưới 110
hộ dân thì có 1 trưởng thôn, bản, khu phố, nếu có từ 110 đến dưới 180 hộ dân
thì được bố trí 1 phó trưởng thôn, bản, khu phố; từ 180 hộ dân trở lên, cứ thêm
80 hộ dân được bố trí thêm 1 phó trưởng thôn, bản, khu phố nhưng tối đa không
quá 3 cấp phó.
Điều 5.
Quy trình thành lập, tách, nhập thôn, bản, khu phố.
Uỷ ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo
Uỷ ban nhân dân cấp xã xây dựng hồ sơ thành lập thôn, bản, khu phố mới gồm:
1. Phương án xin thành lập thôn,
bản, khu phố mới: Phương án phải nêu rõ sự cần thiết thành lập thôn, bản, khu
phố mới. Trong đó nêu rõ vị trí địa lý, số hộ, số khẩu, diện tích (đơn vị tính
là ha), tên thôn, bản, khu phố; 03 tờ bản đồ khổ giấy A0 mô tả hiện trạng và vị
trí thôn, bản, khu phố đề nghị thành lập mới.
2. Biên bản lấy ý kiến của cử
tri khu vực thôn, bản, khu phố mới: Nói rõ tổng số cử tri, tổng số hộ và phải
được quá nửa số dân đủ 18 tuổi trở lên có đủ năng lực hành vi dân sự (hoặc đại
diện hộ gia đình) trong thôn, bản, khu phố tán thành.
3. Tờ trình của Uỷ ban Nhân dân
cấp xã, trình Hội đồng nhân dân để ban hành Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân cấp
xã.
4. Tờ trình của Uỷ ban nhân dân
cấp xã trình Uỷ ban nhân dân cấp huyện.
5. Uỷ ban Nhân dân cấp huyện,
sau khi xem xét hồ sơ, có tờ trình báo cáo Uỷ ban Nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ
thẩm định) để Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định đối với thôn, bản. Nếu là khu phố,
do Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định.
Điều 6.
Hoạt động của thôn, bản, khu phố.
Hội nghị thôn, bản, khu phố tổ
chức 3 tháng hoặc 6 tháng một lần, nếu cần có thể họp bất thường. Thành phần hội
nghị là toàn thể cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình. Hội nghị do trưởng
thôn, bản, khu phố triệu tập, chủ trì và được tiến hành khi có ít nhất quá nửa
số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình, từ đủ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực
hành vi dân sự trong thôn, bản, khu phố tham dự. Nghị quyết của thôn, bản, khu
phố chỉ có giá trị khi được quá nửa số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình
trong thôn, bản, khu phố dự họp tán thành và không trái pháp luật.
Cộng đồng dân cư trong thôn, bản,
khu phố cùng nhau thảo luận, quyết định và thực hiện các công việc tự quản, bảo
đảm đoàn kết, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và vệ sinh môi trường; xây dựng đời
sống văn hoá; giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất và cuộc sống; giữ gìn và phát huy
truyền thống tốt đẹp, thuần phong, mỹ tục; xây dựng cơ sở hạ tầng; xây dựng và
thực hiện hương ước. Bàn biện pháp thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của Uỷ ban nhân dân cấp xã giao và
thực hiện nghĩa vụ công dân đối với Nhà nước. Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.
Riêng hội nghị bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm trưởng thôn, bản, khu phố phải được Uỷ
ban nhân dân cấp xã đồng ý bằng văn bản.
Chương III
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ
QUYỀN HẠN CỦA TRƯỞNG THÔN, BẢN, KHU PHỐ
Điều 7.
Trưởng thôn, bản, khu phố có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân
dân cấp xã tổ chức duy trì và thực hiện các hoạt động ở thôn, bản, khu phố (quy
định tại Điều 6 Quy chế này) và có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:
- Triệu tập và chủ trì hội nghị thôn,
bản, khu phố.
- Tổ chức thực hiện các quy định
của thôn, bản, khu phố.
- Tổ chức thực hiện tốt Quy chế
Dân chủ.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện
hương ước.
- Bảo đảm đoàn kết và giữ gìn trật
tự, an toàn, vệ sinh môi trường trong thôn, bản, khu phố.
- Tổ chức thực hiện nhiệm vụ do
Uỷ ban nhân dân cấp xã giao.
- Kịp thời tập hợp, phản ánh, đề
nghị chính quyền cấp xã giải quyết những nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
- Trên cơ sở Nghị quyết của hội
nghị thôn, bản, khu phố và được sự uỷ nhiệm của chính quyền cấp xã, ký hợp đồng
dịch vụ phục vụ sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng của thôn, bản, khu phố và chịu
sự giám sát của nhân dân.
- Được mời dự các kỳ họp Hội đồng
nhân dân và Uỷ ban nhân dân cấp xã khi bàn các vấn đề có liên quan, được mời dự
giải quyết các tranh chấp có liên quan đến địa bàn mình quản lý.
- Báo cáo kết quả công tác hàng
tháng với Uỷ ban nhân dân cấp xã. Cuối năm phải báo cáo công tác và tự phê bình
hoặc phê bình trước hội nghị của thôn, bản, khu phố.
Điều 8.
Phó trưởng thôn, bản, khu phố giúp việc cho Trưởng thôn,
bản, khu phố, được Trưởng thôn, bản, khu phố phân công thực hiện một số nhiệm vụ
thuộc thẩm quyền; được thay mặt Trưởng thôn, bản, khu phố giải quyết công việc
khi được uỷ quyền.
Điều 9.
Quyền lợi của cán bộ thôn, bản, khu phố:
1. Bí thư Chi bộ, trưởng, phó
trưởng thôn, bản, khu phố, công an viên được hưởng phụ cấp hàng tháng theo Quyết
định của Uỷ ban nhân dân tỉnh. Trong thời gian công tác, được cử đi dự các lớp
tập huấn, bồi dưỡng những kiến thức cần thiết và hưởng chế độ đào tạo, bồi dưỡng
theo quy định tại Điều 8 Nghị định 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 của Chính phủ.
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được khen thưởng; không hoàn thành nhiệm vụ, lợi dụng
chức trách, quyền hạn của mình, mắc khuyết điểm, không được nhân dân tín nhiệm
thì tuỳ theo mức độ sai phạm sẽ bị phê bình, cảnh cáo, miễn nhiệm, bãi nhiệm,
hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Bí thư Chi bộ, trưởng, phó
trưởng thôn, bản, khu phố, công an viên nếu có thời gian công tác liên tục từ
10 năm trở lên, không bị kỷ luật từ mức cảnh cáo trở lên, khi nghỉ việc được Chủ
tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã đề nghị Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định trợ cấp
một lần; Cứ mỗi năm công tác được hưởng 1/2 tháng của mức phụ cấp đang hưởng tại
thời điểm nghỉ việc. Kinh phí do ngân sách cấp xã chi trả.
3. Bí thư Chi bộ, trưởng, phó
trưởng thôn, bản, khu phố, công an viên trong nhiệm kỳ công tác nếu bị ốm đau,
tai nạn mà chết thì được hưởng trợ cấp bằng 8 tháng của mức trợ cấp đang hưởng;
bị tai nạn suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, được trợ cấp nghỉ việc một
lần, cứ mỗi năm công tác được trợ cấp 1 tháng theo mức phụ cấp của chức vụ đảm
nhiệm trước khi nghỉ việc.
Chương IV
BẦU, MIỄN NHIỆM, BÃI NHIỆM
TRƯỞNG, PHÓ THÔN, BẢN, KHU PHỐ
Điều 10.
Quy trình bầu cử trưởng thôn, bản, khu phố được tiến
hành như sau:
Việc tổ chức bầu cử hoặc xem xét
đề nghị miễn nhiệm, bãi nhiệm chức trưởng thôn, bản, khu phố phải thực sự dân
chủ, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân, bảo đảm quyền dân chủ của nhân
dân và sự lãnh đạo của tổ chức Đảng. Việc triệu tập thành phần hội nghị là toàn
thể các cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp
xã quyết định.
1. Cách thức bầu
cử:
Toàn thể cử tri hoặc cử tri đại
diện hộ gia đình tham gia bầu cử trực tiếp trưởng thôn, bản, khu phố theo hình
thức bỏ phiếu kín và phổ thông đầu phiếu. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã quyết
định ngày tổ chức bầu cử trưởng thôn, bản, khu phố và ra quyết định thành lập tổ
bầu cử không quá 07 thành viên (Tổ bầu cử cử ra Tổ trưởng, tổ phó và thư ký) đồng
thời có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn cách thức tổ chức tốt cuộc bầu cử trưởng
thôn, bản, khu phố.
2. Giới thiệu
nhân sự:
Căn cứ tiêu chuẩn trưởng, phó
trưởng thôn, bản, khu phố, sự lãnh đạo của Chi bộ thôn, bản, khu phố và cấp uỷ
cấp xã, trưởng Ban công tác Mặt trận Tổ phối hợp với các Đoàn thể trong thôn, bản,
khu phố dự kiến giới thiệu người ra ứng cử. Sau đó tổ chức hội nghị cử tri để
thảo luận tiêu chuẩn, danh sách giới thiệu của Ban công tác Mặt trận thôn, bản,
khu phố và những người ứng cử do cử tri giới thiệu hoặc tự ứng cử.
3. Lập danh
sách ứng cử:
Căn cứ danh sách các ứng cử
viên tại hội nghị cử tri, Trưởng ban công tác Mặt trận chủ trì cuộc họp, thảo
luận thống nhất, ấn định danh sách những người ứng cử. Thành phần cuộc họp gồm
đại diện lãnh đạo của Chi bộ Đảng, lãnh đạo các tổ chức: Thanh niên, Phụ nữ,
Nông dân, Cựu chiến binh, người cao tuổi của thôn, bản, khu phố. Danh sách ứng
cử để bầu cử Trưởng thôn, bản, khu phố nên nhiều hơn ít nhất là một người.
4. Tổ chức bầu
cử:
Tổ bầu cử gồm các thành viên, đại
diện: Chi bộ, Ban công tác Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, tổ chức Hội như:
Thanh niên, Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh, Người cao tuổi của thôn, bản, khu
phố. Tổ bầu cử có nhiệm vụ:
- Lập danh sách và công bố số lượng
cử tri của thôn, bản, khu phố và số lượng cử tri (hoặc cử tri đại diện hộ gia
đình) có mặt dự hội nghị.
- Công bố danh sách những người ứng
cử.
- Tổ chức cuộc bầu cử trưởng
thôn, bản, khu phố; kiểm phiếu và công bố kết quả bầu cử.
- Việc kiểm phiếu phải được tiến
hành ngay sau khi kết thúc cuộc bỏ phiếu. Tổ bầu cử phải lập biên bản kết quả bỏ
phiếu và công bố kết quả phiếu bầu của từng người và người trúng cử trưởng
thôn, bản, khu phố. Kết quả bầu cử chỉ có giá trị khi có trên một nửa số cử tri
ghi trong danh sách của thôn, bản, khu phố (hoặc số cử tri đại diện số hộ gia
đình nếu là hội nghị đại diện cử tri hộ gia đình) tham gia bỏ phiếu. Người
trúng cử phải là người được trên 50% số phiếu hợp lệ của cử tri tham gia bầu cử
tán thành và có số phiếu cao hơn. Trong trường hợp có nhiều người được số phiếu
bầu cử bằng nhau thì người có tuổi đời trẻ hơn là người trúng cử.
- Công bố người trúng cử và gửi
toàn bộ tài liệu, tờ trình báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp xã để phê chuẩn và công
nhận người trúng cử.
5. Trong trường
hợp số cử tri tham gia bỏ phiếu dưới 50% so với danh sách cử tri của thôn, bản,
khu phố (hoặc cử tri đại diện hộ gia đình) và trong trường hợp vi phạm các quy
định về bầu cử Trưởng thôn theo Điều 10 của Quy chế này hoặc không có người ứng
cử nào được trên 50% số phiếu hợp lệ của cử tri tham gia bầu cử thì phải tổ chức
bầu cử lại. Trong cuộc bầu cử lại, cử tri trong thôn, bản, khu phố (hoặc cử tri
đại điện hộ gia đình) chỉ chọn bầu trong danh sách những người đã ứng cử lần đầu.
Ngày tổ chức bầu cử lại do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã quyết định. Nếu bầu
cử lại cũng không đạt kết quả, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã chỉ định trưởng
thôn, bản, khu phố lâm thời trong số những người ứng cử chính thức có số phiếu
bầu cao hơn để hoạt động cho đến khi bầu được trưởng thôn, bản, khu phố mới.
6. Đối với bầu chức danh phó trưởng
thôn, bản, khu phố: Trưởng thôn, bản, khu phố chủ trì và phối hợp với trưởng
Ban công tác Mặt trận sau khi có sự thống nhất của Chi uỷ (hoặc Bí thư Chi bộ).
Quy trình bầu cử tiến hành như bầu cử trưởng thôn, bản, khu phố.
7. Kinh phí bầu cử do ngân sách
cấp xã cấp.
Điều 11.
Quy trình miễn nhiệm và bãi nhiệm trưởng, phó trưởng
thôn, bản, khu phố:
1. Quy trình miễn nhiệm trưởng,
phó trưởng thôn, bản, khu phố:
Người xin miễn nhiệm do sức khoẻ
yếu, hoàn cảnh gia đình hoặc năng lực hạn chế phải có đơn, trong đó nêu rõ lý
do của việc xin miễn nhiệm chức danh trưởng thôn, bản, khu phố, gửi Chủ tịch Uỷ
ban nhân dân cấp xã và trưởng Ban công tác Mặt trận Tổ quốc. Trường hợp trưởng
thôn, bản, khu phố được điều động làm công tác khác hoặc trưởng thôn, bản, khu
phố hết nhiệm kỳ thì không cần có đơn xin miễn nhiệm.
Việc miễn nhiệm trưởng thôn, bản,
khu phố thực hiện theo một trong hai hình thức sau:
a. Sau khi có ý kiến của Chi uỷ
(Bí thư Chi bộ), Trưởng Ban công tác Mặt trận Tổ quốc thôn, bản, khu phố phối hợp
với đại diện các đoàn thể và tổ chức quần chúng của thôn, bản, khu phố họp để
xem xét việc miễn nhiệm trưởng thôn, bản, khu phố; làm văn bản đề nghị miễn nhiệm
trưởng thôn, bản, khu phố, kèm theo biên bản cuộc họp gửi Chủ tịch Uỷ ban nhân
dân cấp xã (nếu Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn, bản, khu phố thì trưởng Ban
công tác Mặt trận Tổ quốc xin ý kiến Bí thư Đảng uỷ cấp xã). Phó trưởng thôn, bản,
khu phố cũng được miễn nhiệm theo hình thức này.
b. Tổ chức hội nghị cử tri (hoặc
cử tri đại diện hộ gia đình) ở thôn, bản, khu phố để bỏ phiếu miễn nhiệm. Trình
tự miễn nhiệm được áp dụng tương tự như bầu cử trưởng thôn, bản, khu phố theo
Quy chế này.
Chậm nhất là 05 ngày làm việc, kể
từ ngày nhận được các văn bản của Ban công tác Mặt trận hoặc hồ sơ của hội nghị
cử tri về việc miễn nhiệm, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã phải xem xét, ra quyết
định miễn nhiệm chức danh trưởng thôn, bản, khu phố.
Việc bầu cử bổ sung trưởng thôn,
bản, khu phố phải được tiến hành chậm nhất trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã ra quyết định miễn nhiệm trưởng thôn, bản, khu
phố.
2. Quy trình
bãi nhiệm trưởng, phó trưởng thôn, bản, khu phố:
a. Các trường hợp bãi nhiệm:
Trưởng, phó trưởng thôn, bản,
khu phố khi có một trong những khuyết điểm sau đây: Không hoàn thành nhiệm vụ;
vi phạm quyền làm chủ của nhân dân; lợi dụng chức vụ, quyền hạn tham nhũng,
lãng phí; không phục tùng sự chỉ đạo, điều hành của Uỷ ban nhân dân cấp trên;
vi phạm pháp luật và các quy định của cấp trên, không còn được nhân dân tín nhiệm…
thì đưa ra hội nghị cử tri bãi nhiệm theo đề nghị của Ban công tác Mặt trận
thôn, bản, khu phố.
b. Thủ tục, trình tự bãi nhiệm:
Sau khi có ý kiến của Chủ tịch Uỷ
ban nhân dân cấp xã, Chi uỷ (Bí thư Chi bộ, nếu nơi không có Chi uỷ; nếu là Bí
thư Chi bộ kiêm trưởng thôn, bản, khu phố thì phải xin ý kiến của Bí thư Đảng uỷ
cấp xã. Nếu là phó trưởng thôn, bản, khu phố thì trưởng Ban công tác Mặt trận
thống nhất với trưởng thôn, bản, khu phố), trưởng Ban công tác Mặt trận thôn, bản,
khu phố tổ chức hội nghị lấy phiếu tín nhiệm gồm đại diện lãnh đạo Chi uỷ (Bí
thư Chi bộ), các Đoàn thể, tổ chức Hội ở thôn, bản, khu phố (Cựu chiến binh,
Người cao tuổi…). Nếu phiếu tín nhiệm thấp dưới 50% thì Ban công tác Mặt trận
làm văn bản, báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp xã xin ý kiến cho tổ chức hội nghị cử
tri để xem xét bãi nhiệm chức danh trưởng hoặc phó trưởng thôn, bản, khu phố. Nếu
có quá nửa số cử tri trong danh sách (hoặc số cử tri đại diện số hộ gia đình)
tham gia bỏ phiếu thì hội nghị bãi nhiệm có giá trị và khi có quá nửa số phiếu
tán thành bãi nhiệm thì trưởng, phó thôn, bản, khu phố đó bị bãi nhiệm. Chậm nhất
trong vòng 30 ngày, Uỷ ban nhân dân cấp xã phải chỉ đạo bầu được trưởng thôn, bản,
khu phố mới.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 12.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có
trách nhiệm xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện Quy chế này. Sở Nội vụ và các
Sở, ban, ngành liên quan có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn chi tiết về
nghiệp vụ và phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố thực hiện.
Trong quá trình thực hiện, có gì
vướng mắc, các địa phương, Sở, ban, ngành báo cáo về Uỷ ban nhân dân tỉnh (qua
Sở Nội vụ tổng hợp) để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp./.