Quyết định 51/2009/QĐ-UBND ban hành Quy định về quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Định do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định ban hành

Số hiệu 51/2009/QĐ-UBND
Ngày ban hành 25/12/2009
Ngày có hiệu lực 04/01/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Định
Người ký Nguyễn Văn Thiện
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 51/2009/QĐ-UBND

Quy Nhơn, ngày 25 tháng 12 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03/12/2004;
Căn cứ Luật Khoáng sản năm 1996 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản;
Căn cứ Nghị định số 150/2004/NĐ-CP ngày 29/7/2004 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản;
Căn cứ Nghị định số 77/2007/NĐ-CP ngày 10/5/2007 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 150/2004/NĐ-CP ngày 29/7/2004 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản;
Căn cứ Thông tư số 01/2006/TT-BTNMT ngày 23 tháng 01 năm 2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ;
Căn cứ Quyết định số 14/2006/QĐ-BTNMT ngày 08 tháng 9 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy định về trình tự, thủ tục trình duyệt, thẩm định, xét và phê duyệt trữ lượng khoáng sản trong báo cáo thăm dò khoáng sản;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường
,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở: Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Xây dựng, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động Thương binh và Xã hội, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Giao thông vận tải, Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Trưởng ban Ban Quản lý khu kinh tế Bình Định, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn, Thủ trưởng các cơ quan liên quan và các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Định chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Thiện

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 51/2009/QĐ-UBND ngày 25 tháng 12 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh:

Quy định này quy định chi tiết việc quản lý, bảo vệ tài nguyên và khoáng sản, hoạt động khoáng sản bao gồm: khảo sát, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản ở thể rắn, thể khí, nước khoáng, nước nóng thiên nhiên trên địa bàn tỉnh Bình Định; riêng dầu khí và các loại nước thiên nhiên khác được điều chỉnh bằng các văn bản pháp luật khác.

2. Đối tượng áp dụng:

Bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, cơ quan quản lý nhà nước về công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản thuộc tỉnh; các tổ chức, cá nhân hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Điều 2. Chính sách của tỉnh về quản lý, sử dụng khoáng sản

1. Tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh phải được quản lý, sử dụng một cách hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả; việc thăm dò khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản phải theo quy hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; kết hợp chặt chẽ với bảo vệ môi trường, tài nguyên khác, cảnh quan thiên nhiên và di tích lịch sử văn hóa; tạo điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng, ổn định, cải thiện đời sống nhân dân địa phương nơi có khoáng sản được khai thác, chế biến và bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

2. Ưu tiên cho các dự án thăm dò, khai thác gắn liền với chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh, có áp dụng kỹ thuật, công nghệ, thiết bị tiên tiến phù hợp, thu hồi tối đa khoáng sản chính và khoáng sản đi kèm, đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường, làm ra sản phẩm có giá trị và hiệu quả kinh tế - xã hội cao; hạn chế việc khai thác khoáng sản để xuất bán dưới dạng nguyên liệu thô hoặc chỉ qua sơ chế.

3. Trong trường hợp trên cùng một khu vực có khoáng sản có nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư thăm dò khai thác, chế biến khoáng sản thì ngoài những ưu tiên quy định tại khoản 2 điều này còn ưu tiên cho cho doanh nghiệp nào có mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng cho địa phương cao nhất.

Chương II

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Điều 3. Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh, có thẩm quyền và trách nhiệm được quy định cụ thể tại khoản 1, Điều 6, Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản;

Thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động khoáng sản của Ủy ban nhân dân tỉnh được thực hiện theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 56 của Luật Khoáng sản và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2005 (sau đây gọi chung là Luật Khoáng sản) và khoản 2 điều 26 của Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản (sau đây gọi là Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ) bao gồm: giấy phép khai thác tận thu khoáng sản; giấy phép khảo sát, giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác, giấy phép chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn; giấy phép khai thác, giấy phép chế biến khoáng sản đối với khu vực có kết quả đánh giá tiềm năng tài nguyên khoáng sản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt mà không nằm trong quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản của cả nước hoặc không thuộc khu vực dự trữ tài nguyên khoáng sản quốc gia.

[...]