Quyết định 4903/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Đề án “Rà soát, sắp xếp đội ngũ hòa giải viên lao động, trọng tài viên lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội”

Số hiệu 4903/QĐ-UBND
Ngày ban hành 18/11/2021
Ngày có hiệu lực 18/11/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Chử Xuân Dũng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4903/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 18 tháng 11 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “RÀ SOÁT, SẮP XẾP ĐỘI NGŨ HÒA GIẢI VIÊN LAO ĐỘNG, TRỌNG TÀI VIÊN LAO ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI”

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Bộ luật lao động ngày 20/11/2019;

Căn cứ Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động;

Căn cứ Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 03/9/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong tình hình mới;

Căn cứ Quyết định số 416/QĐ-TTg ngày 25/03/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW;

Theo đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 5966/TTr-SLĐTBXH ngày 21/10/2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án “Rà soát, sắp xếp đội ngũ hòa giải viên lao động, trọng tài viên lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Giám đốc các Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Tài chính; Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố; Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Thành phố; Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố; Trưởng Ban quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội; Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các quận huyện, thị xã; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Đ/c Bí thư Thành ủy;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND TP;
- Đ/c Chủ tịch UBND TP;
- Các đ/c Phó Chủ tịch UBND TP;
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
- Cổng Thông tin điện tử Thành phố;
- VPUB: PVP P.T.T.Huyền, Phòng: KGVX, TKBT, TH;
- Lưu: VT, KGVX.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Chử Xuân Dũng

 

ĐỀ ÁN

RÀ SOÁT, SẮP XẾP ĐỘI NGŨ HÒA GIẢI VIÊN LAO ĐỘNG, TRỌNG TÀI VIÊN LAO ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4903/QĐ-UBND ngày 18 tháng 11 năm 2021 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội)

Phần I

PHẦN MỞ ĐẦU

I. SỰ CẦN THIẾT CỦA ĐỀ ÁN

Từ ngày 01/01/2021, Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực thi hành trong đó sửa đổi và bổ sung nhiều quy định mới liên quan đến thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động nhằm đa dạng hóa các phương thức giải quyết tranh chấp lao động từ “các thủ tục bắt buộc được thực hiện theo tuần tự các bước” sang mô hình chủ yếu là tự nguyện và tự chọn bởi các bên tranh chấp, như: sửa đổi quy định về các loại tranh chấp lao động, bao gồm bổ sung một số tranh chấp lao động mới; quy định mới về tổ chức, hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động, bãi bỏ thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện và bổ sung thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền cho Hội đồng trọng tài lao động; quy định chủ thể tổ chức và lãnh đạo đình công là tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể và là một bên tranh chấp lao động tập thể (thay cho quy định chủ thể là Ban Chấp hành công đoàn cơ sở hoặc tổ chức công đoàn cấp trên theo đề nghị của người lao động) ...

Bộ luật Lao động 2019 cũng sửa đổi, bổ sung một số quy định về nguyên tắc giải quyết tranh chấp theo hướng “coi trọng giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải, trọng tài trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên tranh chấp, tôn trọng lợi ích chung của xã hội, không trái pháp luật”. Đồng thời, bổ sung trách nhiệm của cơ quan chuyên môn về lao động trong giải quyết tranh chấp lao động trong đó quy định cơ quan chuyên môn về lao động trong giải quyết tranh chấp lao động “là đầu mối tiếp nhận yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động và có trách nhiệm phân loại, hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ các bên trong giải quyết tranh chấp lao động”; bổ sung trách nhiệm của hòa giải viên lao động trong việc hỗ trợ phát triển quan hệ lao động ngoài quy định hòa giải tranh chấp lao động, tranh chấp về hợp đồng đào tạo nghề như quy định trước đây.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác hòa giải, trọng tài trong giải quyết tranh chấp lao động. Thời gian vừa qua, lực lượng hòa giải viên lao động, trọng tài lao động trên địa bàn Thành phố đã từng bước được củng cố, kiện toàn. Hoạt động của hòa giải viên lao động, trọng tài lao động đã góp phần giải quyết hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động trong tranh chấp lao động, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định trên địa bàn Thành phố. Tuy nhiên, công tác giải quyết tranh chấp lao động của hòa giải viên lao động, trọng tài lao động vẫn còn nhiều bất cập như: tỷ lệ hòa giải thành chưa cao (đạt khoảng 50%); một số quận, huyện chưa kịp thời bổ nhiệm hòa giải viên lao động để giải quyết tranh chấp lao động trên địa bàn; nguồn nhân lực thực hiện công tác hòa giải về lao động, đặc biệt là đội ngũ hòa giải viên lao động - yếu tố then chốt, có tính quyết định đến chất lượng và hiệu quả của công tác hòa giải nhưng đội ngũ này hiện vừa thiếu lại hay biến động, chất lượng chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. Vì vậy, cần phải tiếp tục củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ hòa giải viên lao động.

Trong bối cảnh quan hệ lao động và các quy định pháp luật có liên quan đến việc giải quyết tranh chấp lao động của trọng tài viên, hòa giải viên lao động có nhiều thay đổi dẫn đến sự cần thiết phải có đội ngũ trọng tài viên lao động và hòa giải viên lao động đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng chuyên môn và đặc biệt là có đủ kỹ năng hòa giải để giải quyết các tranh chấp lao động phát sinh trên địa bàn Thành phố phù hợp với quy định mới của pháp luật lao động.

Xuất phát từ thực tế nêu trên, việc xây dựng Đề án “rà soát, sắp xếp đội ngũ hòa giải viên lao động, trọng tài viên lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội” là hết sức cần thiết. Góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô theo đúng tinh thần của Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 03/9/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong tình hình mới.

II. CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

- Bộ Luật Lao động số 45/2019/QH14 được Quốc hội khóa 14 kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 20/11/2019, có hiệu lực ngày 01/01/2021. Bộ luật thể chế quan điểm, đường lối của Đảng về quan hệ lao động, quy định việc thành lập và hoạt động của các tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp; thương lượng tập thể, giải quyết tranh chấp lao động phù hợp với các tiêu chuẩn lao động quốc tế; vai trò của cơ quan Nhà nước trong hỗ trợ thương lượng tập thể và giải quyết tranh chấp lao động.

[...]