Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 48/2016/QĐ-UBND quy định về tổ chức thực hiện mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Số hiệu 48/2016/QĐ-UBND
Ngày ban hành 20/12/2016
Ngày có hiệu lực 01/01/2017
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thái Nguyên
Người ký Vũ Hồng Bắc
Lĩnh vực Thương mại,Thuế - Phí - Lệ Phí

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 48/2016/QĐ-UBND

Thái Nguyên, ngày 20 tháng 12 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH TỔ CHỨC THỰC HIỆN MỨC THU, CHẾ ĐỘ THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ SỬ DỤNG TẠM THỜI LÒNG ĐƯỜNG, HÈ PHỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Luật Phí và lệ phí năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí;

Căn cứ Thông tư số 250/2016/TT-BTC ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Căn cứ Nghị quyết số 49/2016/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Khóa XIII, Kỳ họp thứ 3 ban hành Quy định về phí và lệ phí trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên;

Xét đề nghị của Sở Tài chính tại Tờ trình số 4500/STC-QLG ngày 19 tháng 12 năm 2016; Báo cáo số 328/BC-STP ngày 19 tháng 12 năm 2016 của Sở Tư pháp.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Mức thu, đối tượng thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, cụ thể như sau:

1. Mức thu:

(Có Phụ lục chi tiết kèm theo Quyết định này)

2. Đối tượng nộp phí và tổ chức thu phí:

a) Đối tượng nộp phí: Tổ chức, cá nhân sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố vào mục đích sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh phù hợp với quy hoạch, kế hoạch và quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố.

b) Tổ chức thu phí:

UBND cấp huyện căn cứ vào từng địa điểm, vị trí thuận lợi và lợi thế thương mại tại các điểm lòng đường, hè phố (theo quy hoạch) để xây dựng vị trí cụ thể theo 4 vị trí (từ vị trí 1 đến vị trí 4) trên địa bàn cho phù hợp với thực tế, báo cáo UBND tỉnh đồng thời gửi Sở Tài chính để kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

Giao cho UBND cấp huyện chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn được tổ chức thu phí tại nơi quy hoạch cho phép thu phí thuộc địa bàn quản lý, đồng thời phải đảm bảo trật tự, an toàn giao thông theo đúng quy định.

- Đơn vị được giao nhiệm vụ thu phí phải niêm yết hoặc thông báo công khai mức thu phí tại điểm thu phí.

3. Chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí:

a) Quản lý phí: Đơn vị được giao nhiệm vụ thu phí có trách nhiệm:

Cấp biên lai thu phí hoặc hóa đơn thu phí cho đối tượng nộp phí theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính hướng dẫn về in, phát hành, quản lý, sử dụng các loại chứng từ thu tiền phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước.

Thực hiện đăng ký, kê khai, thu, nộp và quyết toán tiền phí thu được theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

b) Sử dụng phí:

Đối với đơn vị được giao nhiệm vụ thu phí đã được ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí được trích để lại 10% trên tổng số phí thu được để trang trải chi phí cho công tác thu phí, phần còn lại 90% nộp vào ngân sách nhà nước.

Đối với đơn vị thu phí không được ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí được trích để lại 70% trên tổng số phí thu được để trang trải chi phí cho công tác thu phí, phần còn lại 30% nộp vào ngân sách nhà nước.

Số tiền phí được để lại, cơ quan thu phí phải sử dụng đúng mục đích, có chứng từ hợp pháp; mức chi cụ thể theo tiêu chuẩn, định mức quy định hiện hành và thực hiện quyết toán hằng năm.

Hằng tháng, chậm nhất ngày 05 của tháng sau, đơn vị được giao nhiệm vụ thu phí có trách nhiệm nộp số tiền phí thu được (sau khi trừ đi số phí được trích để lại theo quy định) vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách mở tại Kho bạc Nhà nước.

[...]