Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Quyết định 47/2001/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2001-2010 do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành

Số hiệu 47/2001/QĐ-TTg
Ngày ban hành 04/04/2001
Ngày có hiệu lực 19/04/2001
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phạm Gia Khiêm
Lĩnh vực Giáo dục

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 47/2001/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 04 tháng 4 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 47/2001/QĐ-TTG NGÀY 04 THÁNG 4 NĂM 2001 PHÊ DUYỆT "QUY HOẠCH MẠNG LƯỚI TRƯỜNG ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG GIAI ĐOẠN 2001 - 2010"

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 02 tháng 12 năm 1998;
Căn cứ Nghị quyết của Chính phủ số 18/2000/NQ-CP ngày 30 tháng 11 năm 2000 tại phiên họp thường kỳ tháng 11 năm 2000;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tại tờ trình số 713/KHTC ngày 02 tháng 02 năm 2001 về Đề án ''Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010'',

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt ''Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010'' với các nội dung cơ bản sau đây:

1. Mục tiêu quy hoạch:

a) Xây dựng mạng lưới trường đại học, cao đẳng đáp ứng được nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước;

b) Phát huy được sức mạnh tổng hợp của hệ thống đại học, cao đẳng và của toàn xã hội; bảo đảm tính đa dạng, đồng bộ và từng bước nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực;

c) Tạo điều kiện thuận lợi để cho các tầng lớp nhân dân đều có cơ hội tiếp thu giáo dục sau trung học.

2. Nguyên tắc quy hoạch:

Sự phát triển mạng lưới các trường đại học, cao đẳng phải:

a) Phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của từng vùng và địa phương; bảo đảm cơ cấu ngành nghề, cơ cấu trình độ và cơ cấu vùng miền hợp lý;

b) Phù hợp với năng lực đầu tư của nhà nước và sự huy động nguồn lực của toàn xã hội; gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, với sản xuất và dịch vụ; từng bước khắc phục tình trạng manh mún, phân tán của hệ thống hiện nay;

c) Tập trung đầu tư cho các Đại học Quốc gia, các trường trọng điểm, các lĩnh vực then chốt, đồng thời bảo đảm khả năng liên thông giữa các loại hình, các trình độ đào tạo;

d) Các bước triển khai phải phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo chất lượng đào tạo và ổn định để phát triển.

3. Nội dung quy hoạch:

a) Hệ thống trường đại học, cao đẳng:

- Hệ thống trường đại học, cao đẳng bao gồm: các đại học quốc gia, các đại học khu vực, các trường đại học trọng điểm, các học viện, các trường đại học, các trường cao đẳng, các trường đại học mở và các trường cao đẳng cộng đồng.

- Phát triển hợp lý các trường đại học, cao đẳng bán công, dân lập, tư thục và các trường được đầu tư 100% bằng vốn nước ngoài. Nghiên cứu chuyển một số trường công lập sang loại hình bán công, dân lập. Phấn đấu đến năm 2010, số sinh viên học trong các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đạt khoảng 30% tổng số sinh viên.

- Xây dựng một hệ thống đại học, cao đẳng không khép kín, có những hình thức liên kết giữa các đơn vị trong trường và giữa các trường đại học, cao đẳng để nâng cao chất lượng đào tạo và bảo đảm hiệu quả đào tạo cao.

b) Quy mô đào tạo:

- Căn cứ vào nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, khả năng đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân, quy mô đào tạo trong giai đoạn đầu tăng bình quân hàng năm khoảng 5%. Phấn đấu đến năm 2010 tổng quy mô đào tạo đại học, cao đẳng đạt khoảng 200 sinh viên/1 vạn dân. Các ngành công nghệ thông tin và một số ngành kỹ thuật - công nghệ trọng điểm khác được ưu tiên tăng nhanh quy mô đào tạo để đáp ứng các yêu cầu định hướng chiến lược của Đảng và Nhà nước.

c) Cơ cấu ngành nghề đào tạo:

- Điều chỉnh các ngành nghề đào tạo theo hướng: tăng tỷ lệ đào tạo các ngành kỹ thuật - công nghệ, nông lâm ngư nghiệp, y, dược, văn hóa - nghệ thuật - thể dục thể thao; bảo đảm tỷ lệ đào tạo hợp lý các ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, pháp lý, các ngành kinh tế - tài chính - quản trị kinh doanh. Kịp thời điều chỉnh cơ cấu ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội;

- Ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực phù hợp về trình độ và đạt chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ: thông tin, sinh học, vật liệu mới, chế tạo máy, tự động hóa và một số ngành phục vụ công nghiệp hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn. ưu tiên đào tạo đội ngũ chuyên gia, đội ngũ công chức cao cấp và cán bộ quản lý kinh tế giỏi đạt trình độ khu vực trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng và khoa học quản lý. Chú trọng đổi mới các nội dung đào tạo thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn;

- Tiếp tục củng cố các trường sư phạm và sư phạm kỹ thuật để có thể đào tạo đủ giáo viên với chất lượng cao. Tăng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ y tế cho các tuyến cơ sở, đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, thể dục thể thao ở địa phương.

d) Cơ cấu trình độ đào tạo:

[...]