UỶ BAN NHÂN
DÂN
TỈNH YÊN BÁI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 469/QĐ-UBND
|
Yên Bái, ngày
12 tháng 04 năm 2007
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN
SẢN XUẤT NÔNG, LÂM NGHIỆP, THUỶ SẢN GIAI ĐOẠN TỪ NĂM 2007 ĐẾN NĂM 2010
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ
ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 210/2006/QĐ-TTg ngày 12
tháng 9 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành các nguyên tắc, tiêu chí
và định mức phân bổ chỉ tiêu đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước
giai đoạn 2007 - 2010;
Căn cứ Kết luận số 305/KL-TU ngày 11 tháng 01
năm 2007 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Yên Bái;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và
phát triển nông thôn tại Tờ trình số 97/NN-TT ngày 06 tháng 03 năm 2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định một số chính sách
khuyến khích phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản giai đoạn từ năm
2007 đến năm 2010”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Kế hoạch
và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Kho bạc nhà nước tỉnh
và các ngành có liên quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. UỶ BAN
NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
Hoàng Xuân Lộc
|
QUY ĐỊNH
MỘT SỐ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NÔNG, LÂM
NGHIỆP, THUỶ SẢN GIAI ĐOẠN TỪ NĂM 2007 ĐẾN NĂM 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 469/QĐ-UBND ngày 12 tháng 04 năm 2007 của Uỷ
ban nhân dân tỉnh Yên Bái)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng áp dụng:
Đối tượng áp dụng, được hưởng các chính sách tại
Quy định này bao gồm: các chủ dự án, hợp tác xã, chủ trang trại, hộ gia đình,
cá nhân tham gia vào lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản trên địa bàn
tỉnh Yên Bái. Trên cơ sở có các quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án nông, lâm
nghiệp, thuỷ sản đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 2. Nội dung và phạm
vi áp dụng:
1. Nội dung áp dụng: Nội dung áp dụng trong Quy
định này bao gồm các chính sách: Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi; Hỗ trợ cước
vận chuyển vật tư nông nghiệp, giống thuỷ sản và chuyển đổi cơ cấu sản xuất; Hỗ
trợ chế biến, cơ giới hoá và tiêu thụ sản phẩm thuộc các lĩnh vực: nông nghiệp,
lâm nghiệp, chăn nuôi, thuỷ sản, chế biến, cơ giới hoá và tiêu thụ nông lâm sản.
2. Phạm vi áp dụng: Các chính sách trong Quy định
này được áp dụng trong phạm vi toàn tỉnh, theo Kế hoạch hỗ trợ phát triển sản
xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản hàng năm được Uỷ ban Nhân dân tỉnh Yên Bái phê
duyệt.
Chương II
NHỮNG CHÍNH SÁCH CỤ THỂ
Điều 3. Chính sách về hỗ
trợ giống cây trồng vật nuôi:
1. Về giống cây lương thực:
a) Giống cây lương thực bao gồm: Các giống lúa
lai, ngô lai, các giống lúa, ngô tiến bộ kỹ thuật, có trong danh mục các giống
cây trồng đang được phép sản xuất, kinh doanh, được sản xuất tại tỉnh, trong nước
hoặc nhập khẩu.
b) Đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ và phương thức hỗ
trợ như sau:
- Đối với các xã vùng cao thuộc xã đặc biệt khó
khăn: Hỗ trợ 100% giá giống (cấp bằng hiện vật) thông qua huyện cấp cho các hộ
sản xuất. Phương thức hỗ trợ: cuối vụ thu lại một phần bằng thóc thịt thương phẩm;
Uỷ ban nhân dân huyện thu và quản lý làm quỹ dự phòng, khi sử dụng phải báo cáo
và được sự đồng ý của Uỷ ban nhân dân tỉnh.
- Đối với các xã vùng cao và các xã đặc biệt khó
khăn còn lại: Hỗ trợ 50% giá giống.
- Đối với sản xuất vụ đông trên diện tích tăng vụ:
Hỗ trợ 30% giá giống tiến bộ kỹ thuật.
2. Giống cây công nghiệp:
- Giống đậu tương, giống lạc tiến bộ kỹ thuật:
+ Hỗ trợ 100% giá giống (cấp bằng hiện vật) đối
với các xã vùng cao thuộc xã đặc biệt khó khăn.
+ Hỗ trợ 50% giá giống đối với các xã vùng cao
và các xã đặc biệt khó khăn còn lại.
- Giống chè: Hỗ trợ 4 triệu đồng/ha đối với diện
tích trồng bằng giống chè mới.
- Giống dâu nuôi tằm: Hỗ trợ 5 triệu đồng/ha cho
diện tích trồng mới dâu nuôi tằm của huyện Trấn Yên trong năm 2007.
3. Giống cây ăn quả: Hỗ trợ kinh phí mua, tạo giống
cây ăn quả để phát triển cây ăn quả đặc sản trên địa bàn tỉnh. Cụ thể như: Bưởi
Đại Minh, huyện Yên Bình; hồng không hạt huyện Lục Yên … Mức hỗ trợ 2 triệu đồng/ha.
Khi thực hiện, các đơn vị phải có dự án cụ thể được cơ quan chuyên môn thẩm định
và được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
4. Giống cây trồng lâm nghiệp:
- Hỗ trợ giống bạch đàn mô và keo lai cho phát
triển trồng rừng kinh tế. Mức hỗ trợ: 350.000 đ/ha trồng bạch đàn mô và 250.000
đ/ha trồng keo lai.
- Hỗ trợ các Ban quản lý rừng phòng hộ, lâm trường
thuộc phía tây của tỉnh xây dựng vườn ươm cây giống trong năm 2007. Mức hỗ trợ
không quá 50 triệu đồng/1 vườn ươm/1 BQL rừng, lâm trường.
5. Hỗ trợ về giống vật nuôi và giống thuỷ sản:
- Giống lợn:
+ Hỗ trợ 25% giá trị lợn giống bố, mẹ là giống lợn
ngoại đảm bảo tiêu chuẩn giống. Trọng lượng giống bố, mẹ tối thiểu đạt 40
kg/con trở lên.
+ Hỗ trợ 100% giá trị 1 lợn đực giống ngoại đảm
bảo tiêu chuẩn giống và thức ăn tinh cho lợn đực giống trong 1 năm (giá trị thức
ăn không vượt quá 5 triệu đồng/tấn); trên cơ sở quy mô chăn nuôi phải có từ 20
nái ngoại mới được hỗ trợ 1 lợn đực giống.
- Giống trâu: Hỗ trợ 30% giá trị trâu đực đảm bảo
tiêu chuẩn giống trong vùng quy hoạch.
- Giống bò: Hỗ trợ 4 triệu đồng/con bò đực đảm bảo
tiêu chuẩn giống trong vùng quy hoạch.
- Giống cá: Hỗ trợ hàng năm 250 triệu đồng thả
cá giống bổ sung nguồn lợi thuỷ sản vào hồ Thác Bà và thả cá phục vụ mục đích
du lịch cho khu du lịch Tân Hương - hồ Thác Bà, đồng thời hỗ trợ hàng năm 100
triệu đồng thả cá giống bổ sung nguồn lợi thuỷ sản cho các hồ: Vân Hội, Minh
Quân, huyện Trấn Yên; hồ Từ Hiếu, huyện Lục Yên.
Điều 4. Chính sách hỗ trợ
chuyển đổi cơ cấu sản xuất:
1. Trợ cước vận chuyển:
- Trợ cước vận chuyển phân bón: Hỗ trợ cước phí
vận chuyển phân bón vô cơ hàng năm, chân hàng và cự ly vận chuyển theo quy định
của Trung ương.
- Trợ cước vận chuyển giống thuỷ sản: Hỗ trợ
100% cước phí vận chuyển giống thuỷ sản để tiêu thụ trong nội bộ tỉnh.
- Trợ cước vận chuyển sản phẩm nhựa thông: Hỗ trợ
100% cước phí vận chuyển sản phẩm nhựa thông từ nơi thu mua đến nơi tiêu thụ
(xa nhất là đến Hà Nội), đối với sản phẩm nhựa thông khai thác từ rừng trồng của
huyện Mù Cang Chải và huyện Trạm Tấu.
2. Hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu sản xuất:
- Hỗ trợ 100% giá Nilon che mạ (cấp bằng hiện vật)
trong vụ Đông - Xuân cho các xã vùng cao thuộc xã đặc biệt khó khăn.
- Hỗ trợ 100% giá trị phân vô cơ (từ 1- 3 năm)
cho diện tích tăng vụ đông xuân đối với các xã vùng cao thuộc xã đặc biệt khó
khăn.
- Hỗ trợ 100 ngàn đồng/tấn phân hữu cơ cho các
xã vùng cao, xã đặc biệt khó khăn. Quy trình, kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ thực
hiện phải đảm bảo theo hướng dẫn của cơ quan có chuyên môn.
- Hỗ trợ phát triển sản xuất chè:
+ Hỗ trợ 2 triệu đồng/ha đối với diện tích phá bỏ
chè già cỗi sang trồng mới bằng các giống chè LDP, giống chè nhập nội và chè
Shan giâm cành mật độ cao.
+ Hỗ trợ phủ 100% lãi suất vốn vay trồng mới, cải
tạo thay thế chè trong thời kỳ KTCB (36 tháng) cho các hộ trồng chè thuộc các dự
án phát triển chè khu vực Lâm trường: Púng Luông, Trạm Tấu, Văn Chấn, Lục Yên.
+ Hỗ trợ vườn ươm tập trung: 100 triệu đồng.
+ Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng vùng chè tập
trung: Nhà nước đầu tư đường trục lớn qua các vùng chè; hỗ trợ xây dựng đường nội
bộ bùng chè theo cơ chế Nhà nước 30%, các xã và các chủ dự án trồng chè 70%; đầu
tư thuỷ lợi phục vụ tưới bằng nguồn vốn ngân sách.
- Hỗ trợ 10 triệu đồng/ha đối với việc chuyển đổi
diện tích ruộng kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản. Khi thực hiện, các đơn vị
phải có dự án cụ thể được cơ quan chuyên môn thẩm định và được các cấp có thẩm
quyền phê duyệt.
- Hỗ trợ 2,5 triệu đồng/ha cỏ trồng phục vụ cho
chăn nuôi đại gia súc. Địa điểm hỗ trợ: ở các thôn, bản chưa được hỗ trợ trồng
cỏ theo các chương trình, dự án của tỉnh. Phương thức hỗ trợ là bằng cây giống.
- Hỗ trợ cải tạo đàn bò bằng phương pháp truyền
tinh nhân tạo: Chính sách hỗ trợ được căn cứ theo Dự án cải tạo đàn bò bằng
phương pháp truyền tinh nhân tạo đã được phê duyệt tại Quyết định số 383/QĐ-UB
ngày 14/12/2004 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái.
- Hỗ trợ 1 triệu đồng/ha cho diện tích trồng rừng
kinh tế khu vực Mường Lò và các huyện phía Tây của tỉnh.
Điều 5. Chính sách hỗ trợ chế
biến, cơ giới hoá, tiêu thụ nông, lâm sản và hỗ trợ kinh phí khắc phục thiên
tai, dịch bệnh:
1. Hỗ trợ thiết bị chế biến và bảo quản nông sản
phẩm: Hỗ trợ 50% giá trị thiết bị chế biến, bảo quản nông sản phẩm, kinh phí hỗ
trợ tối đa không quá 15 triệu đồng/bộ thiết bị đối với các xã vùng cao, vùng
ĐBKK. Khi thực hiện, các đơn vị phải có dự án cụ thể được cơ quan chuyên môn thẩm
định và được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Hỗ trợ cơ giới hoá: Hỗ trợ 50% giá trị máy
móc phục vụ cho việc cơ giới hoá nông nghiệp ở các vùng có điều kiện cụ thể,
kinh phí hỗ trợ tối đa không quá 10 triệu đồng/bộ. Khi thực hiện, các đơn vị phải
có dự án cụ thể được cơ quan chuyên môn thẩm định và được các cấp có thẩm quyền
phê duyệt.
3. Hỗ trợ tiêu thụ nông, lâm sản: Hỗ trợ 100% cước
phí vận chuyển từ nơi thu mua đến nơi bán (xa nhất là đến Hà Nội) cho việc tiêu
thụ quả sơn tra ở các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.
4. Hỗ trợ kinh phí khắc phục thiên tai, dịch bệnh:
Hỗ trợ một phần kinh phí khắc phục sản xuất nông, lâm nghiệp cho các hộ nông
dân, trong trường hợp gặp phải thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Chương III
NGUỒN KINH PHÍ HỖ TRỢ,
CƠ CHẾ HỖ TRỢ, THANH TOÁN VÀ HIỆU LỰC THI HÀNH
Điều 6. Nguồn kinh phí hỗ trợ:
Nguồn kinh phí hỗ trợ theo Quy định này được
trích từ ngân sách tỉnh, các nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương, các chương
trình, dự án được cân đối vào Kế hoạch hỗ trợ hàng năm để tổ chức thực hiện.
Điều 7. Cơ chế hỗ trợ:
- Đối với kinh phí hỗ trợ giống cây nông nghiệp
ngắn ngày được cấp thông qua các đơn vị dịch vụ nông lâm nghiệp để triển khai
thực hiện.
- Đối với kinh phí hỗ trợ thuộc các mục khác được
cấp trực tiếp cho các chủ dự án, hoặc thông qua ngân sách huyện để tổ chức thực
hiện.
- Đối với những vùng được các chương trình, dự
án hỗ trợ thì sử dụng kinh phí trực tiếp của chương trình dự án đó.
Điều 9. Thanh toán kinh phí
hỗ trợ:
Đơn vị nào, cấp nào nhận vốn hỗ trợ thì có trách
nhiệm thanh toán nguồn vốn hỗ trợ được hưởng. Việc thanh toán kinh phí hỗ trợ
được căn cứ trên các quy định về tài chính hiện hành. Các thủ tục thanh quyết
toán do Sở Tài chính hướng dẫn.
Điều 10. Hiệu lực thi hành:
Quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký
ban hành.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Trách nhiệm của
các ngành:
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở
Tài chính, Ban Dân tộc và các ngành, đơn vị có liên quan để xây dựng Kế hoạch hỗ
trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp hàng năm theo chính sách tại Quy định
này trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
- Tổ chức chỉ đạo về chuyên môn, kỹ thuật và kiểm
tra việc thực hiện cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi ở các huyện, thị, thành phố.
- Phối hợp với Sở Tài chính tổ chức kiểm tra,
nghiệm thu phúc tra kết quả nghiệm thu cơ sở của các huyện, thị, thành phố.
- Chỉ đạo các đơn vị trong ngành lập kế hoạch và
tổ chức sản xuất, cung ứng đủ số lượng và đảm bảo chất lượng các loại giống cây
trồng, vật nuôi, các loại vật tư phân bón kịp thời cho sản xuất.
2. Sở Tài chính:
- Căn cứ kế hoạch ngân sách đã được Uỷ ban nhân
dân tỉnh phê duyệt hàng năm cấp kinh phí cho các huyện và các đơn vị thụ hưởng
theo Quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh.
- Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Dân tộc: Thẩm định, phê duyệt giá
giống cây trồng, vật nuôi, vật tư cung ứng theo chính sách hỗ trợ; thẩm tra quyết
toán kinh phí hàng năm của các huyện và các đơn vị thực hiện Quy định này; kiểm
tra việc thực hiện chính sách ở cơ sở.
3. Các ngành và đơn vị có liên quan: Trên cơ sở
Quy định này, các ngành, đơn vị có liên quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ của
ngành mình, đơn vị mình để hướng dẫn chỉ đạo, triển khai thực hiện hàng năm.
Điều 12. Trách nhiệm của Ủy
ban nhân dân các huyện, thị, thành phố:
- Xây dựng kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất
nông lâm nghiệp hàng năm gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế
hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Ban Dân tộc để tập hợp thành kế hoạch chung của
tỉnh.
- Tổ chức triển khai, chỉ đạo thực hiện các
chính sách đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
Điều 13. Kinh phí hỗ trợ
triển khai thực hiện:
Hàng năm ngân sách tỉnh trích một phần kinh phí
hỗ trợ công tác triển khai, chỉ đạo thực hiện, kiểm tra nghiệm thu và thanh quyết
toán cho các ngành, các đơn vị liên quan và các huyện, thị xã, thành phố thực
hiện Quy định này.
Trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện
Quy định này có khó khăn, vướng mắc, các ngành, các đơn vị liên quan kịp thời
báo cáo bằng văn bản gửi về Uỷ ban nhân dân tỉnh để xem xét, điều chỉnh, bổ
sung./.