Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 468/QĐ-BYT năm 2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Y tế dự phòng do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 468/QĐ-BYT
Ngày ban hành 10/02/2014
Ngày có hiệu lực 10/02/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Thị Kim Tiến
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 468/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 10 tháng 02 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CỤC Y TẾ DỰ PHÒNG THUỘC BỘ Y TẾ

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí, chức năng

1. Cục Y tế dự phòng là cục chuyên ngành thuộc Bộ Y tế, giúp Bộ trưởng Bộ Y tế thực hiện chức năng quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về lĩnh vực y tế dự phòng trong phạm vi cả nước, bao gồm: phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bệnh chưa rõ nguyên nhân, bệnh xã hội; phòng, chống bệnh không lây nhiễm; sức khỏe trường học; dinh dưỡng cộng đồng; kiểm dịch y tế biên giới; hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu và nâng cao sức khỏe cho người dân tại cộng đồng; sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế; xét nghiệm thuộc lĩnh vực y tế dự phòng, an toàn sinh học trong xét nghiệm; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc lĩnh vực y tế dự phòng.

2. Cục Y tế dự phòng có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, có trụ sở làm việc tại thành phố Hà Nội.

Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn

1. Chủ trì xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án về lĩnh vực y tế dự phòng được phân công, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và chỉ đạo, tổ chức triển khai, hướng dẫn thực hiện sau khi được phê duyệt.

2. Chủ trì, phối hợp xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, quy chế chuyên môn, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và chế độ, chính sách về lĩnh vực y tế dự phòng được phân công, trình cấp có thẩm quyền ban hành và chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

3. Về phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bệnh chưa rõ nguyên nhân:

a) Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện việc giám sát, phát hiện sớm các bệnh truyền nhiễm, bệnh chưa rõ nguyên nhân;

b) Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh;

c) Tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Y tế thực hiện công bố dịch, công bố hết dịch theo quy định của pháp luật;

d) Quản lý dữ liệu và đầu mối cung cấp thông tin về bệnh truyền nhiễm.

4. Về phòng, chống bệnh không lây nhiễm, bệnh xã hội:

a) Chủ trì xây dựng chiến lược, chính sách, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về phòng, chống bệnh không lây nhiễm, bệnh xã hội;

b) Làm đầu mối quản lý và tổ chức triển khai các hoạt động giám sát và phòng, chống bệnh không lây nhiễm, bệnh xã hội;

c) Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các hoạt động phòng, chống yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm; đầu mối triển khai các hoạt động phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu bia và đồ uống có cồn khác;

d) Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm, bệnh xã hội; thống kê, báo cáo, xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về bệnh không lây nhiễm, bệnh xã hội.

5. Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện hoạt động sức khỏe trường học và dinh dưỡng cộng đồng.

6. Về kiểm dịch y tế biên giới:

a) Chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện hoạt động kiểm dịch y tế biên giới;

b) Đầu mối tổ chức giám sát bệnh truyền nhiễm và giám sát điều kiện vệ sinh môi trường, điều kiện an toàn thực phẩm trong khu vực cửa khẩu;

c) Đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ y tế quốc tế.

[...]