UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 463/QĐ-UBND
|
Sơn La, ngày 27 tháng 02 năm 2015
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP TIẾP CÔNG DÂN TẠI TRỤ SỞ
TIẾP CÔNG DÂN TỈNH SƠN LA
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA
Căn cứ Luật
Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật
Khiếu nại năm 2011;
Căn cứ Luật
Tố cáo năm 2011;
Căn cứ Luật
Tiếp công dân năm 2013;
Căn cứ Nghị
định số 75/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết
thi hành một số điều của Luật Khiếu nại;
Căn cứ Nghị
định số 76/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết
thi hành một số điều của Luật Tố cáo;
Căn cứ Nghị
định 64/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi
hành một số điều của Luật Tiếp công dân;
Theo đề
nghị của Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối
hợp tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân tỉnh Sơn La.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ
ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng
Ban Tiếp công dân tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân các huyện, thành phố, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách
nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh
uỷ, ĐĐBQH HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh;
- Các Sở, Ban, ngành, Đoàn thể tỉnh;
- Các cơ quan Báo, Đài PTTH tỉnh;
- Các Trường ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Như Điều 3;
- Lưu: VT, TCD, 120 bản.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Cầm Ngọc Minh
|
QUY CHẾ
PHỐI HỢP TIẾP CÔNG DÂN TẠI TRỤ SỞ TIẾP CÔNG DÂN.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 463/QĐ-UBND ngày 27/02/2015 của Ủy ban nhân
dân tỉnh Sơn La)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi và đối tượng điều chỉnh
Quy chế này
quy định nguyên tắc, phương thức, nội dung và trách nhiệm phối hợp giữa Ban
Tiếp Công dân, Văn phòng Tỉnh ủy, Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh
uỷ, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, Văn phòng Ủy
ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố (gọi chung là cấp
huyện) và các cơ quan, đơn vị có liên quan đến việc tiếp công dân, phục vụ công
tác tiếp công dân của Lãnh đạo Tỉnh ủy, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân
dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh tại Trụ sở tiếp công dân
tỉnh Sơn La.
Điều 2.
Nguyên tắc phối hợp
1. Các cơ
quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm phối hợp với các tổ chức, cá nhân có thẩm
quyền trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; cung cấp thông
tin tài liệu có liên quan đến việc khiếu nại, tố cáo theo yêu cầu của cơ quan,
tổ chức có thẩm quyền. Việc cung cấp, trao đổi thông tin về tiếp công dân,
khiếu nại, tố cáo phải kịp thời, đúng thời gian, bảo đảm tuân thủ đúng quy định
của pháp luật, đáp ứng yêu cầu công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố
cáo của công dân.
2. Mọi hoạt
động phối hợp thực hiện công tác tiếp công dân và tham gia vào giải quyết khiếu
nại, tố cáo, phản ánh kiến nghị của công dân phải tuân thủ đúng chủ trương, chính
sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; xây dựng Đảng, chính quyền, bảo vệ lợi
ích Nhà nước; quyền, nghĩa vụ, lợi ích chính đáng, hợp pháp của công dân.
3. Hoạt
động phối hợp giữa Ban tiếp công dân của tỉnh, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh
với Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân
tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân cấp huyện
và các cơ quan, đơn vị có liên quan dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn đã được pháp luật quy định.
Điều 3.
Nội dung phối hợp
1. Hướng
dẫn và tổ chức việc thực hiện pháp luật và các quy định về tiếp công dân đến
khiếu nại, phản ánh, kiến nghị theo quy định của pháp luật.
2. Cung
cấp, trao đổi thông tin, xây dựng chương trình, kế hoạch cho công tác tiếp công
dân, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của Thường trực
Tỉnh ủy, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh,
Chủ tịch UBND tỉnh;
Đôn đốc
kiểm tra các cơ quan có trách nhiệm tham mưu, giải quyết các vụ việc khiếu nại,
tố cáo của công dân theo quy định của pháp luật do Ban Tiếp Công dân chuyển đến
để tham mưu theo chức năng hoặc giải quyết theo thẩm quyền.
Tổng hợp,
báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy
ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về tình hình tiếp công dân, tiếp nhận
khiếu nại, tố cáo, việc tham mưu, giải quyết của các cơ quan có trách nhiệm
tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của nhân dân
theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.
3. Ban Tiếp
công dân, đại diện Văn phòng Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy, Ban Nội chính
tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp công
dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân tỉnh có trách nhiệm phối hợp cùng các
đơn vị có liên quan tham mưu chuẩn bị những tài liệu liên quan đến các nội dung
vụ việc khiếu nại, tố cáo để phục vụ Lãnh đạo tỉnh trực tiếp tiếp công dân định
kỳ theo lịch hoặc đột xuất.
4. Tổng
kết, sơ kết rút kinh nghiệm về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại,
tố cáo.
Điều 4.
Phương thức phối hợp
1. Cung
cấp, trao đổi thông tin về tình hình tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo của công
dân; thực hiện các yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền và chuẩn bị tốt việc phục
vụ cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo.
2. Phối hợp
tiếp công dân tới phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo có liên quan đến lĩnh vực,
ngành, địa phương mình quản lý.
3. Phối hợp
hướng dẫn công dân đến đến cơ quan có chức năng xem xét, giải quyết khiếu nại,
tố cáo, phản ánh, kiến nghị theo quy định; tham mưu để giải quyết kịp thời các
vụ việc về khiếu nại, tố cáo; phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi
vi phạm nội quy, quy chế tiếp công dân.
4. Phối hợp
phục vụ công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân của
cấp uỷ, chính quyền tỉnh
5. Thực
hiện các phương thức phối hợp khác theo quy định của pháp luật.
Chương
II
TỔ CHỨC TIẾP CÔNG DÂN
Điều 5.
Trụ sở Tiếp công dân tỉnh
Trụ sở tiếp
công dân tỉnh là nơi tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh
với Tỉnh ủy, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ
tịch UBND tỉnh. Mọi hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức tại Trụ sở Tiếp
công dân tỉnh đều trong nhiệm vụ tiếp công dân cho Tỉnh ủy, Đoàn đại biểu Quốc
hội, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân
tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi cho công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị,
phản ánh theo đúng quy định của pháp luật.
Điều 6.
Thời gian tiếp công dân
1. Thường
trực Tỉnh ủy, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh
cùng tiếp công dân mỗi tháng 01 lần, lịch và thành phần tiếp công dân định kỳ
được niêm yết tại Trụ sở Tiếp công dân và đăng trên cổng thông tin điện tử tỉnh
Sơn La, trang thông tin điện tử của Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.
2. Ban Tiếp
công dân và đại diện Văn phòng Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy, Ban Nội chính
tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp công
dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân tỉnh trong giờ hành chính những ngày
làm việc hàng tuần.
Điều 7.
Thành phần tham dự tiếp công dân cùng Thường trực Tỉnh ủy, Đoàn đại biểu Quốc hội,
Hội đồng nhân dân, Chủ tịch UBND tỉnh
1. Lãnh đạo
Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh,
Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy,
Ban tiếp công dân của tỉnh có trách nhiệm tổ chức điều hành phục vụ cho việc
tiếp công dân của Thường trực Tỉnh ủy, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân
dân, Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Thủ
trưởng các đơn vị Thanh tra tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Lao động,
Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban chỉ đạo di dân tái định cư và các Sở,
ngành có nội dung liên quan đến phản ánh kiến nghị của công dân có trách nhiệm
phục vụ việc tiếp công dân của Thường trực Tỉnh ủy, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội
đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
3. Chủ tịch
Ủy ban nhân dân các huyện thành phố tham gia phục vụ việc tiếp công dân của
Thường trực Tỉnh ủy, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân
tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh khi được mời hoặc yêu cầu; trường hợp có
khiếu kiện đông người vượt cấp, tổ chức vận động và đón công dân của địa phương
mình về nơi cư trú và giải quyết khiếu nại, tố cáo tại cơ sở.
Điều 8.
Chế độ giao ban, báo cáo
Lãnh đạo
Văn phòng Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội
đồng nhân dân tỉnh, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thanh tra tỉnh, Sở Tài
nguyên và Môi trường, Ban Tiếp Công dân tỉnh và các cơ quan có liên quan dự họp
giao ban tháng, hàng quý, 6 tháng…theo giấy mời của Ban tiếp công dân tỉnh hoặc
Văn phòng Tỉnh ủy.
Chương
III
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN TRONG
CÔNG TÁC PHỐI HỢP
Điều 9. Văn phòng tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy, Ban
Nội chính tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh
cử đại diện có năng lực, trình độ phù hợp phối hợp cùng Ban Tiếp công dân thực
hiện nhiệm vụ tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân tỉnh.
1. Đại diện
Văn phòng Tỉnh ủy tiếp nhận, xử lý kiến nghị, phản ánh của công dân về chủ
trương, đường lối, chính sách của Đảng; tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố
cáo về công tác xây dựng Đảng và những vấn đề khác thuộc nhiệm vụ, quyền hạn
của Tỉnh ủy; kịp thời nắm bắt phản ánh, kiến nghị của công dân; báo cáo những
vấn đề cấp thiết của công dân khi có yêu cầu được gặp Lãnh đạo Tỉnh ủy; chuẩn
bị kế hoạch, chương trình làm việc, hồ sơ, tài liệu và các điều kiện cần thiết
để Lãnh đạo Tỉnh ủy tiếp công dân theo định kỳ và đột xuất.
2. Đại diện
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tiếp nhận, xử lý kiến nghị, phản ánh liên quan đến chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban kiểm tra Đảng cấp mình và cấp dưới; tiếp
nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo về những vấn đề liên quan đến kỷ luật Đảng, phẩm
chất cán bộ, đảng viên, về sinh hoạt trong nội bộ tổ chức Đảng thuộc thẩm quyền
của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy;
3. Đại diện
Ban Nội chính tiếp nhận, xử lý kiến nghị, phản ánh liên quan đến chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn của Ban; tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực nội
chính và phòng, chống tham nhũng thuộc thẩm quyền của Ban Nội chính Tỉnh ủy;
4. Đại diện
Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tiếp công dân đến khiếu
nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc
hội, với Hội đồng nhân dân tỉnh liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, quyền
hạn của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh; kịp thời
nắm bắt phản ánh, kiến nghị của công dân; báo cáo những vấn đề cấp thiết của
công dân khi có yêu cầu được gặp Thường trực Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng
nhân dân tỉnh; chuẩn bị kế hoạch, chương trình làm việc, hồ sơ, tài liệu và các
điều kiện cần thiết để Thường trực Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân
tỉnh tiếp công dân theo định kỳ và đột xuất.
5. Ban Tiếp
công dân tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến
trách nhiệm giải quyết của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh;
kịp thời nắm bắt phản ánh, kiến nghị của công dân; báo cáo những vấn đề cấp
thiết của công dân khi có yêu cầu được gặp Thường trực Uỷ ban nhân dân tỉnh,
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Duy trì mối
quan hệ với các cơ quan phối hợp về thực hiện nhiệm vụ được phân công. Phối hợp
chặt chẽ trong việc cung cấp, trao đổi thông tin, kinh nghiệm chuyên môn nghiệp
vụ để bảo đảm thực hiện tốt công tác tiếp công dân.
Điều 10. Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh bảo đảm điều
kiện vật chất cần thiết phục vụ cho công tác tiếp công dân; bố trí bảo vệ Trụ
Sở Tiếp Công dân ngoài giờ hành chính; chỉ đạo đơn vị tự vệ cơ quan phối hợp
với lực lượng chức năng bảo đảm an ninh, trật tự tại Trụ sở Tiếp công dân khi
cần thiết.
Đôn đốc,
nhắc nhở các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc kết
luận, chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh qua tiếp công dân.
Khi có vụ
việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, yêu cầu cơ quan nhà nước có liên
quan bàn biện pháp giải quyết; cử đúng chuyên viên tham dự tiếp công dân khi
Ban Tiếp Công dân đề nghị.
Điều 11. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các Sở,
Ban, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến
nghị, phản ánh của công dân có trách nhiệm phối hợp với các tổ chức, cá nhân có
thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; cung cấp thông tin, tài
liệu nội dung thuộc lĩnh vực quản lý của cơ quan, đơn vị mình để tham mưu và cử
đúng cán bộ, công chức tham dự Tiếp công dân theo yêu cầu của Ban Tiếp công dân.
Điều 13.
Giám đốc Công an tỉnh có trách
nhiệm chỉ đạo các đơn vị chức năng, bố trí lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm an
ninh trật tự tại Trụ sở Tiếp công dân tỉnh; có biện pháp xử lý kịp thời những
người vi phạm pháp luật, vi phạm nội quy tiếp công dân, gây rối trật tự, xúc
phạm danh dự, nhân phẩm cán bộ tiếp dân, xâm phạm tài sản của Nhà nước, cá nhân.
Chương
IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 14.
Trách nhiệm của các cơ quan đơn vị có liên quan
Văn phòng
Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban Nội
chính Tỉnh ủy, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban
tiếp công dân của tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các Sở, Ban,
ngành, cơ quan, đơn vị, cá nhân tham gia tiếp công dân, phục vụ công tác tiếp
công dân tại Trụ sở Tiếp công dân tỉnh có trách nhiệm triển khai, thực hiện Quy
chế này.
Điều 15.
Trong quá trình thực hiện Quy
chế, nếu phát sinh những khó khăn, vướng mắc hoặc có những điểm không phù hợp,
Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh,
Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh,
Ban Tiếp công dân của tỉnh cùng các cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời trao
đổi, thống nhất tổng hợp để trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ
sung cho phù hợp./.