ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
--------
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------
|
Số: 45/QĐ-UBND
|
Quảng Ngãi, ngày
17 tháng 02 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ ĐÊ ĐIỀU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
QUẢNG NGÃI
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày
26/11/2003;
Căn cứ Luật Đê điều số 79/2006/QH11 ngày
29/11/2006;
Căn cứ Nghị định số 113/2007/NĐ-CP ngày
28/6/2007 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của
Luật Đê điều;
Căn cứ Thông tư số 26/2009/TT-BNN ngày 11/5/2009
của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn về cơ cấu tổ chức, nguồn
kinh phí và chế độ thù lao đối với lực lượng quản lý đê nhân dân;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn tại Tờ trình số 2484/TTr-SNN&PTNT ngày 31/12/2013 và Giám
đốc Sở Nội vụ tại Công văn số 126/SNV ngày 23/01/2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm
theo Quyết định này Quy định về tổ chức quản lý và bảo vệ đê điều trên địa bàn
tỉnh Quảng Ngãi.
Điều 2. Giao Giám đốc Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có
liên quan; UBND các huyện, thành phố nơi có đê tổ chức triển khai thực hiện
Quyết định này.
Điều 3. Quyết định này
có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng
UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài
chính, Xây dựng, Giao thông vận tải, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Thủ
trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Chủ tịch
UBND các xã, phường, thị trấn nơi có đê chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Cao Khoa
|
QUY ĐỊNH
VỀ
TỔ CHỨC QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ ĐÊ ĐIỀU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 45/QĐ-UBND Ngày 17/02//2014 của UBND tỉnh
Quảng Ngãi)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
và đối tượng áp dụng
1. Quy định này quy định về cơ
cấu tổ chức quản lý và bảo vệ đê điều trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng
bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước đã
được đưa vào khai thác, sử dụng.
2. Quy định này áp dụng đối với
các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến đê điều trên địa bàn
tỉnh Quảng Ngãi.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Các từ ngữ liên quan đến đê
điều bao gồm: Đê, đê điều, đê sông, đê biển, đê cửa sông, đê bao, đê bối, đê
chuyên dùng, cống qua đê, kè bảo vệ đê, công trình phụ trợ, chân đê, cửa khẩu
qua đê, phân lũ, làm chậm lũ, hộ đê, bãi sông, bãi nổi, lòng sông, mực nước lũ
thiết kế, lưu lượng lũ thiết kế v.v… được hiểu theo quy định tại Điều 3 của
Luật Đê điều.
Điều 3. Phạm vi bảo vệ đê
điều
1. Phạm vi bảo vệ đê điều bao
gồm: Đê, kè bảo vệ đê, cống qua đê, công trình phụ trợ và hành lang bảo vệ đê,
kè bảo vệ đê, cống qua đê.
2. Hành lang bảo vệ đê được quy
định như sau:
a) Hành lang bảo vệ đê đối với
đê cấp đặc biệt, cấp I, cấp II, cấp III và hành lang bảo vệ đối với kè bảo vệ
đê, cống qua đê thực hiện theo quy định tại Điều 23 của Luật Đê điều.
b) Hành lang bảo vệ đê đối với
đê cấp IV, cấp V:
- Các vị trí đê đi qua khu dân
cư có mật độ dân số cao, khu đô thị và khu du lịch thì hành lang bảo vệ đê được
tính từ chân đê trở ra 5 mét về phía sông và phía đồng.
Riêng, đối với khu dân cư, khu
đô thị và khu du lịch được quy hoạch mới thì hành lang bảo vệ đê tính từ chân
đê trở ra về phía đồng do UBND tỉnh quyết định nhưng không nhỏ hơn 5 mét.
- Các vị trí đê khác (đê không
đi qua khu dân cư có mật độ dân số cao, khu đô thị và khu du lịch) thì hành
lang bảo vệ đê được tính từ chân đê trở ra 10 mét về phía đồng; 20 mét về phía
sông đối với đê sông, đê cửa sông và 200 mét về phía biển đối với đê biển.
Điều 4. Lực lượng quản lý và
bảo vệ đê điều
1. Đối với đê cấp đặc biệt, cấp
I, cấp II và cấp III: Do lực lượng chuyên trách quản lý đê đảm nhận và tổ chức
thực hiện theo quy định tại Nghị định số 113/2007/NĐ-CP ngày 28/6/2007 của Chính
phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đê điều.
2. Đối với đê cấp IV, cấp V: Do
lực lượng không chuyên trách quản lý (được gọi tên là lực lượng quản lý đê nhân
dân) và tổ chức thực hiện theo Quy định này.
Chương II
QUY ĐỊNH QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ ĐÊ ĐIỀU CỦA LỰC LƯỢNG QUẢN
LÝ ĐÊ NHÂN DÂN
Điều 5. Cơ cấu tổ chức lực
lượng quản lý đê nhân dân
1. Lực lượng quản lý đê nhân
dân do UBND tỉnh thành lập, không thuộc biên chế nhà nước, được tổ chức hoạt
động theo địa bàn từng xã, phường, thị trấn (gọi tắt là cấp xã).
2. Các tuyến đê cấp IV, cấp V
nằm trên địa bàn xã nào thì do lực lượng quản lý đê nhân dân thuộc UBND cấp xã
đó trực tiếp quản lý, bảo vệ.
3. Định mức biên chế quản lý đê
nhân dân:
a) Một người quản lý trực tiếp
3km đối với các tuyến đê cấp V và 2km đối với các tuyến đê cấp IV.
b) Trường hợp các tuyến đê cấp
IV, V chưa đủ số lượng chiều dài quy định tại điểm a, khoản 3 Điều này và nằm
trong phạm vi một xã thì được bố trí một người để quản lý, bảo vệ.
Điều 6. Nhiệm vụ của lực
lượng quản lý đê nhân dân
1. Chịu sự quản lý, điều hành
của UBND cấp xã và hướng dẫn về mặt chuyên môn, nghiệp vụ của phòng Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn hoặc phòng Kinh tế thuộc UBND các huyện, thành phố (gọi
tắt là cấp huyện) và Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Ngãi.
2. Kiểm tra, phát hiện, báo cáo
kịp thời tình trạng đê điều, các diễn biến hư hỏng, sự cố đê điều.
3. Phát hiện, ngăn chặn kịp
thời các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều.
4. Lập biên bản và kiến nghị
với cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều.
5. Tuyên truyền, phổ biến pháp
luật về đê điều, vận động nhân dân thực hiện pháp luật về đê điều.
6. Tham gia với cơ quan chuyên
môn xây dựng phương án hộ đê, phòng, chống lụt, bão.
7. Tham gia quản lý và bảo vệ
cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác quản lý, bảo vệ đê điều và hộ đê như:
điếm canh đê; vật tư dự trữ chống lũ, lụt, bão; biển báo đê điều; cột chỉ giới;
cây chắn sóng bảo vệ đê và các công trình phụ trợ khác.
8. Nhân viên quản lý đê nhân
dân khi làm nhiệm vụ phải đeo băng đỏ có chữ “QLĐND” màu vàng trên cánh tay
trái.
Điều 7. Chế độ và nội dung
báo cáo của lực lượng quản lý đê nhân dân
1. Lực lượng quản lý đê nhân
dân có trách nhiệm báo cáo UBND cấp xã định kỳ một tháng hai lần vào ngày 01 và
ngày 15 hàng tháng về tình trạng đê điều, các công trình phòng, chống, lụt bão,
tình trạng vật tư dự trữ phòng chống lũ, lụt, bão trên địa bàn được giao.
2. Uỷ ban nhân dân cấp xã có
trách nhiệm tổng hợp báo cáo của lực lượng quản lý đê nhân dân và báo cáo phòng
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc phòng Kinh tế cấp huyện, Chi cục Thủy
lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh, mỗi tháng một lần.
3. Lực lượng quản lý đê nhân
dân khi làm nhiệm vụ, phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về đê điều hoặc hư
hỏng, sự cố đê điều phải bằng mọi cách (trong vòng 24 giờ) báo cáo UBND cấp xã,
phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc phòng Kinh tế cấp huyện, Ban Chỉ
huy phòng, chống lụt, bão cấp xã, huyện và Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt
bão tỉnh để tiến hành xử lý kịp thời.
4. Nội dung báo cáo khi phát
hiện hành vi vi phạm pháp luật về đê điều hoặc hư hỏng, sự cố đê điều:
a) Thời gian phát hiện vi phạm
hoặc hư hỏng, sự cố đê điều;
b) Vị trí, mức độ, đặc điểm,
kích thước, diễn biến vi phạm hoặc hư hỏng, sự cố đê điều, đề xuất biện pháp xử
lý.
5. Trường hợp phát hiện vi phạm
hoặc hư hỏng, sự cố nguy hiểm có nguy cơ đe dọa đến an toàn đê điều, phải có
biện pháp ngăn chặn kiên quyết và báo cáo gấp cho cơ quan chức năng để xử lý
kịp thời.
Điều 8. Nguồn kinh phí và
chế độ chính sách đối với lực lượng quản lý đê nhân dân
1. Lực lượng quản lý đê nhân
dân được hưởng thù lao hàng tháng bằng 0,8 lần mức lương tối thiểu chung theo
quy định hiện hành của Nhà nước.
2. Lực lượng quản lý đê nhân
dân được tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý, bảo vệ đê điều và hộ đê.
3. Lực lượng quản lý đê nhân
dân được trang bị mỗi năm 01 bộ bảo hộ lao động/người khi làm nhiệm vụ (áo mưa,
ủng, mũ cứng, đèn pin, sổ ghi chép, bút) và được hưởng các chế độ, chính sách
theo quy định hiện hành của Nhà nước trong trường hợp bị tai nạn khi làm nhiệm
vụ.
4. Nguồn kinh phí duy trì hoạt
động của lực lượng quản lý đê nhân dân sử dụng từ Quỹ phòng, chống lụt, bão của
địa phương thu theo quy định tại Nghị định số 50/CP ngày 10/5/1997 của Chính
phủ ban hành quy chế thành lập và hoạt động của Quỹ phòng, chống lụt, bão của
địa phương và ngân sách địa phương bảo đảm theo quy định của Luật Ngân sách nhà
nước. Trường hợp Quỹ phòng, chống lụt, bão của địa phương không đảm bảo kinh phí
hoạt động (trang bị bảo hộ lao động và thù lao hàng tháng của lực lượng quản lý
đê nhân dân) thì UBND cấp huyện xem xét, hỗ trợ từ ngân sách.
Chương III
TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐÊ ĐIỀU
Điều 9. Trách nhiệm của UBND
cấp huyện, cấp xã nơi có đê
Thực hiện theo Khoản 2, Khoản 3
Điều 43 Luật Đê điều và các nội dung sau:
1. Trách nhiệm của UBND cấp
huyện:
a) Hướng dẫn UBND cấp xã nơi có
đê, tổ chức lực lượng quản lý đê nhân dân; hướng dẫn hoạt động và kiểm tra, đôn
đốc việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng này;
b) Chỉ đạo phòng chức năng của
huyện phối hợp với Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh để tập huấn về
chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, bảo vệ đê điều và hộ đê cho lực lượng quản lý đê
nhân dân;
c) Chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn
UBND cấp xã về việc chi trả thù lao và các chế độ chính sách khác đối với lực
lượng quản lý đê nhân dân;
d) Hàng năm, tổng hợp báo cáo
về tình hình đê điều trên địa bàn theo chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Trách nhiệm của UBND cấp xã:
a) Tổ chức lực lượng quản lý đê
nhân dân thuộc địa bàn. Trực tiếp quản lý và chỉ đạo hoạt động của lực lượng
quản lý đê nhân dân theo quy định tại Quy định này và các văn bản quy phạm pháp
luật có liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ đê điều.
b) Thực hiện chế độ thù lao và
các chế độ, chính sách đối với lực lượng quản lý đê nhân dân theo Quy định này
và các quy định của Nhà nước có liên quan.
Điều 10. Trách nhiệm của Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
1. Chủ trì, phối hợp với UBND
cấp huyện nơi có đê tham mưu UBND tỉnh quyết định thành lập lực lượng quản lý
đê nhân dân sau khi Quy định này có hiệu lực thi hành.
2. Chủ trì, phối hợp với UBND
cấp huyện nơi có đê để tổ chức hướng dẫn hoạt động của lực lượng quản lý đê
nhân dân.
3. Chỉ đạo Chi cục Thủy lợi và
Phòng chống lụt bão phối hợp với phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc
phòng Kinh tế cấp huyện tổ chức tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, bảo
vệ đê điều và hộ đê cho lực lượng quản lý đê nhân dân.
4. Kiểm tra, thanh tra việc
thực hiện các chính sách, chế độ về đê điều; giải quyết theo thẩm quyền các
tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật về đê điều.
5. Hàng năm, chủ trì và phối
hợp với các sở, ngành, UBND cấp huyện nơi có đê tổ chức đánh giá, tổng kết rút
kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo vệ đê điều, báo cáo UBND tỉnh và Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, chỉ đạo.
Điều 11. Trách nhiệm của các
sở, ngành có liên quan
1. Sở Xây dựng chủ trì, phối
hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND cấp huyện tổ chức xây
dựng, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp nằm
ven sông, ven biển phù hợp với quy định của Luật Đê điều và các quy định hiện
hành của Nhà nước liên quan.
2. Sở Giao thông vận tải chủ
trì, phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND cấp huyện tổ
chức xây dựng, thực hiện quy hoạch mạng lưới giao thông phù hợp với hệ thống đê
điều (đê có kết hợp giao thông) trên địa bàn toàn tỉnh.
3. Sở Tài chính chủ trì, phối
hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương liên quan
phân bổ nguồn kinh phí và thực hiện các chế độ chính sách đối với lực lượng
quản lý đê nhân dân theo quy định của Luật Ngân sách.
4. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy
Quân sự tỉnh và các lực lượng vũ trang nhân dân phối hợp với Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn chỉ đạo việc ngăn chặn các hành vi xâm phạm, phá hoại, gây
mất an toàn cho các công trình đê điều trên địa bàn; tham gia ứng cứu và khắc
phục hậu quả khi công trình đê điều xảy ra sự cố.
5. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh và các sở, ngành có
liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp cùng Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, các cấp chính quyền địa phương tuyên truyền,
vận động và tham gia thực hiện tốt các quy định của Nhà nước về quản lý, bảo vệ
an toàn cho hệ thống đê điều trên địa bàn toàn tỉnh.
Chương IV
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 12. Khen thưởng
Những tổ chức, cá nhân có thành
tích xuất sắc trong việc thực hiện quản lý, bảo vệ đê điều, ngăn chặn các hành
vi phá hoại công trình đê điều thì được khen thưởng theo quy định hiện hành của
Nhà nước.
Điều 13. Xử lý vi phạm
Các tổ chức, cá nhân có hành vi
vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ đê điều thì tuỳ theo tính chất, mức độ
vi phạm đều sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14. Tổ chức thực hiện
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn; Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan; Chủ tịch UBND cấp huyện,
cấp xã nơi có đê và các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đê
điều có trách nhiệm thực hiện Quy định này.
Điều 15. Sửa đổi, bổ sung
Trong quá trình thực hiện Quy
định này nếu có những vấn đề chưa hợp lý, vướng mắc, phát sinh; các tổ chức, cá
nhân phản ánh kịp thời về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp
trình UBND tỉnh xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.