Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Quyết định 45/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 45/QĐ-TTg
Ngày ban hành 10/01/2020
Ngày có hiệu lực 10/01/2020
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Trịnh Đình Dũng
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị,Giao thông - Vận tải

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 45/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 10 tháng 01 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ LẬP QUY HOẠCH MẠNG LƯỚI ĐƯỜNG BỘ THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 ngày 24 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch số 35/2018/QH14 ngày 20 tháng 11 năm 2016;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch;

Căn cứ Quyết định số 995/QĐ-TTg ngày 09 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho các Bộ tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tại Tờ trình số 11707/TTr-BGTVT ngày 06 tháng 12 năm 2019 và Báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định Nhiệm vụ Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 số 11716/BC-BGTVT ngày 06 tháng 12 năm 2019,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với các nội dung chính sau đây:

1. Tên quy hoạch, thời kỳ quy hoạch, phạm vi ranh giới quy hoạch

a) Tên quy hoạch: Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

b) Thời kỳ quy hoạch: Quy hoạch được lập cho thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

c) Đối tượng, phạm vi ranh giới quy hoạch

Quy hoạch mạng lưới đường bộ là quy hoạch ngành quốc gia, bao gồm hệ thống kết cấu hạ tầng đường quốc lộ, đường cao tốc (bao gồm các đường cao tốc vành đai đô thị), có xét đến định hướng phát triển đồng bộ với giao thông địa phương.

Phạm vi nghiên cứu của quy hoạch là toàn bộ phạm vi trong ranh giới quốc gia thuộc chủ quyền của Việt Nam, có xét đến kết nối quốc tế.

2. Quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc lập quy hoạch

a) Quan điểm lập quy hoạch

- Quy hoạch mạng lưới đường bộ được thực hiện đồng thời với các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia nhằm cụ thể hóa chiến lược của Đảng; phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước, với quy hoạch tổng thể quốc gia, đảm bảo phát huy hiệu quả của toàn hệ thống giao thông vận tải, phát huy tối đa lợi thế của vận tải đường bộ; đồng thời, cần lồng ghép các yếu tố tích hợp đa ngành, phù hợp với Luật Quy hoạch.

- Quy hoạch mạng lưới đường bộ phải đáp ứng được nhu cầu về vận tải hàng hóa, hành khách với chất lượng tốt và giá cả hợp lý, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hạn chế ô nhiễm môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Quy hoạch mạng lưới đường bộ phải có tính kế thừa, bảo đảm tính khoa học; ứng dụng công nghệ hiện đại trong quá trình lập quy hoạch; đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; phù hợp với yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước.

- Nội dung của quy hoạch mạng lưới đường bộ phải thống nhất, liên kết với các quy hoạch khác và được thể hiện bằng báo cáo quy hoạch và hệ thống sơ đồ, bản đồ, cơ sở dữ liệu về quy hoạch.

- Quy hoạch mạng lưới đường bộ nhằm hướng tới hoạch định đường lối cho quá trình phát triển mạng lưới đường bộ tại Việt Nam nên cần bảo đảm tính linh hoạt và có tính mở để thu hút đa dạng các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ.

b) Mục tiêu lập quy hoạch

- Nghiên cứu quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ quốc gia đến năm 2050, đưa ra lộ trình đầu tư phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, đảm bảo kết nối ngành, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và môi trường.

- Góp phần tăng cường năng lực hội nhập của nền kinh tế trên cơ sở xây dựng mạng lưới đường bộ hiện đại, nâng cao tính thị trường, tập trung phát triển các hành lang vận tải gắn kết với các hành lang kinh tế đô thị và nông thôn.

[...]