Quyết định 4251/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Đề án "Xây dựng khu xử lý rác sinh hoạt và giải pháp xử lý ô nhiễm, phục hồi môi trường" trên địa bàn huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh

Số hiệu 4251/QĐ-UBND
Ngày ban hành 17/08/2016
Ngày có hiệu lực 17/08/2016
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Lê Thanh Liêm
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị,Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4251/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 17 tháng 8 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN "XÂY DỰNG KHU XỬ LÝ RÁC SINH HOẠT VÀ GIẢI PHÁP XỬ LÝ Ô NHIỄM, PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG" TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN CẦN GIỜ

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 342/QĐ-TTg ngày 20 tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi một số tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;

Căn cứ Thông tư số 41/2013/TT-BNNPTNT ngày 04 tháng 10 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;

Căn cứ Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 05 tháng 4 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Tiêu chí huyện nông thôn mới và Quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới;

Căn cứ Công văn số 238/VPĐP-KHTH ngày 29 tháng 4 năm 2016 của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương về xem xét công nhận huyện Cần Giờ đạt chuẩn nông thôn mới;

Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ tại Tờ trình số 3038/TTr-UBND ngày 27 tháng 7 năm 2016 về phê duyệt Đề án "Xây dựng khu xử lý rác sinh hoạt và giải pháp xử lý ô nhiễm, phục hồi môi trường" trên địa bàn huyện Cần Giờ; ý kiến đề xuất của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố tại Tờ trình số 313/TTr-VPĐP-NV ngày 28 tháng 7 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay phê duyệt Đề án "Xây dựng khu xử lý rác sinh hoạt và giải pháp xử lý ô nhiễm, phục hồi môi trường" trên địa bàn huyện Cần Giờ (theo nội dung Đề án đính kèm).

 Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Kho bạc Nhà nước thành phố, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố, Thủ trưởng các Sở, ngành liên quan, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Cần Giờ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Thanh Liêm

 

ĐỀ ÁN

(Ban hành kèm theo Quyết định số 4251/QĐ-UBND ngày 17 tháng 8 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Phần I

SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Hiện trạng công tác xử lý rác sinh hoạt và tuyên truyền bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Cần Giờ

Trên địa bàn huyện hiện nay phát sinh khoảng 45 tấn rác sinh hoạt/ngày, được xử lý tại ba bãi chôn lấp rác gồm bãi chôn lấp rác Bình Khánh (xử lý rác tại 03 xã Bình Khánh, Tam Thôn Hiệp, An Thới Đông), bãi rác Long Hòa (xử lý rác tại xã Thạnh An, Long Hòa và Thị trấn Cần Thạnh) và bãi rác Lý Nhơn (xử lý rác tại xã Lý Nhơn). Trong đó 02 bãi rác Bình Khánh và Long Hòa đã hết công năng sử dụng từ năm 2009 nhưng vẫn đang tiếp nhận và xử lý rác, do huyện đang xin chủ trương đầu tư khu xử lý rác mới tại xã An Thới Đông.

Hiện nay tình hình ô nhiễm môi trường tại hai bãi rác Long Hòa và Bình Khánh rất nghiêm trọng, do diện tích không còn để chôn lấp mà vẫn phải tiếp nhận xử lý khoảng 40 tấn rác hàng ngày, phương pháp xử lý rác hiện tại là dồn rác, chất thành đống, phun xịt EM khử mùi, cao trình rác tại hai bãi chôn lấp khoảng 4,7m, nước rỉ rác không được thu gom, xử lý, gây ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường xung quanh.

Rác sinh hoạt phát sinh tại xã Thạnh An (xã Thạnh An là xã đảo của huyện Cần Giờ có hệ thống đường giao thông chủ yếu bằng đường thủy, địa hình trũng thấp thường xuyên bị ngập triều, được bao bọc bởi biển, sông, rạch chằng chịt chia cắt, đường bộ là các tuyến đường liên ấp, đường nội bộ khu dân cư, giao thông ra ngoài xã chỉ bằng đường thủy) khoảng 2,5 tấn/ngày, được thu gom hàng ngày, vận chuyển bằng ghe về điểm tập kết trên địa bàn thị trấn Cần Thạnh và sau đó vận chuyển về bãi rác Long Hòa để xử lý. Công tác này có nhiều yếu tố rủi ro do vận chuyển bằng ghe và vào những ngày thời tiết không thuận lợi, lượng chất thải rắn sẽ bị tồn đọng tại xã gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sống của người dân. Đây cũng là một trong những khó khăn bất cập trong công tác xử lý rác sinh hoạt tại huyện. Bên cạnh đó, lượng chất thải tại xã đảo Thạnh An nếu không được xử lý ngay thì nguy cơ phát tán chất thải rắn ra biển đặc biệt là plastic là rất lớn. Trong khi đó, các tác động của plastic lên môi trường biển đang được thế giới báo động. Các sinh vật biển có thể bị chết do ăn hoặc nuốt phải rác thải từ nhựa bị vứt xuống đại dương, việc plastic đã phân hủy thành vụn nhỏ cũng đang gây trở ngại quá trình hòa tan oxy vào nước biển làm giảm chất lượng nước biển tại khu vực.

Tỷ lệ thu gom rác trên địa bàn huyện năm 2015 là 85%, toàn huyện có 31 tổ thu gom rác dân lập với lực lượng là 45 công nhân, thuộc 30 ấp, khu phố. Trong đó, ấp Thiềng Liềng xã Thạnh An, ấp An Đông, Rạch Lá xã An Thới Đông chưa thành lập tổ thu gom rác dân lập do điều kiện người dân sống rải rác, xa khu dân cư tập trung.

Tuy nhiên tại các khu vực này, huyện đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố hướng dẫn người dân xử lý theo phương thức làm compost đối với rác hữu cơ, phân loại rác vô cơ để bán tái chế, phần còn lại không tái chế được sẽ hướng dẫn người dân tạo hố chôn lấp sau vườn nhà.

[...]