Quyết định 4235/1997/QĐ-BGDĐT Quy định về soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Số hiệu 4235/1997/QĐ-BGDĐT
Ngày ban hành 16/12/1997
Ngày có hiệu lực 31/12/1997
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Nguyễn Minh Hiển
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 4235/1997/QĐ-BGDĐT

Hà Nội, ngày 16 tháng 12 năm 1997 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VỀ SOẠN THẢO, BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CỦA BỘ

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Căn cứ Nghị định số 29-CP  ngày 30-03-1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 12 tháng 11 năm 1996;
Căn cứ Nghị định số 101-CP  ngày 23-09-1997 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
Theo đề nghị của Chánh Văn phòng Bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. – Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định về soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ.

Điều 2. – Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành, thay thế cho Quyết định số 573-GDĐT ngày 09-03-1994 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành quy định về quy trình ban hành văn bản pháp quy của Bộ.

Điều 3. – Các Chánh Văn phòng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO




Nguyễn Minh Hiển

 

QUY ĐỊNH

VỀ SOẠN THẢO, BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CỦA BỘ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4235/1997/QĐ-BGDĐT  ngày 16-12-1997 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.)

Để đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội bằng pháp luật, kịp thời thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với ngành;

Để đưa công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ vào nền nếp, bảo đảm chất lượng và hiệu quả của pháp luật, tập trung thống nhất việc quản lý nhà nước của ngành;

Quy định này đề cập đến thẩm quyền, quy trình soạn thảo và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ,

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. – Văn bản quy phạm pháp luật do Bộ ban hành là những văn bản do Bộ ban hành theo những hình thức, thủ tục, trình tự được quy định, trong đó có chứa đựng các quy tắc xử sự chung, được Nhà nước đảm bảo thực hiện nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Văn bản quy phạm pháp luật của Bộ được ban hành dưới các hình thức Quyết định, Thông tư, Chỉ thị của Bộ trưởng.

Những văn bản cũng do Bộ ban hành mà không mang nội dung và tính chất nói trên, để giải quyết những vụ việc cụ thể đối với những đối tượng cụ thể, thì không phải là những văn bản quy phạm pháp luật và không chịu sự điều chỉnh của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định số 101-CP ngày 23-09-1997 của Chính phủ và Quy định này như: quyết định lên lương, khen thưởng, kỷ luật, điều động công tác, bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ, cử cán bộ đi học nước ngoài, và những văn bản cá biệt khác.

Điều 2. – Văn bản quy phạm pháp luật chỉ có thể được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ bằng văn bản pháp quy khác của Bộ trưởng ban hành với cùng hình thức hoặc bị bãi bỏ bằng một văn bản của Chính phủ, của Quốc hội.

Văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ phải quy định rõ danh mục các văn bản, điều khoản của văn bản bị bãi bỏ, sửa đổi và thay thế.

Điều 3. – Các văn bản quy phạm pháp luật phải phù hợp với thực trạng kinh tế - xã hội của đất nước, thể chế hóa đầy đủ và kịp thời đường lối, chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước, thế hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Điều 4. – Các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ phải được xây dựng trên cơ sở bảo đảm tính thống nhất của pháp luật.

Văn bản quy phạm pháp luật của Bộ không được trái với Hiến pháp, Luật và các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên. Văn bản quy phạm pháp luật của Bộ không được trái với văn bản pháp quy của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý ngành hoặc lĩnh vực có liên quan.

Điều 5. – Việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ phải được lập thành chương trình. Chương trình xây dựng văn bản pháp quy là một bộ phận của kế hoạch phát triển của ngành và phải bảo đảm thực hiện.

Điều 6. – Việc soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải được thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục nêu trong Quy định này.

[...]