Quyết định 4155/QĐ-BTP năm 2011 phê duyệt Kế hoạch hành động về bình đẳng giới của ngành Tư pháp giai đoạn 2011-2015 do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 4155/QĐ-BTP
Ngày ban hành 26/10/2011
Ngày có hiệu lực 26/10/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Nguyễn Thúy Hiền
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ TƯ PHÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 4155QĐ/ BTP

Hà Nội, ngày 26 tháng 10 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI CỦA NGÀNH TƯ PHÁP GIAI ĐOẠN 2011-2015

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Căn cứ Luật Bình đẳng giới ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 70/2008/NĐ-CP ngày 04/6/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và thi hành một số điều của Luật Bình đẳng giới;

Căn cứ Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Căn cứ Quyết định số 2351/QĐ-TTg ngày 24/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch hành động về bình đẳng giới của ngành Tư pháp giai đoạn 2011-2015.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Giám đốc Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thứ trưởng (để biết);
- Ủy ban quốc gia VSTBPNVN (để b/c);
- Thành viên Ban VSTBPN ngành TP (để thực hiện);
- Lưu VT, Ban VSTBPN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thúy Hiền

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI CỦA NGÀNH TƯ PHÁP GIAI ĐOẠN 2011 – 2015
(Phê duyệt kèm theo Quyết định số 4155 /QĐ-BTP ngày 26 tháng 10 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)

Thực hiện các nhiệm vụ của ngành Tư pháp được giao tại Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020, trên cơ sở phát huy những kết quả tích cực đã đạt được trong hoạt động VSTBPN ngành Tư pháp giai đoạn 2001-2010 và theo hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch hành động về bình đẳng giới của ngành Tư pháp giai đoạn 2011 - 2015 với các nội dung cụ thể như sau:

I. BỐI CẢNH CHUNG

Bình đẳng giới là việc nam nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Bình đẳng giới là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá sự phát triển của một xã hội, một đất nước, tự nó là mục tiêu của sự phát triển và là yếu tố hỗ trợ, nâng cao khả năng tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội của quốc gia.

Với vai trò là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng và thi hành pháp luật; kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; thi hành án dân sự; hành chính tư pháp; bổ trợ tư pháp; trợ giúp pháp lý và các công tác tư pháp khác trong phạm vi cả nước, Bộ Tư pháp luôn quán triệt và tham gia tích cực vào việc thực hiện các chính sách, quan điểm, nguyên tắc vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp.

Nhìn chung, với sự quan tâm chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ, các cấp uỷ Đảng và sự tích cực của Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, các đoàn thể và đội ngũ cán bộ, công chức trong Ngành, việc lồng ghép các mục tiêu VSTBPN và bình đẳng giới vào các hoạt động chuyên môn của Ngành đã đạt được các kết quả nhất định, góp phần tích cực hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của Ngành và thực hiện các mục tiêu VSTBPN Việt Nam. Đội ngũ công chức nữ đang từng bước được nâng cao về trình độ, kiến thức và vị trí, vai trò trong các lĩnh vực hoạt động chuyên môn của Ngành.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện các hoạt động VSTBPN và bình đẳng giới, ngành Tư pháp cũng còn một số vấn đề khó khăn, tồn tại cần được các đơn vị trong Ngành tích cực giải quyết trong thời gian tới, cụ thể là:

- Một số Ban VSTBPN hoạt động còn lúng túng hoặc mang tính hình thức;

- Việc lồng ghép quan điểm giới và bình đẳng giới trong các hoạt động chuyên môn ở một số đơn vị chưa đạt hiệu quả cao;

- Mặc dù số lượng công chức nữ khá nhiều, nhưng tỷ lệ công chức nữ tham gia công tác lãnh đạo vẫn chưa tương xứng ở một số đơn vị thuộc Bộ và cơ quan tư pháp, cơ quan thi hành án dân sự địa phương.

- Một số Ban VSTBPN chưa được bố trí kinh phí hoặc được bố trí kinh phí nhưng ở mức rất hạn hẹp, không đáp ứng yêu cầu hoạt động VSTBPN tại đơn vị.

Những tồn tại nói trên bắt nguồn từ những nguyên nhân chủ yếu sau đây:

[...]