ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LONG AN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
41/2021/QĐ-UBND
|
Long An, ngày 04
tháng 10 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 07/2021/NQ-HĐND NGÀY 17/8/2021 CỦA HĐND
TỈNH QUY ĐỊNH MỨC CHUẨN TRỢ GIÚP XÃ HỘI, MỨC TRỢ GIÚP XÃ HỘI ĐỐI VỚI ĐỐI TƯỢNG
BẢO TRỢ XÃ HỘI VÀ CÁC ĐỐI TƯỢNG KHÓ KHĂN KHÁC CẦN ĐƯỢC TRỢ GIÚP KHẨN CẤP TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH LONG AN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19/6/2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021
của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã
hội;
Căn cứ Thông tư số 02/2021/TT-BLĐTBXH ngày
24/6/2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn thực hiện một
số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định
chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội;
Thực hiện Công văn số 2323/LĐTBXH-BTXH ngày
20/7/2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc đính chính kỹ thuật
Thông tư số 02/2021/TT-LĐTBXH ngày 24/6/2021 của Bộ Lao động - Thương binh và
Xã hội;
Căn cứ Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND ngày
17/8/2021 của HĐND tỉnh quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội
đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác cần được trợ
giúp khẩn cấp trên địa bàn tỉnh Long An;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội tại Tờ trình số 3089/TTr-LĐTBXH ngày 28/9/2021; ý kiến thẩm định
của Sở Tư pháp tại Công văn số 2005/STP-XDKTVB ngày 27/9/2021.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND ngày
17/8/2021 của HĐND tỉnh về Quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã
hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác cần được trợ
giúp khẩn cấp trên địa bàn tỉnh Long An (Kèm theo).
Điều 2. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với
Sở Tài chính, các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức
triển khai, theo dõi, hướng dẫn việc thực hiện Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 15/10/2021 và
thay thế Quyết định số 56/2016/QĐ-UBND ngày 13/10/2016 của UBND tỉnh về Quy định
chính sách trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh
Long An và Quyết định số 03/2017/QĐ-UBND ngày 02/02/2017 của UBND tỉnh về việc
sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với
các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Long An được ban hành kèm theo
Quyết định số 56/2016/QĐ-UBND ngày 13/10/2016.
Mức chuẩn trợ giúp xã hội được áp dụng từ ngày
01/7/2021.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh; Chủ
tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn
và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ LĐ-TB và XH;
- Bộ Tài chính;
- Cục KTVBQPPL - Bộ Tư pháp;
- Đoàn ĐBQH tỉnh LA;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT, các PCT.UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh - Công báo tỉnh;
- Các sở, ngành, đoàn thể tỉnh;
- CVP, các PCVP;
- Phòng VHXH;
- Lưu: VT, SLĐTBXH, thu.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Út
|
QUY ĐỊNH
MỨC CHUẨN TRỢ GIÚP XÃ HỘI, MỨC TRỢ GIÚP XÃ HỘI ĐỐI VỚI ĐỐI
TƯỢNG BẢO TRỢ XÃ HỘI VÀ CÁC ĐỐI TƯỢNG KHÓ KHĂN KHÁC CẦN ĐƯỢC TRỢ GIÚP KHẨN CẤP
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 41/2021/QĐ-UBND ngày 04/10/2021 của UBND tỉnh)
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quyết định này quy định mức chuẩn
trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối
tượng khó khăn khác cần được trợ giúp khẩn cấp trên địa bàn tỉnh Long An.
2. Đối tượng áp dụng
a) Các cơ quan, đơn vị, tổ chức
được giao thực hiện nhiệm vụ thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với đối
tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Long An;
b) Đối tượng bảo trợ xã hội quy
định tại Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ- CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định
chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
c) Các đối tượng khó khăn khác
cần được trợ giúp khẩn cấp trên địa bàn tỉnh, gồm: Những đối tượng thuộc diện hộ
gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bị mắc bệnh hiểm nghèo, bị thương tật nghiêm trọng
(do bị bỏng, đuối nước, điện giật, té ngã, động vật cắn hoặc do các lý do bất
khả kháng khác) phải cấp cứu và điều trị tại cơ sở y tế từ 3 ngày trở lên. Những
đối tượng này không trùng lặp với các đối tượng đã được hưởng hỗ trợ theo quy định
tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ.
Điều 2. Mức
chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội
a) Mức chuẩn trợ giúp xã hội là
360.000 đồng/tháng. Thời gian áp dụng từ ngày 01/7/2021 (theo quy định tại Khoản
2, Điều 4 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ).
b) Mức trợ giúp xã hội: Thực hiện
theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định
chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
Điều 3.
Các đối tượng khó khăn khác cần được trợ giúp khẩn cấp trên địa bàn tỉnh
- Đối tượng: Được quy định tại
Điểm c, Khoản 2, Điều 1, Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND ngày 17/8/2021.
- Mức trợ giúp xã hội khẩn cấp:
+ Mức trợ giúp là 5.000.000 đồng/người/lần/năm,
do UBND tỉnh quyết định.
+ Mức trợ giúp là 3.000.000 đồng/người/lần/năm,
do Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc UBND cấp huyện quyết định.
Điều 4.
Kinh phí thực hiện
1. Kinh phí thực hiện chế độ
chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên, hỗ trợ nhận chăm sóc tại cộng đồng và
kinh phí thực hiện chi trả chính sách; tuyên truyền, xét duyệt đối tượng; ứng dụng
công nghệ thông tin; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ và kiểm tra
giám sát được bố trí trong dự toán hàng năm chi đảm bảo xã hội theo phân cấp
ngân sách của tỉnh.
2. Kinh phí bảo đảm để chăm
sóc, nuôi dưỡng hàng tháng đối bảo trợ xã hội sống trong Trung tâm công tác xã
hội tỉnh do ngân sách tỉnh cấp trong dự toán chi đảm bảo xã hội (nếu Trung tâm
do cấp huyện thành lập do ngân sách huyện cấp trong dự toán chi đảm bảo xã hội).
3. Kinh phí chi hoạt động thường
xuyên và các chi phí khác của cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện theo quy định của
pháp luật. Cơ sở trợ giúp xã hội được tiếp nhận, sử dụng và quản lý các nguồn
kinh phí và hiện vật do các tổ chức, cá nhân đóng góp và giúp đỡ từ thiện; bảo
đảm sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng và thanh, quyết toán theo quy định của
pháp luật.
4. Nguồn kinh phí để thực hiện
trợ giúp khẩn cấp bao gồm: Ngân sách hỗ trợ của Trung ương, ngân sách tự cân đối
của địa phương (ngân sách tỉnh, ngân sách huyện) và các nguồn kinh phí hợp pháp
khác như: trợ giúp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ trực tiếp
cho địa phương hoặc thông qua cơ quan, tổ chức.
Trường hợp nguồn kinh phí trên
không đủ để thực hiện việc trợ giúp khẩn cấp, Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo Bộ Lao
động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia và Bộ
Tài chính để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ
hàng hóa từ nguồn dự trữ quốc gia theo quy định.
Điều 5. Điều
khoản chuyển tiếp
Đối tượng đang hưởng chế độ
chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định tại
Quyết định số 56/2016/QĐ-UBND ngày 13/10/2016 của UBND tỉnh về quy định chính
sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Long An
và Quyết định số 03/2017/QĐ- UBND ngày 02/2/2017 của UBND tỉnh về việc sửa đổi,
bổ sung một số điều của Quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với các đối tượng
bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Long An được ban hành kèm theo Quyết định số
56/2016/QĐ-UBND ngày 13/10/2016, thì được chuyển sang mức và hệ số tương
ứng quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021.
Các đối tượng trên không phải
làm lại hồ sơ, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, lập danh sách đối
tượng đang hưởng trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc nuôi dưỡng hàng tháng
trình Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định chi trả theo mức tương ứng quy định tại
Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND từ ngày 01/7/2021 của HĐND tỉnh. Người đứng đầu
cơ sở trợ giúp xã hội tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền bảo đảm kinh phí
và tổ chức thực hiện chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng theo mức quy định tại Nghị quyết
số 07/2021/NQ-HĐND từ ngày 01/7/2021 của HĐND tỉnh.
Điều 6.
Phương thức chi cho công tác quản lý
Phương thức chi trả chính sách
trợ giúp xã hội: Tiếp tục duy trì chi trả theo phương thức là chi trả qua hệ thống
Bưu điện và khoán gọn kinh phí chi trả 500.000 đồng/xã/tháng.
Điều 7. Tổ
chức thực hiện
1. Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội có trách nhiệm
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài
chính căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương tham mưu UBND tỉnh
trình HĐND tỉnh quyết định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội áp dụng
trên địa bàn bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn trợ giúp xã hội và mức trợ giúp
xã hội quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ;
quyết định đối tượng khó khăn khác chưa quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP
được hưởng chính sách trợ giúp xã hội.
b) Hướng dẫn, tổ chức thực hiện
và kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn.
c) Hàng năm, vào thời điểm lập
dự toán, tổng hợp số đối tượng hưởng chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên của
các huyện, kinh phí trợ giúp khẩn cấp và dự kiến nhu cầu kinh phí thực hiện
cùng với dự toán chi thường xuyên gửi Sở Tài chính xem xét, tổng hợp vào dự
toán ngân sách địa phương, trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của
Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
d) Trường hợp thiên tai, hỏa hoạn
xảy ra trên diện rộng gây thiệt hại nặng và các nguồn kinh phí quy định tại Khoản
1 Điều 32 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP không đủ để thực hiện trợ giúp khẩn cấp, Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nông
nghiệp và Phát triển Nông thôn tổng hợp trình Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo Bộ Lao
động - Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia và Bộ
Tài chính tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ hàng
hóa, kinh phí từ nguồn dữ trữ quốc gia theo quy định.
đ) Tổng hợp, báo cáo định kỳ về
kết quả thực hiện chính sách trên địa bàn và gửi kèm theo bảng tổng hợp số liệu
theo các mẫu 10a, 10b, 10c và 10d ban hành kèm theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP
về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND tỉnh trước ngày 15/01 và 15/7
hàng năm.
e) Quản lý cơ sở trợ giúp xã hội,
nhà xã hội do cấp tỉnh thành lập.
g) Triển khai việc ứng dụng
công nghệ thông tin vào quản lý đối tượng bảo trợ xã hội ở cấp tỉnh và cấp huyện;
xây dựng cơ sở dữ liệu, tổng hợp và gửi thông tin của đối tượng đã được định dạng
theo chuẩn XML về Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (Cổng thông tin điện tử của
Bộ) định kỳ, đột xuất theo quy định.
2. Sở Tài chính
a) Phối hợp với Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương tham mưu UBND
tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội
áp dụng trên địa bàn bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn trợ giúp xã hội và mức trợ
giúp xã hội quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP; quyết định đối tượng khó
khăn khác chưa quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP được hưởng chính sách trợ
giúp xã hội;
b) Tổng hợp dự toán kinh phí thực
hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa
bàn tỉnh vào dự toán ngân sách địa phương, trình cấp có thẩm quyền quyết định
theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
3. UBND các huyện, thị xã,
thành phố
a) Cân đối ngân sách, thực hiện
chi trợ cấp đúng đối tượng, đúng chế độ và quyết toán theo quy định hiện hành của
Nhà nước.
b) Chỉ đạo Phòng Lao động -
Thương binh và Xã hội:
- Hướng dẫn, kiểm tra và giám
sát cấp xã trong việc xác định và quản lý đối tượng; tổ chức thực hiện chính
sách trợ giúp xã hội tại địa phương.
- Tổng hợp, báo cáo định kỳ trước
ngày 30/6 và ngày 31/12 hàng năm và đột xuất về tình hình và kết quả thực hiện
chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội về Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội và UBND cấp huyện.
- Lập dự toán kinh phí thực hiện
chính sách trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội gửi Phòng Tài chính - Kế hoạch tổng
hợp trình UBND cấp huyện và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để phối hợp với
Sở Tài chính tổng hợp, trình UBND tỉnh.
Điều 8.
Giao trách nhiệm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
chủ trì, phối hợp Sở Tài chính và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện
Quy định này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc tổng hợp
báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định./.