Quyết định 41/2007/QĐ-NHNN về Quy chế trích lập, quản lý và sử dụng khoản dự phòng rủi ro của Ngân hàng Nhà nước do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Số hiệu 41/2007/QĐ-NHNN
Ngày ban hành 06/11/2007
Ngày có hiệu lực 05/12/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Ngân hàng Nhà nước
Người ký Đặng Thanh Bình
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
*****

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 41/2007/QĐ-NHNN

Hà Nội, ngày 06 tháng 11 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TRÍCH LẬP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG KHOẢN DỰ PHÒNG RỦI RO CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 1997; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 52/2003/NĐ-CP ngày 19/5/2003 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 07/2006/NĐ-CP ngày 10/01/2006 của Chính phủ về chế độ tài chính của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Sau khi thống nhất với Bộ Tài chính tại văn bản số 13463/BTC-TCNH ngày 8/10/2007;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế toán - Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế trích lập, quản lý và sử dụng khoản dự phòng rủi ro của Ngân hàng Nhà nước.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 171/2002/QĐ-NHNN ngày 08/3/2002 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành Quy chế trích lập, quản lý và sử dụng khoản dự phòng rủi ro của Ngân hàng Nhà nước.

Điều 3. Chánh văn phòng, Vụ trưởng Vụ Kế toán - Tài chính, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3 (để thực hiện);
- Ban lãnh đạo NHNN;
- VPCP (2 bản);
- Bộ Tư pháp (để kiểm tra);
- Bộ Tài chính;
- Lưu VP, Vụ PC, Vụ KTTC.

KT.THỐNG ĐỐC
PHÓ THỐNG ĐỐC




Đặng Thanh Bình

 

QUY CHẾ

TRÍCH LẬP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG KHOẢN DỰ PHÒNG RỦI RO CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 41/2007/QĐ-NHNN ngày 06 tháng 11 năm 2007 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy chế này quy định việc trích lập, quản lý và sử dụng khoản dự phòng rủi ro của Ngân hàng Nhà nước để bù đắp các tổn thất do nguyên nhân khách quan trong hoạt động tín dụng, dịch vụ thanh toán và ngân quỹ của Ngân hàng Nhà nước và phần chênh lệch tổn thất sau khi tập thể hoặc cá nhân bồi thường theo đúng quy định của pháp luật.

Những khoản nợ đang trong thời gian được khoanh, giãn nợ theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chế này.

Điều 2. Hàng năm Ngân hàng Nhà nước trích lập khoản dự phòng rủi ro và hạch toán vào chi phí bằng 10% tổng thu nhập trừ các khoản chi chưa bao gồm khoản chi dự phòng rủi ro (không bao gồm các khoản thu, chi từ kinh phí ngân sách nhà nước cấp).

Điều 3. Khoản dự phòng rủi ro của Ngân hàng Nhà nước được trích lập, hạch toán và quản lý tập trung tại Ngân hàng Nhà nước (Vụ Kế toán - Tài chính).

Điều 4. Khoản dự phòng rủi ro của Ngân hàng Nhà nước nếu trong năm không sử dụng hết, số còn lại được chuyển sang năm sau sử dụng tiếp.

Trường hợp khoản dự phòng rủi ro không đủ bù đắp các khoản tổn thất theo quy định tại Quy chế này thì Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xử lý phần còn thiếu.

Điều 5. Thẩm quyền xử lý tổn thất bằng khoản dự phòng rủi ro

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định xử lý các khoản tổn thất của Ngân hàng Nhà nước.

Điều 6. Nguyên tắc xử lý tổn thất bằng khoản dự phòng rủi ro

1. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, xử lý các khoản tổn thất đã có đủ bằng chứng hợp pháp tại thời điểm xử lý.

2. Đối với các khoản tổn thất được xử lý bằng khoản dự phòng rủi ro của Ngân hàng Nhà nước, các đơn vị để xảy ra tổn thất không được thông báo cho đối tượng thu nợ và vẫn phải có biện pháp tiếp tục thu hồi như đối với các khoản phải thu thông thường chưa được xử lý bằng khoản dự phòng rủi ro, trừ các trường hợp Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định xoá nợ.

3. Mọi khoản tiền thu hồi được từ tổn thất đã được xử lý bằng khoản dự phòng đều phải nộp về Ngân hàng Nhà nước (Vụ Kế toán - Tài chính) để hạch toán vào thu nhập của Ngân hàng Nhà nước.

Chương 2:

[...]