UỶ BAN NHÂN
DÂN
TỈNH HÀ NAM
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 402/QĐ-UBND
|
Hà Nam, ngày
25 tháng 4 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN THỂ THAO THÀNH TÍCH CAO TỈNH HÀ
NAM GIAI ĐOẠN 2014 - 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ
ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Thể dục Thể thao số 77/2006/QH11
ngày 29 tháng 11 năm 2006 của Quốc hội;
Căn cứ Nghị quyết 08- NQ/TW ngày 01 tháng 12
năm 2011 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 12/CT- TU ngày 31 tháng 7 năm 2012 của
Tỉnh uỷ Hà Nam về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với phát triển
thể dục, thể thao đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 2198/QĐ- TTg ngày 03
tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển
Thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 1272/QĐ-UBND ngày 28
tháng 9 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam về việc phê duyệt Quy hoạch
phát triển Văn hóa, Thể thao tỉnh Hà Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 04/2013/QĐ-UBND ngày 11
tháng 01 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về quy định mức chi ngân sách đối với
một số lĩnh vực thể dục thể thao tỉnh Hà Nam.
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao
và Du lịch tại Tờ trình số 08/TTr-SVHTTDL ngày 02 tháng 4 năm 2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt đề án Phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Hà
Nam giai đoạn 2014 - 2020 với nội dung chính như sau:
I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU
1. Quam điểm
Phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Hà Nam
mang tính đột phá, bền vững. Phát triển mạnh mẽ phong trào thể dục thể thao quần
chúng cả về số lượng và chất lượng, lấy đối tượng học sinh tại các trường học
làm nền tảng, làm nguồn tuyển chọn vận động viên năng khiếu.
Đầu tư phát triển các môn thể thao trọng điểm có
thế mạnh, phù hợp với điều kiện và đặc điểm của địa phương. Mở rộng quan hệ hợp
tác, tiếp thu các kiến thức về khoa học thể thao hiện đại để phát triển thể
thao thành tích cao địa phương.
Tăng cường công tác quản lý, tăng mức đầu tư của
Nhà nước, huy động tổng hợp mọi nguồn lực trong việc xây dựng cơ sở vật chất,
đào tạo vận động viên thành tích cao.
2. Mục tiêu
2.1. Mục tiêu chung
Xây dựng, phát triển lực lượng và những môn thể
thao trọng điểm có thế mạnh của tỉnh để đạt thành tích cao tại các kỳ Đại hội
Thể dục Thể thao toàn quốc, các giải vô địch quốc gia, quốc tế., từng bước cải
thiện vị trí của thể thao Hà Nam so với toàn quốc. Tăng cường công tác xã hội
hóa và thu hút các nguồn lực đầu tư đối với thể thao thành tích cao của tỉnh.
2.2. Mục tiêu cụ thể
Hoàn thành chỉ tiêu tại Đại hội Thể dục thể thao
toàn quốc lần thứ VII năm 2014, lần thứ VIII năm 2018; đóng góp nhiều lượt vận
động viên vào các đội tuyển và tuyển trẻ quốc gia, có các vận động viên tham
gia thi đấu quốc tế, cụ thể:
Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ VII
năm 2014 tham gia 09 đội tuyển của 09 môn trên tổng số 36 môn được tổ chức tại
Đại hội: Bóng đá nữ, Canoing, Vật tự do nữ, Lặn, Đá cầu, Vovinam, Bắn súng, Quần
vợt, Điền kinh với số lượng tham gia từ 80 - 85 vận động viên; phấn đấu đạt từ
14 - 16 huy chương các loại, trong đó có từ 4 - 6 huy chương vàng; xếp hạng từ
45 - 48 so với các tỉnh, thành, ngành trên toàn quốc; xã hội hóa môn Bóng đá nữ.
Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ VIII
năm 2018, tham gia 15 đội tuyển của 12 môn: Bóng đá nữ, Canoing, Kayad, Vật tự
do nữ, vật cổ điển, Điền kinh, Bơi, lặn, Taekwondo, Bóng đá Futsal, Cờ vua, Quần
vợt, Bóng chuyền nữ, Đá cầu, Vovinam; dự kiến tham gia từ 90-100 vận động viên,
phấn đấu đạt từ 20 - 25 huy chương các loại, trong đó đạt từ 7 - 9 huy chương
vàng; xếp hạng từ 40 – 45 so với các tỉnh, thành, ngành trên toàn quốc; xã hội
hóa một số môn trọng tâm như: Bóng đá nữ, Quần vợt, Bóng chuyền nữ.
Đóng góp từ 3 - 5 vận động viên tham dự ASIAD
năm 2019; Đội tuyển Bóng đá nữ xếp nhất, nhì quốc gia.
II. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU
1. Tăng cường công tác quản lý nhà nước. Kiện
toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác thể thao thành tích
cao. Từng bước đổi mới công tác quản lý, điều hành hoạt động thể thao theo hướng
chuyên nghiệp.
2. Phát triển mạnh mẽ phong trào thể dục thể
thao quần chúng cả về số lượng và chất lượng, chú trọng nguồn tuyển chọn vận động
viên năng khiếu. Tổ chức tốt các giải thể thao trong hệ thống của tỉnh hàng
năm, các kỳ Đại hội Thể dục Thể thao từ tỉnh đến cơ sở, tham gia hiệu quả tại Đại
hội Thể dục thể thao toàn quốc năm 2014, 2018.
3. Nâng cao chất lượng đào tạo, huấn luyện vận động
viên, chú trọng toàn diện cả về chuyên môn, nhận thức, tư tưởng, trách nhiệm.
4. Đầu tư tập trung nhóm các môn thể thao trọng
điểm có thành tích cao và các vận động viên mũi nhọn cả về trang thiết bị dụng
cụ tập luyện, thi đấu, chế độ dinh dưỡng, thời gian tập huấn và chính sách ưu
đãi, khen thưởng.
5. Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác xã hội
hóa đối với hoạt động thể thao thành tích cao, tiến tới xã hội hoá 03 môn: Bóng
đá nữ, Quần vợt, Bóng chuyền nữ.
III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Về tổ chức
Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý của
Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT, Câu lạc bộ Bóng đá nữ, Nhà thi đấu đa
năng, Trường năng khiếu thể dục thể thao của tỉnh nhằm bổ sung nguồn lực cán bộ,
huấn luyện viên giỏi, đáp ứng theo yêu cầu nhiệm vụ về quản lý, đào tạo huấn
luyện thể thao thành tích cao.
Thành lập Câu lạc bộ Bóng đá nữ Hà Nam, Trường
phổ thông năng khiếu Thể dục Thể thao trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
(có Đề án riêng).
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các Liên
đoàn, Hiệp hội thể thao góp phần phát triển thể thao thành tích cao.
2. Về chuyên môn
Nâng cao chất lượng tuyển chọn vận động viên ở
các tuyến và qua các giải thể thao của tỉnh hàng năm, để tạo nguồn tuyển chọn vận
động viên năng khiếu xây dựng đội tuyển tỉnh tham gia thi đấu các giải trong nước
và quốc tế.
Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng,
đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật, lòng yêu nghề cho đội ngũ cán bộ quản lý, huấn
luyện viên, vận động viên.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, đào tạo,
huấn luyện vận động viên tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT của tỉnh gắn
với lộ trình dài hạn và kế hoạch cụ thể. Duy trì lực lượng vận động viên đào tạo
và huấn luyện tập trung tại tuyến tỉnh giai đoạn 2014 - 2015 từ 135 đến 150 vận
động viên; giai đoạn 2016 - 2020 từ 180 đến 200 vận động viên.
Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn
cho đội ngũ huấn luyện viên, y bác sỹ thể thao; áp dụng khoa học kỹ thuật hiện
đại vào công tác tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện.
Thuê chuyên gia, huấn luyện viên giỏi, vận động
viên có đẳng cấp cao tham gia công tác tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện và thi đấu
Thể thao thành tích cao của tỉnh.
Xây dựng kế hoạch để chuẩn bị tốt về lực lượng
và các điều kiện tham gia thi đấu các môn tại Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc
năm 2014, 2018 đạt các chỉ tiêu đề ra.
Thực hiện chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với Huấn
luyện viên, vận động viên theo quyết định số 04/2013/QĐ-UBND ngày 11/01/2013 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam, các quy định hiện hành; Bổ sung chế độ tập huấn
trước giải thi đấu tại các Trung tâm thể thao có chất lượng trong và ngoài nước.
Tăng cường hợp tác, liên kết trong công tác tuyển
chọn, đào tạo và huấn luyện thể thao thành tích cao với các tỉnh, thành phố
trong toàn quốc.
3. Về chế độ chính sách
Đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện Khu Liên hợp thể
thao của tỉnh và các thiết chế thể thao. Đầu tư xây dựng khu nhà ở, sinh hoạt
cho vận động viên (có dự án riêng).
Tăng cường đầu tư một số dụng cụ, trang thiết bị
cần thiết cho các môn trọng điểm. Sử dụng, khai thác, phát huy hiệu quả cơ sở vật
chất, trang thiết bị.
Khen thưởng cho huấn luyện viên, vận động viên
khi đạt thành tích cao tại các giải thể thao hàng năm theo Quyết định
32/2011/QĐ - TTg ngày 06 tháng 6 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về một số chế
độ đối với huấn luyện viên, vận động viên và các văn bản quy định của tỉnh; Căn
cứ thành tích thi đấu tại các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc, Khu vực và quốc tế, Uỷ
ban nhân dân tỉnh xem xét khen thưởng đột xuất cho các tập thể và cá nhân.
Có chế độ ưu đãi đối với huấn luyện viên giỏi, vận
động viên đạt thành tích cao, đặc biệt quan tâm chế độ lương và tạo điều kiện về
việc làm cho vận động viên sau khi nghỉ thi đấu đỉnh cao.
Tăng cường xã hội hóa thông qua việc ban hành
các cơ chế, chính sách thu hút, kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực thể thao, nhất là
thể thao thành tích cao. Huy động, vận động các doanh nghiệp sản xuất lớn trên
địa bàn tỉnh tài trợ gắn với quảng bá thương hiệu, quảng cáo sản phẩm.
Đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện các quy hoạch,
kế hoạch phát triển thể dục, thể thao và các lĩnh vực liên quan. Tiếp tục đẩy mạnh
hoạt động của các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao hiện có, thành lập mới các Liên
đoàn, hiệp hội thể thao khi có đủ các điều kiện.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Kinh phí thực hiện Đề án được huy động từ nhiều
nguồn lực: 70% trong tổng kinh phí thực hiện Đề án từ ngân sách của tỉnh, 30% từ
nguồn kinh phí xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác.
Kinh phí thực hiện Đề án: 11.590.000.000 (Mười một
tỷ năm trăm chín mươi triệu đồng), trong đó nguồn ngân sách của tỉnh cấp:
8.113.000.000 đồng (Tám tỷ một trăm mười ba triệu đồng).
Kinh phí được phân kỳ đầu tư từng năm, đặc biệt
tập trung đầu tư cho các năm diễn ra Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc (năm
2014, năm 2018).
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối
hợp với các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện Đề
án. Kiểm tra, đôn đốc, định kỳ báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh tiến độ, kết quả thực
hiện Đề án và kịp thời tham mưu, đề xuất giải quyết những phát sinh, vướng mắc
trong quá trình thực hiện; nghiên cứu, tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh ban
hành các Đề án, dự án liên quan.
2. Sở Nội vụ phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao
và Du lịch rà soát, tham mưu với UBND tỉnh sắp xếp, hoàn thiện về tổ chức bộ
máy quản lý của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT, Câu lạc bộ Bóng đá nữ,
Nhà thi đấu đa năng, Trường năng khiếu thể dục thể thao của tỉnh và các chính
sách ưu đãi liên quan nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của sự nghiệp thể dục thể
thao trong những năm tới.
3. Sở Kế hoạch Đầu tư giám sát việc thực hiện Đề
án, tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các
thiết chế thể dục thể thao của tỉnh. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, xã hội hóa trong
hoạt động thể thao thành tích cao.
4. Sở Tài chính cân đối, bố trí nguồn kinh phí
cho việc thực hiện Đề án; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu
với Uỷ ban nhân dân tỉnh về chính sách ưu đãi về lương, thưởng đối với vận động
viên, huấn luyện viên đạt thành tích cao theo quy định hiện hành.
5. Sở Giáo dục - Đào tạo chủ trì phối hợp với Sở
Văn hoá, Thể thao và Du lịch, các ngành có liên quan thực hiện các giải pháp
nâng cao chất lượng thể dục thể thao trong trường học; phát hiện, cung cấp các
vận động viên năng khiếu cho đào tạo tập trung tại tuyến tỉnh, tạo điều kiện
cho học sinh chuyển học văn hóa về nơi tập luyện tập trung và học sinh tập
trung tập huấn, thi đấu các giải thể thao toàn quốc.
6. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hà
Nam, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch
thường xuyên tuyên truyền các hoạt động thể dục thể thao và thể thao thành tích
cao của tỉnh.
7. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phối hợp
với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai thực hiện Đề án; huy động các
nguồn lực đầu tư xây dựng thiết chế thể thao, đẩy mạnh phong trào tập luyện thể
dục thể thao trong nhân dân, góp phần phát triển thể thao thành tích cao của tỉnh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc
các Sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ,
Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Thủ trưởng
các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
Mai Tiến Dũng
|