Quyết định 40/2012/QĐ-TTg về quản lý tiền mẫu, tiền lưu niệm do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 40/2012/QĐ-TTg
Ngày ban hành 05/10/2012
Ngày có hiệu lực 12/12/2012
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 40/2012/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 05 tháng 10 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ TIỀN MẪU, TIỀN LƯU NIỆM

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về quản lý tiền mẫu, tiền lưu niệm.

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này quy định việc thiết kế, in, đúc, bảo quản, vận chuyển, giao nhận, cấp, bán tiền mẫu, tiền lưu niệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ngân hàng Nhà nước).

2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

3. Kho bạc Nhà nước; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khác.

4. Cơ sở in, đúc tiền.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. “Tiền mẫu” là tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành, có đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng như các loại tiền được Ngân hàng Nhà nước công bố lưu hành. Tiền mẫu được dùng làm chuẩn để đối chứng trong nghiệp vụ phát hành tiền, được sử dụng cho mục đích nghiên cứu, bảo tàng, giới thiệu, sưu tập, lưu niệm và không có giá trị làm phương tiện thanh toán trong lưu thông.

2. “Tiền lưu niệm” là đồng tiền tượng trưng không có giá trị làm phương tiện thanh toán, được phát hành cho mục đích sưu tập, lưu niệm.

Chương 2.

TIỀN MẪU

Điều 4. Tiền mẫu

1. Căn cứ vào mục đích, nhu cầu sử dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ số lượng, chủng loại tiền mẫu cần in, đúc.

2. Việc thiết kế, in, đúc tiền mẫu được thực hiện theo quy định như đối với thiết kế, in, đúc tiền; riêng tiền giấy mẫu được in chữ “Tiền mẫu” hoặc/và chữ “Specimen”, ngoài 2 hàng số seri tượng trưng (ở vị trí tương ứng như đối với tiền giấy) gồm 2 chữ cái và các chữ số “0”, ở mặt trước của tiền giấy mẫu được in thêm hàng số seri ở phần lề trắng để phục vụ cho việc quản lý tiền mẫu.

Điều 5. Đối tượng được cấp tiền mẫu

Căn cứ vào mục đích, nhu cầu sử dụng và số lượng tiền mẫu được in, đúc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cấp tiền mẫu cho các đối tượng sau:

1. Các đơn vị chức năng thuộc Ngân hàng Nhà nước.

2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước.

3. Các đơn vị thuộc các Bộ, ngành có liên quan trong công tác đấu tranh chống tiền giả.

[...]