Quyết định 391-TC/BH năm 1991 ban hành Quy tắc bảo hiểm tai nạn con người của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 391-TC/BH
Ngày ban hành 20/09/1991
Ngày có hiệu lực 20/09/1991
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Phạm Văn Trọng
Lĩnh vực Bảo hiểm

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 391-TC/BH

Hà Nội , ngày 20 tháng 9 năm 1991

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY TẮC BẢO HIỂM TAI NẠN CON NGƯỜI

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Nghị định số 155-HĐBT ngày 15-10-1988 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 45-QĐTC ngày 2-3-1989 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam;
Theo đề nghị của Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy tắc và biểu phí bảo hiểm tai nạn con người.

Điều 2. Khi xét thấy cần thiết, hàng năm Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam được phép điều chỉnh mức phí và mức trách nhiệm bảo hiểm cho phù hợp với tình hình biến động giá cả thị trường sau khi đã thoả thuận với các vụ chức năng của Bộ Tài chính.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các văn bản đã ban hành có liên quan trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 4. Các ông Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam, Chánh Văn phòng Bộ Tài chính, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương và thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Phạm Văn Trọng

(Đã Ký)

 

QUY TẮC

BẢO HIỂM TAI NẠN CON NGƯỜI
(Ban hành kèm theo QĐ số 391/TC-BH ngày 20-9-1991 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

I. NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1. Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam (BAOVIET) nhận bảo hiểm tai nạn cho mọi công dân Việt Nam từ 16 tuổi đến 70 tuổi và người nước ngoài đang học tập làm việc công tác tại Việt Nam (sau đây gọi là người được bảo hiểm) theo các điều khoản quy định trong Quy tắc này; loại trừ các đối tượng sau đây:

- Những người đang bị bệnh thần kinh,

- Những người đang bị tàn phế hoặc thương tật vĩnh viễn từ 50% trở lên.

Điều 2. Người được bảo hiểm theo Quy tắc này vẫn được tham gia và hưởng quyền lợi của các loại hình bảo hiểm khác.

II. PHẠM VI BẢO HIỂM

Điều 3. Tai nạn thuộc phạm vi bảo hiểm là những tai nạn xảy ra tại Việt Nam do:

- Một lực bất ngờ, ngoài ý muốn của người được bảo hiểm, từ bên ngoài tác động lên thân thể người được bảo hiểm và là nguyên nhân trực tiếp làm cho người được bảo hiểm bị chết hoặc thương tật thân thể.

- Người được bảo hiểm có hành động cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của nhân dân và tham gia chống các hành động phạm pháp.

Điều 4. Trường hợp người được bảo hiểm tham gia các cuộc thi đấu có tính chất chuyên nghiệp như: đua xe, đua ngựa, bóng đá, đấm bốc, leo núi, lướt ván, đua thuyền..., khảo sát, thám hiểm; khi xảy ra tai nạn chỉ được bảo hiểm với điều kiện người được bảo hiểm đã yêu cầu và thoả thuận đóng thêm phí bảo hiểm cho BAOVIET theo quy định tại "Biểu phí và số tiền bảo hiểm".

III. KHÔNG THUỘC TRÁCH NHIỆM BẢO HIỂM

Điều 5. Tai nạn xảy ra do những nguyên nhân sau đây không thuộc phạm vi bảo hiểm:

1. Người được bảo hiểm vi phạm nghiêm trọng pháp luật, nội quy, quy định của cơ quan, của chính quyền địa phương hoặc các tổ chức xã hội khác, vi phạm luật lệ an toàn giao thông;

2. Hành động cố ý tự gây ra tai nạn của người được bảo hiểm hoặc người thừa kế hợp pháp;

[...]