Quyết định 39/QĐ-TTCP năm 2013 về Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức, hoạt động của Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra do Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành

Số hiệu 39/QĐ-TTCP
Ngày ban hành 07/01/2013
Ngày có hiệu lực 07/01/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thanh tra Chính phủ
Người ký Huỳnh Phong Tranh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

THANH TRA CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 39/QĐ-TTCP

Hà Nội, ngày 07 tháng 01 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA VỤ GIÁM SÁT, THẨM ĐỊNH VÀ XỬ LÝ SAU THANH TRA

TỔNG THANH TRA CHÍNH PHỦ

Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 83/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Vụ trưởng Vụ Pháp chế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức, hoạt động của Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Vụ trưởng Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Lãnh đạo TTCP;
- Lưu VT, Vụ GS, TCCB.

TỔNG THANH TRA




Huỳnh Phong Tranh

 

QUY ĐỊNH

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA VỤ GIÁM SÁT, THẨM ĐỊNH VÀ XỬ LÝ SAU THANH TRA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 39/QĐ-TTCP ngày 07 tháng 01 năm 2013 của Tổng Thanh tra Chính phủ)

Chương 1.

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, NGUYÊN TẮC LÀM VIỆC

Điều 1. Vị trí và chức năng

Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra có chức năng giúp Tổng Thanh tra Chính phủ giám sát, kiểm tra hoạt động của Đoàn thanh tra; thẩm định dự thảo kết luận thanh tra do Đoàn thanh tra soạn thảo; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện kết luận thanh tra, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của Thanh tra Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đối với những vụ việc do Thanh tra Chính phủ báo cáo.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Chủ trì xây dựng trình Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động giám sát, kiểm tra Đoàn thanh tra; hoạt động đôn đốc, kiểm tra, xử lý sau thanh tra và hướng dẫn, kiểm tra các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện.

2. Giúp Tổng Thanh tra Chính phủ giám sát các đoàn thanh tra của Thanh tra Chính phủ theo Quy chế giám sát, kiểm tra hoạt động Đoàn thanh tra của Thanh tra Chính phủ.

3. Giúp Tổng Thanh tra Chính phủ kiểm tra hoạt động Đoàn thanh tra nhằm xem xét, làm rõ việc tố cáo hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến Trưởng Đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra để xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Thẩm định dự thảo kết luận thanh tra do Đoàn thanh tra soạn thảo trước khi Tổng Thanh tra Chính phủ ký ban hành kết luận thanh tra.

5. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện kết luận thanh tra, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của Thanh tra Chính phủ và của Thủ tướng Chính phủ đối với những vụ việc do Thanh tra Chính phủ báo cáo.

6. Nghiên cứu, đề xuất thanh tra, kiểm tra làm rõ những nội dung Đoàn thanh tra của Thanh tra Chính phủ thực hiện có dấu hiệu thiếu tính chính xác, hợp pháp.

7. Tổng hợp kết quả thực hiện kết luận thanh tra, kiến nghị và quyết định xử lý về thanh tra đối với các cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành.

8. Tổng kết kinh nghiệm hoạt động thực tiễn; tham gia nghiên cứu lý luận, nghiệp vụ về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng; đề xuất việc sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật.

[...]