Quyết định 39/2008/QĐ-BYT về Phương pháp chung chế biến các vị thuốc theo phương pháp cổ truyền do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 39/2008/QĐ-BYT
Ngày ban hành 15/12/2008
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Thị Xuyên
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
---------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 39/2008/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH “PHƯƠNG PHÁP CHUNG CHẾ BIẾN CÁC VỊ THUỐC THEO PHƯƠNG PHÁP CỔ TRUYỀN ”

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Nghị định số 188/2007/NĐ-CP ngày 27/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy Bộ Y tế;
Căn cứ Luật Dược số 34/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Y dược cổ truyền, Cục trưởng Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “ Phương pháp chung chế biến các vị thuốc theo phương pháp cổ truyền ”

Điều 2. “Phương pháp chung chế biến các vị thuốc theo phương pháp cổ truyền” là tài liệu áp dụng cho các cơ sở khám chữa bệnh và các cơ sở sản xuất thuốc Y học cổ truyền.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 4. Các Ông, Bà : Vụ trưởng Vụ Y dược cổ truyền, Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng các Cục thuộc Bộ Y tế, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Xuyên

 

PHƯƠNG PHÁP CHUNG

CHẾ BIẾN CÁC VỊ THUỐC THEO PHƯƠNG PHÁP CỔ TRUYỀN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 39/2008/QĐ-BYT ngày 15/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng.

1. Dược liệu dùng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền.

2. Dược liệu dùng để sản xuất thuốc y học cổ truyền, thuốc đông dược, thuốc từ dược liệu.

Điều 2. Giải thích từ ngữ.

Trong quyết định này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Dược liệu là một nguyên liệu có nguồn gốc từ thực vật, động vật hay khoáng vật.

2. Thuốc cổ truyền là một vị thuốc (sống hoặc chín) hay một chế phẩm thuốc được phối ngũ lập phương và bào chế theo phương pháp của y học cổ truyền từ một hay nhiều vị thuốc (có nguồn gốc từ thực vật, động vật hay khoáng vật) có tác dụng chữa bệnh hay có lợi cho sức khoẻ con người.

3. Dược liệu thô là những dược liệu chưa qua chế biến theo phương pháp y học cổ truyền.

4. Chế biến các vị thuốc theo phương pháp cổ truyền là quá trình làm thay đổi về chất và lượng của dược liệu thô (raw materials) thành vị thuốc đã được chế biến (processed herbal materials) theo các nguyên lý của y học cổ truyền.

5. Phụ liệu dùng trong chế biến các vị thuốc cổ truyền là những nguyên liệu được dùng trong các giai đoạn của quá trình chế biến nhằm có lợi cho việc điều trị, hạn chế tác dụng không mong muốn, mùi vị khó chịu của vị thuốc.

6. Chế biến dùng lửa là phương pháp sử dụng sự tác động của nhiệt khô ở mức độ khác nhau.

7. Sao trực tiếp là phương pháp sao dược liệu tiếp xúc trực tiếp với dụng cụ sao.

[...]