Quyết định 388-QĐ-CB2 năm 1964 ban hành quy chế về tổ chức học tập tại chức cho các lớp Đại học và trung học chuyên nghiệp trong ngành giao thông vận tải do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 388-QĐ-CB2
Ngày ban hành 08/05/1964
Ngày có hiệu lực 08/05/1964
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Nguyễn Tường Lân
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải,Giáo dục

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

 

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

Số: 388-QĐ-CB2

Hà Nội, ngày 08 tháng 05 năm 1964

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ TỔ CHỨC HỌC TẬP TẠI CHỨC CHO CÁC LỚP ĐẠI HỌC VÀ TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP TRONG NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ nghị định số 101-TTg ngày 11 tháng 10 năm 1962 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế chung về tổ chức các trường lớp tại chức trung cấp và đại học chuyên nghiệp;
Căn cứ đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ cán bộ và giáo dục;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. - Nay ban hành kèm theo quyết định này quy chế về tổ chức học tập tại chức cho các lớp đại học và trung học chuyên nghiệp để áp dụng trong ngành giao thông vận tải.

Điều 2. - Các ông Chánh văn phòng, Vụ trưởng Vụ cán bộ và giáo dục, Vụ trưởng Vụ Tài vụ, Vụ trưởng Vụ lao động tiền lương, các ông hiệu trưởng trường đại học giao thông vận tải, trường trung cấp giao thông, trung cấp đường sắt, trung cấp hàng hải, các ban lãnh đạo học tập các lớp, các ông thủ trưởng các cơ quan, các đơn vị căn cứ vào bản quy chế để thi hành.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Tường Lân

 

QUY CHẾ

VỀ TỔ CHỨC HỌC TẬP TẠI CHỨC CHO CÁC LỚP ĐẠI HỌC VÀ TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP TRONG NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI
(Ban hành kèm theo quyết định số 388-QĐ-CB2 ngày 08-05-1964)

Yêu cầu sản xuất ngày càng phát triển, việc nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ quản lý kinh tế cho cán bộ, công nhân viên trong ngành rất là cần thiết và cấp bách. Nhưng nếu cứ dựa vào các trường đại học và trung học chuyên nghiệp tập trung thì không thể đáp ứng được nhu cầu đào tạo. Vì vậy cần có biện pháp mở rộng diện học tập tại chức (buổi tối và gửi thư) là chủ yếu.

Hiện nay, phong trào học tập tại chức đã được phát triển và đang còn nhiều triển vọng phát triển. Trong thời gian tới cần đẩy mạnh phong trào học tập tại chức toàn diện hơn nữa bằng nhiều hình thức, như đào tạo theo chương trình dài hạn có hệ thống hoặc chuyển cấp hay bồi dưỡng chuyên đề từng mặt.

Đối với các trường trung học và đại học, để việc học của các lớp này đi vào nề nếp, mạnh mẽ, vững chắc và đảm bảo chất lượng, Bộ căn cứ vào các văn bản đã có của Nhà nước, tạm thời ban hành bản quy chế về tổ chức học tập tại chức áp dụng cho các lớp đại học và trung học để các cơ quan, các đơn vị thi hành cho thống nhất.

Chương 1

MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, ĐỐI TƯỢNG, TIÊU CHUẨN

Điều 1. - Mục đích mở các trường lớp đại học và trung học chuyên nghiệp tại chức là để đào tạo, chuyển cấp cho cán bộ, công nhân, nhân viên trong ngành có trình độ đại học và trung học chuyên nghiệp, nhằm nâng cao năng suất lao động, cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật và đáp ứng với nhu cầu của sản xuất và công tác.

Yêu cầu học tập là sau khi tốt nghiệp mỗi cán bộ phải có trình độ hiểu biết về văn hóa, kỹ thuật, nghiệp vụ, chính trị tương đương với những cán bộ tốt nghiệp ở các trường đại học và trung học chuyên nghiệp tập trung.

Điều 2. - Các trường lớp tại chức sẽ đào tạo bồi dưỡng cho những cán bộ, công nhân, nhân viên trong ngành có trình độ đại học và trung học về kỹ thuật và nghiệp vụ.

Chuyển cấp cho những cán bộ đủ tiêu chuẩn ở trình độ sơ cấp lên trình độ trung cấp và trung cấp lên trình độ đại học về kỹ thuật và nghiệp vụ.

Đào tạo hoặc chuyển cấp cho những cán bộ lãnh đạo đạt trình độ đại học và trung cấp chuyên nghiệp. Bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo về nghiệp vụ quản lý kinh tế.

Điều 3. - Tất cả học viên theo học các lớp tại chức là những cán bộ, công nhân, nhân viên trong biên chế của Nhà nước làm nghề nào theo học nghề ấy và phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Chính trị: Lịch sử phải rõ ràng, tư cách đạo đức, lập trường tư tưởng tốt. Tinh thần, thái độ công tác và học tập tốt, được cơ quan, đơn vị xét chọn cho theo học.

b) Văn hóa: Tất cả cán bộ, công nhân, nhân viên muốn theo học các lớp trung học phải có trình độ văn hóa hết lớp 7, theo học các lớp đại học phải có trình độ văn hóa hết lớp 10. Cán bộ lãnh đạo theo học các lớp quản lý phải có trình độ văn hóa hết lớp 6. Nếu những đơn vị nào cần đào tạo cán bộ nhưng đối với cán bộ, công nhân, nhân viên chưa đủ trình độ văn hóa như đã quy định ở trên thì có thể tuyển sinh với trình độ văn hóa thấp hơn và phải qua một thời gian bổ túc cho đến khi học hết chương trình văn hóa quy định, mới được công nhận chính khóa và như vậy thời gian toàn khóa học phải dài hơn.

c) Sức khỏe: Những học viên theo học các lớp trung cấp và đại học tại chức phải có đủ sức khỏe để vừa đảm bảo công tác vừa đảm bảo học tập tại chức phải có đủ sức khỏe để vừa đảm bảo công tác vừa đảm bảo học tập. Không mắc bệnh kinh niên, truyền nhiễm.

d) Tuổi: Nói chung không đặt điều kiện hạn chế tuổi, nhưng do thời gian đào tạo của những lớp phải kéo dài hoặc tùy từng ngành học có hạn chế tuổi thì Bộ sẽ có chỉ thị riêng.

e) Thâm niên:

1. Đối với lớp đào tạo: Những học viên muốn theo học các lớp đào tạo đạt trình độ trung cấp và đại học tại chức phải là những cán bộ, công nhân, nhân viên công tác liên tục trong nghề hai năm kể từ ngày tập sự cho đến ngày khai giảng lớp học tại chức.

2. Đối với các lớp chuyển cấp: Những học viên muốn theo học các lớp trung cấp (chuyển cấp) phải là những cán bộ sơ cấp đã tốt nghiệp và đã qua thời gian công tác một năm rưỡi, nếu là những cán bộ, công nhân có trình độ tương đương sơ cấp (chưa tốt nghiệp sơ cấp) thì ít nhất phải có thời gian hai năm làm nhiệm vụ sơ cấp.

[...]