Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 3812/QĐ-UBND năm 2014 về mức độ đạt chuẩn của từng tiêu chí trên địa bàn xã phục vụ cho việc xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới do tỉnh Quảng Nam ban hành

Số hiệu 3812/QĐ-UBND
Ngày ban hành 02/12/2014
Ngày có hiệu lực 02/12/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Lê Phước Thanh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 3812/QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 02 tháng 12 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG VÀ BÃI BỎ MỘT SỐ NỘI DUNG TẠI QUYẾT ĐỊNH SỐ 2361/QĐ-UBND NGÀY 01/8/2014 CỦA UBND TỈNH BAN HÀNH QUY ĐỊNH VIỆC ĐÁNH GIÁ VÀ XÉT CÔNG NHẬN XÃ ĐẠT CHUẨN NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; Quyết định số 342/QĐ-TTg ngày 20/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi một số tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;

Căn cứ Quyết định số 372/QĐ-TTg ngày 14/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc xét công nhận và công bố địa phương đạt chuẩn nông thôn mới;

Căn cứ Thông tư số 41/2013/TT-BNNPTNT ngày 04/10/2013 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;

Căn cứ Quyết định số 2361/QĐ-UBND ngày 01/8/2014 của UBND tỉnh ban hành quy định việc đánh giá và xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Nam;

Xét đề nghị của Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh tại Tờ trình số 31/TTr-VPĐPNTM ngày 20/11/2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số nội dung tại Quyết định số 2361/QĐ-UBND ngày 01/8/2014 của UBND tỉnh, cụ thể như sau:

1. Bổ sung gạch đầu dòng (-) thứ 5, Điểm b, Khoản 2, Điều 4, Tiêu chí giao thông (tiêu chí số 2):

- Tiêu chuẩn các loại đường giao thông theo cấp A, B, C nêu trên là tiêu chuẩn tối thiểu để đạt chuẩn theo quy định; tùy tình hình thực tế về nhu cầu phục vụ dân sinh và điều kiện nguồn lực của địa phương, có thể thiết kế cao hơn so với tiêu chuẩn tối thiểu.

2. Sửa đổi, bổ sung gạch đầu dòng (-) thứ 4, Điểm a, Khoản 2, Điều 6, Tiêu chí điện nông thôn (tiêu chí số 4):

- Việc đánh giá hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện thực hiện theo hướng dẫn của Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam tại Công văn số 290/SCT-QLĐN ngày 25/3/2014 về việc hướng dẫn cơ bản tiêu chí về điện đối với xã xây dựng nông thôn mới.

Đối với đường dây dẫn điện đi qua các khu vực dân cư tập trung, khu vực công cộng khuyến khích sử dụng dây bọc cách điện để đảm bảo an toàn.

Hằng năm, Sở Công Thương có báo cáo mức độ đạt tiêu chí điện trên địa bàn tỉnh cho Ban Chỉ đạo tỉnh để làm cơ sở cho việc xét công nhận đạt tiêu chí điện nông thôn.

3. Sửa đổi, bổ sung dấu (+) thứ nhất của gạch đầu dòng (-) thứ 2, Khoản 2, Điều 11, Tiêu chí nhà ở dân cư (tiêu chí số 9):

+ Đảm bảo yêu cầu “3 cứng” (nền cứng, khung cứng, mái cứng).

Đối với kết cấu nhà gỗ, nhà sàn: nền cứng (bê tông xi măng, sàn gỗ); khung tường cứng (khung gỗ, ván); mái cứng (ngói, tole, fibro xi măng hoặc vật liệu khác phù hợp với tập quán, văn hóa và điều kiện của người dân tại địa phương).

Đối với kết cấu nhà bê tông cốt thép: nền cứng (bê tông xi măng); khung tường cứng (bê tông cốt thép, tường chịu lực), mái cứng (ngói, tole, sàn đúc, fibro xi măng).

Kết cấu nhà có thể kết hợp 2 hình thức nêu trên.

4. Sửa đổi, bổ sung Điểm c, Khoản 2, Điều 16, Tiêu chí giáo dục (tiêu chí số 14):

c) Lao động qua đào tạo là số lao động trong độ tuổi có khả năng lao động đã được tham gia các khóa bồi dưỡng dạy nghề ngắn hạn hoặc đào tạo trung hạn, dài hạn (chính quy hoặc không chính quy) được cấp các loại chứng chỉ, văn bằng như: chứng chỉ học nghề, bằng trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề, cao đẳng và đại học.

Trường hợp lao động có hộ khẩu thường trú tại xã tự học nghề hoặc được truyền nghề, có tay nghề đáp ứng yêu cầu công việc, tạo được thu nhập ổn định từ nghề nghiệp tự học, nhưng không có chứng chỉ nghề hoặc văn bằng từ trung cấp chuyên môn nghiệp vụ trở lên (gọi là lao động tự học nghề (1)), thì những lao động này cũng được tính vào số lao động qua đào tạo.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo là tỷ lệ phần trăm giữa số lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học và tự học nghề trên tổng số lao động trong độ tuổi của xã.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo (%)

=

Số lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học và tự học nghề

x 100

Tổng số lao động trong độ tuổi của xã

UBND cấp xã tổng hợp, lập danh sách lao động tự học nghề để quản lý, đồng thời báo cáo Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội cấp huyện để thẩm tra, thống nhất bằng văn bản trước khi tính lao động tự học nghề vào số lao động qua đào tạo.

[...]