Quyết định 38/2006/QĐ-NHNN về Quy chế kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật của Ngân hàng Nhà nước do Thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước ban hành.

Số hiệu 38/2006/QĐ-NHNN
Ngày ban hành 01/08/2006
Ngày có hiệu lực 31/08/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Ngân hàng Nhà nước
Người ký Đặng Thanh Bình
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
 
 *******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
 *******

 Số: 38/2006/QĐ-NHNN

Hà Nội , ngày 01 tháng 08 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 1997; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 52/2003/NĐ-CP ngày 19/5/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật;
Căn cứ Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và doanh nghiệp Nhà nước;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế,

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật của Ngân hàng Nhà nước.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC  
PHÓ THỐNG ĐỐC  




Đặng Thanh Bình  

 

QUY CHẾ

KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 38/2006/QĐ-NHNN ngày 01/08/2006 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định về công tác kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật của Ngân hàng Nhà nước và trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước trong việc kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật.

Điều 2. Các văn bản được kiểm tra và xử lý

1. Các văn bản quy phạm pháp luật do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (sau đây gọi tắt là Thống đốc) ban hành hoặc liên tịch ban hành bao gồm:

a) Quyết định, chỉ thị, thông tư của Thống đốc;

b) Văn bản quy phạm pháp luật liên tịch giữa Ngân hàng Nhà nước với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội.

2. Các văn bản khác của Ngân hàng Nhà nước khi có yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của cơ quan, tổ chức, các cơ quan thông tin đại chúng và của cá nhân, bao gồm:

a) Văn bản do Thống đốc ký có chứa quy phạm pháp luật nhưng không được ban hành bằng hình thức văn bản quy phạm pháp luật;

b) Văn bản có thể thức và nội dung như văn bản quy phạm pháp luật (quyết định, chỉ thị, thông tư), văn bản có thể thức không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật (công văn, thông báo, quy chế, điều lệ, chương trình, kế hoạch và các hình thức khác) do Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước ban hành (bao gồm cả văn bản có thể thức và nội dung như trên được ký thừa lệnh).

3. Các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến tiền tệ và hoạt động ngân hàng do các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ khác, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành bao gồm: Quyết định, chỉ thị, thông tư, thông tư liên tịch của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; quyết định, chỉ thị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Điều 3. Mục đích của công tác kiểm tra và xử lý văn bản

Công tác kiểm tra và xử lý văn bản được tiến hành nhằm phát hiện những nội dung trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong các văn bản được quy định tại Điều 2 của Quy chế này để kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản kịp thời đình chỉ việc thi hành, sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, đồng thời xác định trách nhiệm của cá nhân, đơn vị đã tham gia ban hành văn bản trái pháp luật.

[...]