Quyết định 3729/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Đề án “Củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2025”

Số hiệu 3729/QĐ-UBND
Ngày ban hành 17/11/2021
Ngày có hiệu lực 17/11/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Hồ An Phong
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3729/QĐ-UBND

Quảng Bình, ngày 17 tháng 11 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “CỦNG CỐ, KIỆN TOÀN VÀ NÂNG CAO NĂNG LỰC ĐỘI NGŨ HÒA GIẢI VIÊN Ở CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2021 - 2025”

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở;

Căn cứ Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT-CP-UBMTTQVN ngày 18/11/2014 của Chính phủ và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 2321/TTr-STP ngày 15/10/2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án “Củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021 - 2025” với những nội dung chủ yếu sau:

1. Tên Đề án: Đề án “Củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021 - 2025”.

2. Đơn vị chủ trì và thực hiện Đề án: Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình.

3. Thời gian thực hiện Đề án: Giai đoạn 2021 - 2025.

4. Quan điểm chỉ đạo

a) Quán triệt đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về hòa giải ở cơ sở; gắn công tác hòa giải ở cơ sở với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.

b) Bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải; kế thừa, phát triển những kết quả đã đạt được, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập từ thực tiễn công tác hòa giải ở cơ sở thời gian qua. Tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên bằng các giải pháp cụ thể, thiết thực, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tiết kiệm, hiệu quả, không trùng lặp, chồng chéo với nhiệm vụ thường xuyên tại địa phương.

c) Phát huy vai trò nòng cốt của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác hòa giải ở cơ sở; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ hòa giải viên. Huy động các nguồn lực xã hội; xây dựng đội ngũ hòa giải viên có trình độ, kỹ năng và nghiệp vụ hòa giải đáp ứng yêu cầu của công tác hòa giải ở cơ sở trong giai đoạn mới; khuyến khích các bên giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp bằng hình thức hòa giải ở cơ sở.

5. Mục tiêu Đề án

5.1. Mục tiêu tổng quát

a) Tiếp tục củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên theo Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ trong giai đoạn mới;

b) Xây dựng đội ngũ hòa giải viên có phẩm chất, năng lực, trách nhiệm để tổ chức và thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở; tạo chuyển biến về chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, giải quyết kịp thời, hiệu quả các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật trong cộng đồng thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở; duy trì, củng cố đoàn kết trong nội bộ Nhân dân;

c) Phát huy đạo lý truyền thống tốt đẹp, thuần phong, mỹ tục của dân tộc; phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; giảm số vụ việc phải đưa ra Tòa án và các cơ quan nhà nước giải quyết; tiết kiệm thời gian, chi phí của xã hội và của Nhà nước.

5.2. Mục tiêu cụ thể

a) Hoàn thành Bộ tài liệu tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ờ cơ sở; biên soạn các tài liệu tập huấn, bồi dưỡng có nội dung phù hợp với thực tiễn tại địa phương;

b) Đăng tải Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở và các tài liệu tập huấn, bồi dưỡng, các ấn phẩm khác về hòa giải ở cơ sở trên Trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành có liên quan và các địa phương; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải ở cơ sở và đội ngũ tập huấn viên;

c) Hòa giải viên ở cơ sở được củng cố, kiện toàn có đủ tiêu chuẩn, năng lực thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở, đáp ứng nhu cầu giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật trong cộng đồng dân cư bằng biện pháp hòa giải ở cơ sở;

d) Từ năm 2021 - 2025, phấn đấu 100% hòa giải viên ở cơ sở được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở theo Chương trình khung và Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở; phấn đấu ít nhất 70% Tổ trưởng Tổ hòa giải được tập huấn chuyên sâu nghiệp vụ hòa giải.

6. Phạm vi, đối tượng của Đề án

[...]