Quyết định 368/QĐ-TTg năm 2024 phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 368/QĐ-TTg
Ngày ban hành 04/05/2024
Ngày có hiệu lực 04/05/2024
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phạm Minh Chính
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 368/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 04 tháng 5 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 15 tháng 6 năm 2018;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09 tháng 01 năm 2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch; Nghị định số 58/2023/NĐ-CP ngày 12 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch;

Căn cứ Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 08 tháng 02 năm 2023 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết số 30/NQ-TW ngày 23 tháng 11 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn 2045;

Căn cứ Quyết định số 492/QĐ-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 3179/TTr-BKHĐT ngày 26 tháng 4 năm 2024 về phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Báo cáo thẩm định số 11/BC-HĐTĐ ngày 23 tháng 01 năm 2024 của Hội đồng thẩm định quy hoạch vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những nội dung sau:

I. PHẠM VI, RANH GIỚI LẬP QUY HOẠCH

Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng bao gồm toàn bộ lãnh thổ đất liền, các đảo, quần đảo và không gian biển của 11 tỉnh, thành phố: Thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng, các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình. Phía Bắc, Đông Bắc và phía Tây, Tây Nam giáp vùng trung du và miền núi phía Bắc; phía Nam giáp vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; phía Đông giáp Vịnh Bắc Bộ.

II. QUAN ĐIỂM, TẦM NHÌN, MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Quan điểm phát triển:

a) Vùng đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, là động lực phát triển hàng đầu, có vai trò dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước để tạo đột phá phát triển nhanh, bền vững. Phát triển vùng phải phát huy vai trò và khai thác hiệu quả các thế mạnh về địa chính trị, địa kinh tế, điều kiện tự nhiên và các giá trị văn hoá, lịch sử; các hành lang, vành đai kinh tế, cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế, hệ thống đô thị; phải bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cả nước giai đoạn 2021 - 2030, Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, các chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực quốc gia có liên quan; bảo đảm sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa và sự phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch ngành quốc gia;

b) Phát triển và cơ cấu lại kinh tế vùng phải dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của vùng; phải phát huy hiệu quả các trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ, các trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu quốc gia để chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng công nghiệp và dịch vụ hiện đại, nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn, bảo đảm vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái dẫn đầu cả nước. Phát triển hiệu quả, bền vững kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển;

c) Phát triển kinh tế hài hoà với phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá, giá trị lịch sử, nhất là văn hóa đồng bằng Bắc Bộ. Coi văn hóa và các giá trị truyền thống là nguồn lực phát triển hướng tới nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị. Phát triển văn hóa, y tế, giáo dục - đào tạo bảo đảm chất lượng cao, hiện đại, tương đương với các quốc gia phát triển trong khu vực;

d) Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm tổ chức không gian hợp lý, hiệu quả, thống nhất, liên kết nội vùng, liên vùng, khu vực và quốc tế, phát huy tối đa những lợi thế của vùng và tác động lan tỏa của các vùng động lực, cực tăng trưởng, các hành lang kinh tế và các cảng quốc tế. Tổ chức không gian phát triển vùng phải gắn kết giữa khu vực đất liền với không gian biển; quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả không gian ngầm, vùng biển, vùng trời. Chú trọng việc kết nối các hành lang kinh tế trong nước với các hành lang kinh tế của khu vực và quốc tế. Ưu tiên bố trí nguồn lực cho các công trình động lực, có tính lan toả, kết nối vùng;

đ) Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên đất, nước, rừng, biển; tài nguyên số, không gian số; bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước; bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và nâng cao chất lượng đa dạng sinh học, nhất là rừng ngập mặn; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia thượng nguồn và các tổ chức quốc tế, các địa phương ngoại vùng trong việc bảo vệ và sử dụng có hiệu quả tài nguyên nước ở lưu vực sông Hồng;

e) Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh biên giới, vùng biển và hải đảo; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.

2. Tầm nhìn đến năm 2050

Đồng bằng sông Hồng là vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái, thu nhập cao; là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới; trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hoá, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số, y tế và chăm sóc sức khoẻ Nhân dân. Các ngành công nghiệp phát triển với công nghệ hiện đại, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp mới, công nghệ cao và chủ động trong các khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo. Hình thành các trung tâm dịch vụ lớn mang tầm khu vực và thế giới về thương mại, du lịch, tài chính, logistics ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Phát triển nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả cao. Phát triển hệ thống đô thị vùng theo hướng xanh, thông minh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, có cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có môi trường và chất lượng sống đô thị cao, có vai trò, vị thế xứng đáng trong mạng lưới đô thị châu Á - Thái Bình Dương. Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa, tiêu biểu cho cả nước; ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.

3. Mục tiêu đến năm 2030

[...]
10
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ