Quyết định 355-TTg năm 1996 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Cục Phòng chống lụt bão và quản lý đê điều trực thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 355-TTg |
Ngày ban hành | 28/05/1996 |
Ngày có hiệu lực | 28/05/1996 |
Loại văn bản | Quyết định |
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký | Phan Văn Khải |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính,Tài nguyên - Môi trường |
THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 355-TTg |
Hà Nội, ngày 28 tháng 5 năm 1996 |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Nghị định số 73/CP ngày 1 tháng 11 năm 1995 của Chính phủ về chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng,
Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Cục Phòng chống lụt bão và quản lý đê điều là cơ quan trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về phòng chống lụt bão và quản lý đê điều trong phạm vi cả nước.
Cục Phòng chống lụt bão và quản lý đê điều kiêm văn phòng thường trực của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương và Văn phòng thường trực của Uỷ ban quốc gia của Việt Nam về "Thập kỷ quốc tế giảm nhẹ thiên tai".
Cục Phòng chống lụt bão và quản lý đê điều có tư cách pháp nhân, có con dấu, kinh phí hoạt động do Ngân sách Nhà nước cấp, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước.
Trụ sở của Cục đặt tại thành phố Hà Nội, có đặt đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng.
Điều 2. Cục Phòng chống lụt bão và quản lý đê điều có những nhiệm vụ và quyền hạn chủ yếu sau đây:
1. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch về xây dựng và quản lý đê điều, về phân lũ, phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.
2. Xây dựng các văn bản pháp quy về phòng chống lụt bão, về quản lý đê điều và quản lý lòng sông thoát lũ; xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn định mức kinh tế kỹ thuật chuyên ngành về xây dựng và quản lý đê điều, phòng chống lụt bão và tổ chức chỉ đạo thực hiện.
Hướng dẫn, chỉ đạo kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên ngành đối với các cơ quan phòng chống lụt bão, quản lý đê điều của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
3. Thực hiện các nhiệm vụ về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai do Nhà nước và Bộ giao.
4. Quản lý việc đầu tư tu bổ thường xuyên và xây dựng mới về đê điều theo quy định của Chính phủ.
Đề xuất các giải pháp và tổ chức thực hiện việc huy động các nguồn lực của Trung ương và địa phương để bảo đảm an toàn hệ thống đê điều trong trường hợp khẩn cấp.
5. Trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn việc cấp giấy các hoạt động và xây dựng có liên quan tới an toàn đối với đê từ cấp III đến cấp đặc biệt và việc thoát lũ của lòng sông có ảnh hưởng từ 2 tỉnh trở lên như cắt xẻ đê, cho xe cơ giới đi lại trên đê, xây dựng công trình, khoan, đào thăm dò, khai thác tài nguyên, khoáng sản, vật liệu xây dựng, nạo vét luồng lạch trong phạm vi bảo vệ đê điều và lòng sông thoát lũ. Quản lý việc cấp giấy phép nói trên và kiểm tra, phát hiện, xử lý theo thẩm quyền các vi phạm trong việc chấp hành giấy phép.
6. Tổ chức theo dõi, cập nhật về tình hình mưa bão, lũ trong cả nước; kịp thời đề xuất việc phòng chống lụt bão, phương án kỹ thuật xử lý các sự cố phức tạp của đê điều và lụt bão quá khả năng xử lý của địa phương; xây dựng và chỉ đạo thực hiện các phương án đối phó khi xẩy ra lụt, bão và khắc phục hậu quả lụt bão để giảm nhẹ thiệt hại về người và tài sản.
7. Đề xuất việc điều tiết của hồ Hoà Bình, hồ Thác Bà, phân lũ sông Đáy và điều tiết lũ ở các triền sông khác trong trường hợp có lũ lớn vượt quá mức nước lũ thiết kế đối với tuyến đê đó.
Tổ chức quản lý công trình đầu mối phân lũ sông Đáy; thực hiện phân lũ khi có lệnh của cấp có thẩm quyền.
8. Chỉ đạo ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ thuộc chuyên ngành phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai và quản lý đê điều.
Thực hiện việc hợp tác quốc tế về chuyên ngành phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai và quản lý đê điều theo sự phân công của Bộ.
9. Kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ đê điều, phòng chống lụt bão trong phạm vi toàn quốc.
10. Thực hiện nhiệm vụ Văn phòng thường trực của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương theo quy định tại Nghị định số 168/HĐBT ngày 19 tháng 5 năm 1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) và Văn phòng thường trực của Uỷ ban quốc gia của Việt Nam về "Thập kỷ quốc tế giảm nhẹ thiên tai" theo quy định tại Quyết định số 11/CT ngày 7 tháng 1 năm 1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ).
11. Quản lý tổ chức, biên chế và tài sản được giao theo đúng quy định của Nhà nước.
Điều 3. Tổ chức bộ máy của Cục Phòng chống lụt bão và quản lý đê điều:
1. Cục do Cục trưởng lãnh đạo và có các Phó Cục trưởng giúp việc Cục trưởng.
Cục trưởng Cục Phòng chống lụt bão và quản lý đê điều chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về toàn bộ hoạt động của cục. Các phó Cục trưởng chịu trách nhiệm trước Cục trưởng theo nhiệm vụ được phân công.