UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 34/2012/QĐ-UBND
|
Thái Nguyên, ngày 23 tháng 10 năm
2012
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH CƠ CHẾ HỖ
TRỢ LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI
NGUYÊN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn;
Căn cứ Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
theo hợp đồng ngày 29/11/2006;
Căn cứ Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 của Thủ
tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất
khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020;
Căn cứ Quyết định số 512/QĐ-TTg ngày 29/4/2012 của Thủ tướng
Chính phủ về giao dự toán chi thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia năm
2012;
Căn cứ Thông tư Liên bộ số 31/2009/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày
09/9/2009 của Liên Bộ Lao động Thương binh xã hội - Bộ Tài chính hướng dẫn thực
hiện một số nội dung Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng
Chính phủ;
Căn cứ Quyết định số 630/QĐ-LĐTBXH ngày 19/5/2010 của Bộ
trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc Quy định tạm thời đơn giá đào
tạo nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cho người lao động thuộc các huyện
nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng
Chính phủ;
Thực hiện việc Hướng dẫn thực hiện dự án hỗ trợ đưa lao động
đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2012 tại Công văn số
1083/QLLĐNN-KHTC ngày 03/8/2012 của Cục Quản lý lao động ngoài nước;
Xét đề nghị của Sở Tài chính tại Tờ trình số 1757/TTr-STC
ngày 28/9/2012 về việc đề nghị ban hành quy định cơ chế hỗ trợ lao động đi làm
việc ở nước ngoài theo hợp đồng và ý kiến thẩm định văn bản của Sở Tư pháp tại
Công văn số 350/STP-XDVB ngày 05/10/2012,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Quy định cơ chế hỗ trợ lao động đi làm
việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký; Sở Lao
động Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn, kiểm
tra các đơn vị, địa phương thực hiện.
Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, ngành: Lao động
Thương binh và Xã hội, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ
tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã; Thủ trưởng các cơ quan, đơn
vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Dương Ngọc Long
|
QUY ĐỊNH
CƠ CHẾ HỖ TRỢ LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC Ở
NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 34 /2012/QĐ-UBND ngày 23 /10/2012 của Ủy
ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định việc thực hiện dự án hỗ trợ đưa lao
động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
2. Đối tượng áp dụng:
a) Người lao động là con, vợ, chồng của người có công;
b) Người lao động thuộc hộ nghèo theo tiêu chuẩn quy định
hiện hành của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội;
c) Người dân tộc thiểu số;
Người lao động là một trong các đối tượng trên, có hộ khẩu
thường trú tại tỉnh Thái Nguyên, trong độ tuổi lao động, đủ điều kiện và có
nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 2. Nội dung và mức hỗ trợ
1. Hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn (nếu có):
a) Nghề hàn trình độ 3G: 3.000.000 đồng/học viên/khoá học;
b) Nghề hàn trình độ 6G: 3.000.000 đồng/học viên/khoá học;
c) Nghề phục vụ khách sạn, nhà hàng: 2.620.000 đồng/học
viên/khoá học;
d) Nghề điều dưỡng viên: 3.000.000 đồng/học viên/khoá học;
đ) Nghề xây, trát, láng trong xây dựng: 2.710.000 đồng/học
viên/khoá học;
e) Nghề gia công, lắp đặt và tháo dỡ giàn giáo trong xây
dựng: 1.900.000 đồng/học viên/khoá học;
f) Nghề lắp đặt điện sinh hoạt trong xây dựng: 2.210.000 đồng/học
viên/khoá học;
g) Nghề lắp đặt đường ống cấp, thoát nước trong xây dựng:
3.000.000 đồng/học viên/khoá học;
h) Nghề ốp, lát trong xây dựng: 3.000.000 đồng/học viên/khoá
học;
i) Nghề may công nghiệp: 3.000.000 đồng/học viên/khoá học.
2. Hỗ trợ học chi phí học ngoại ngữ:
a) Tiếng Anh: 2.650.000 đồng/học viên/khoá (300 giờ);
b) Tiếng Trung Quốc: 2.650.000 đồng/học viên/khoá (300 giờ);
c) Tiếng Hàn Quốc: 3.000.000 đồng/học viên/khoá (300 giờ);
d) Tiếng Nhật Bản: Áp dụng cho lao động đi tu nghiệp tại
Nhật Bản thông qua doanh nghiệp: 3.000.000 đồng/học viên/khoá (300 giờ).
3. Hỗ trợ chi phí bồi dưỡng kiến thức cần thiết: 532.000 đồng/học
viên/khoá học.
4. Hỗ trợ tiền ăn hàng ngày cho người lao động trong thời
gian học: 15.000 đồng/người/ngày.
5. Hỗ trợ tiền đi lại 01 lượt đi và về cho người lao động từ
nơi cư trú đến nơi học đối với các học viên ở cách địa điểm học trên 15 km,
tính khoán: 500 đồng/km nhưng không quá 200.000 đồng/người.
6. Hỗ trợ các chi phí làm thủ tục trước khi đi làm việc ở
nước ngoài: Hộ chiếu, visa, phí khám sức khoẻ (sơ khám và khám trước khi xuất
cảnh), lệ phí làm lý lịch tư pháp (nếu có) theo mức quy định hiện hành của nhà
nước.
Người lao động chỉ được hỗ trợ một lần cho từng nội dung hỗ
trợ. Trong trường hợp chi phí thực tế cao hơn mức hỗ trợ nêu trên thì học viên
tham gia khoá học đóng góp hoặc doanh nghiệp hỗ trợ.
Điều 3. Hình thức hỗ trợ
1. Kinh phí hỗ trợ học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức
cần thiết cho người lao động được chi trả thông qua hợp đồng đặt hàng giữa Sở
Lao động Thương binh và Xã hội với doanh nghiệp xuất khẩu lao động theo quy định
tại Quyết định số 39/2008/QĐ-TTg ngày 14/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ ban
hành quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công
sử dụng ngân sách nhà nước. Trường hợp doanh nghiệp không có cơ sở đào tạo trực
thuộc thì doanh nghiệp phải liên kết với cơ sở đào tạo có đủ năng lực để tiến
hành đào tạo nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao
động theo yêu cầu của từng hợp đồng.
2. Chi phí làm thủ tục đi làm việc ở nước ngoài, tiền ăn,
tiền đi lại: Sở Lao động Thương binh và Xã hội căn cứ vào tình hình thực tế để
quyết định hình thức hỗ trợ.
Điều 4. Quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí
Việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dự án thực hiện
theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 5. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương
1. Sở Lao động Thương binh và Xã hội
a) Căn cứ vào chỉ tiêu giải quyết việc làm, xây dựng kế
hoạch và hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, thị xã phối hợp với doanh nghiệp
xuất khẩu lao động tuyển chọn lao động thuộc đối tượng hỗ trợ, có nguyện vọng
và đủ điều kiện đi làm việc ở nước ngoài theo yêu cầu của từng hợp đồng, từng
thị trường và hướng dẫn người lao động đã được sơ tuyển làm đơn đề nghị hỗ trợ
kinh phí (theo mẫu tại phụ lục số 01-Ban hành kèm theo công văn số
1083/QLLĐNN-KHTC ngày 03/8/2012 của Cục Quản lý lao động ngoài nước).
b) Lựa chọn doanh nghiệp không bị xử phạt vi phạm hành chính
về tuyển chọn và đào tạo lao động trong thời gian 12 tháng (tính đến ngày đăng
ký) có nhu cầu tham gia dự án để ký hợp đồng đặt hàng đào tạo đưa lao động địa
phương đi làm việc ở nước ngoài và thanh lý hợp đồng theo nội dung và mức hỗ
trợ của Quy định (theo mẫu tại phụ lục số 02-Ban hành kèm theo công văn số
1083/QLLĐNN-KHTC ngày 03/8/2012 của Cục Quản lý lao động ngoài nước).
c) Báo cáo Cục Quản lý lao động ngoài nước và Uỷ ban nhân
dân tỉnh về tiến độ triển khai và kết quả thực hiện dự án tại địa phương.
2. Sở Tài chính
Phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực
hiện kiểm tra, giám sát kết quả sử dụng nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc
gia về việc làm.
3. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã
a) Chỉ đạo các phòng chức năng, các tổ chức đoàn thể phối
hợp với doanh nghiệp xuất khẩu lao động tuyển chọn và hướng dẫn đối tượng hưởng
hỗ trợ theo đúng Quy định.
- Tuyên truyền tới người dân địa phương về chính sách hỗ trợ
trên để người lao động có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài đăng ký.
4. Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn
a) Tuyên truyền tới người dân địa phương về chính sách hỗ
trợ trên để người lao động có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài đăng ký.
b) Hỗ trợ người lao động hoàn thiện hồ sơ để hưởng hỗ trợ,
chịu trách nhiệm xác nhận đối tượng có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài.
Điều 6. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc các cơ quan, đơn vị, địa
phương cần phản ánh kịp thời về Sở Tài chính tỉnh và Sở Lao động Thương binh và
Xã hội tỉnh Thái Nguyên (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động của
tỉnh) để phối hợp nghiên cứu, đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung cho
phù hợp với tình hình thực tế./.