Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 3399/QĐ-BCT năm 2010 phê duyệt Quy hoạch phát triển Ngành công nghiệp chế biến sữa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

Số hiệu 3399/QĐ-BCT
Ngày ban hành 28/06/2010
Ngày có hiệu lực 28/06/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Vũ Huy Hoàng
Lĩnh vực Doanh nghiệp

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 3399/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 28 tháng 6 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN SỮA VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2025

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 7 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều, của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt, quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển Ngành công nghiệp chế biến sữa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 với các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Quan điểm phát triển

a) Phát triển ngành công nghiệp sản xuất sữa trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh của từng vùng, từng địa phương, phát huy hết năng lực chế biến sẵn có: Huy động tiềm lực của mọi thành phần kinh tế vào phát triển ngành gắn với phát triển vùng nguyên liệu. Bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị dinh dưỡng, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường sinh thái.

b) Phát triển ngành trên cơ sở áp dụng công nghệ, thiết Bị tiên tiến, không ngừng đổi mới và cải tiến công nghệ để nâng cao chất lượng và đa dạng sản phẩm, nghiên cứu sản xuất sản phẩm mới với chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tập trung xây dựng thương hiệu quốc gia mạnh cho một số sản phẩm sữa Việt Nam để cạnh tranh hiệu quả trong hội nhập kinh tế quốc tế

c) Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển đàn bò sữa để tăng dần tỷ lệ tự túc nguyên liệu trong nước, giảm dần tỷ lệ sữa nguyên liệu nhập khẩu.

2. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu tổng quát: Từng bước xây dựng ngành công nghiệp chế biến sữa Việt Nam phát triển bền vững theo hướng hiện đại, đồng bộ từ sản xuất nguyên liệu đến thành phẩm, có khả năng cạnh tranh để chủ động hội nhập với khu vực và thế giới, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội và một phần xuất khẩu

b) Mục tiêu cụ thể:

- Năm 2015 cả nước sản xuất 1,9 tỷ lít quy ra sữa tươi, tiêu thụ đạt trung bình 21 lít/người 1 năm. Sữa tươi sản xuất trong nước đạt 660 triệu lít đáp ứng 35% nhu cầu Kim ngạch xuất khẩu đạt 90-100 triệu USD.

- Năm 2020 cả nước sản xuất 2,6 tỷ lít quy ra sữa tươi, tiêu thụ đạt trung bình 27 lít/người 1 năm. Sữa tươi sản xuất trong nước đạt 1 tỷ lít đáp ứng 38% nhu cầu Kim ngạch xuất khẩu đạt 120- 130 triệu USD.

- Năm 2025 cả nước sản xuất 3,4 tỷ lít quy ra sữa tươi, tiêu thụ đạt trung bình 34 lít/người 1 năm. Sữa tươi sản xuất trong nước đạt 1,4 tỷ lít đáp ứng 40% nhu cầu. Kim ngạch xuất khẩu đạt 150-200 triệu USD.

3. Định hướng phát triển

a) Phát triển ngành theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất sạch hơn, xử lý chất thải triệt để, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.

b) Tiếp tục đầu tư mới và mở rộng các cơ sở sản xuất sẵn có nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và dành một phần xuất khẩu. Tập trung phát triển năng lực sản xuất sữa thanh trùng và tiệt trùng, sữa bột và sữa chua. Các nhà máy xây dựng mới phải áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại để sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, đa dạng về chủng loại và mẫu mã.

c) Phát triển công nghiệp chế biến sữa theo hướng tăng dần tỷ lệ sử dụng nguyên liệu sữa tươi trong nước và giảm dần tỷ lệ nguyên liệu sữa: bột nhập ngoại. Phát triển công nghiệp chế biến sữa gắn chặt với việc phát triển đàn bò sữa trong nước. Các cơ sở chế biến sữa phải có chương trình đầu tư cụ thể phát triển đàn bò sữa. Bố trí địa điểm xây dựng các nhà máy chế biến sữa gắn với các trung tâm tiêu thụ sản phẩm và vùng chăn nuôi bò sữa tập trung.

4. Quy hoạch phát triển sản phẩm và quy hoạch phân bố năng lực sản xuất theo vùng lãnh thổ

a) Quy hoạch sản phẩm (chi tiết xem phụ lục 1 kèm theo Quyết định này).

- Sản xuất sữa thanh, tiệt trùng:

Năm 2010 sản xuất sữa thanh, tiệt trùng đạt 480 triệu lít; năm 2015 đạt 780 triệu lít; năm 2020 đạt 1.150 triệu lít; năm 2025 đạt 1.500 triệu lít.

- Sản xuất sữa đặc có đường:

Năm 2010 sản xuất sữa đặc có đường đạt 377 triệu hộp ; năm 2015 đạt 400 triệu hộp năm 2020 đạt 410 triệu hộp và năm 2025 đạt 420 triệu hộp.

- Sản xuất sữa chua:

Năm 2010 sản xuất sữa chua đạt 86 triệu lít; năm 2015 đạt 120 triệu lít; năm 2020 đạt 160 triệu lít và năm 2025 đạt 210 triệu lít.

[...]