Quyết định 3384/QĐ-BYT năm 2008 Hướng dẫn quy trình kỹ thuật đặt máy trợ thở tạo áp lực dương liên tục (CPAP-KSE) ở trẻ sơ sinh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 3384/QĐ-BYT
Ngày ban hành 10/09/2008
Ngày có hiệu lực 25/09/2008
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Thị Xuyên
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 3384/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 10 tháng 09 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH KỸ THUẬT ĐẶT MÁY TRỢ THỞ TẠO ÁP LỰC  DƯƠNG LIÊN TỤC (CPAP-KSE) Ở TRẺ SƠ SINH

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Nghị định số 188/2007/NĐ-CP ngày 27/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức Bộ Y tế;
Xét Biên bản họp Hội đồng chuyên môn nghiệm thu Hướng dẫn quy trình kỹ thuật đặt máy trợ thở tạo áp lực dương liên tục (CPAP-KSE) ở trẻ sơ sinh ngày 08 tháng 8 năm 2008;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y tế;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Hướng dẫn quy trình kỹ thuật đặt máy trợ thở tạo áp lực dương liên tục (CPAP-KSE) ở trẻ sơ sinh”.

Điều 2. “Hướng dẫn quy trình kỹ thuật đặt máy trợ thở tạo áp lực dương liên tục (CPAP-KSE) ở trẻ sơ sinh” áp dụng cho tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh có sử dụng máy CPAP-KSE dành cho trẻ sơ sinh.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký, ban hành.

Điều 4. Các Ông, Bà: Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y tế; Giám đốc các Bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ trưởng y tế các ngành chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu (để báo cáo);
- Các Đ/c Thứ trưởng (để biết);
- Các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế;
- Thanh tra Bộ Y tế;
- Website Bộ Y tế;
- Phòng HCQT II (51 Phạm Ngọc Thạch – TpHCM);
- Lưu: VT, KCB.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Xuyên

 

HƯỚNG DẪN

QUY TRÌNH KỸ THUẬT SỬ DỤNG MÁY TẠO ÁP LỰC DƯƠNG LIÊN TỤC (CPAP-KSE) Ở TRẺ SƠ SINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 3381/QĐ-BYT ngày 10 tháng 9 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

I. ĐẠI CƯƠNG

1. Máy và phương tiện sử dụng:

Máy CPAP gồm hệ thống tạo ra một dòng lưu lượng khí cung cấp liên tục cho người bệnh trong suốt chu kỳ thở và một dụng cụ tạo PEEP bằng cột nước đặt ở cuối đường thở để tạo ra áp lực dương trên đường thở (bubble CPAP) hoặc bằng van Benvenist (Sơ đồ xem Phụ lục 1).

CPAP là hệ thống dòng liên tục tạo ra áp lực dương trong đường thở như không có van và không có bộ phận cảm nhận áp lực.

2. Định nghĩa:

Thở áp lực dương liên tục (CPAP) là phương pháp hỗ trợ hô hấp cho trẻ sơ sinh bị suy hô hấp vẫn còn thở tự nhiên bằng cách duy trì một áp lực dương đường thở liên tục suốt chu kỳ thở.

3. Mục đích:

Thở CPAP giúp cho trẻ suy hô hấp vẫn còn thở tự nhiên luôn có một áp lực dương liên tục trên đường thở giúp các phế nang không bị xẹp cuối thì thở ra do đó làm tăng dung tích khí cặn chức năng, tăng trao đổi khí, cải thiện tình trạng oxy máu.

4. Nguyên lý và kỹ thuật thở CPAP

a. Loại CPAP

Thở CPAP có hai loại: (1) Hệ thống dòng liên tục (continous flow system) là một dòng khí liên tục tạo ra một áp lực dương trong hệ thống nhưng không có van và không có nhận cảm áp lực cho nên có thể khí trong đường thở giảm hơn với mức CPAP đã đặt.

(2) Hệ thống dòng yêu cầu (demand flow system) được dùng trong hầu hết các thiết bị hô hấp hiện đại. Loại này có một van nhận cảm áp lực đặt trên đường thở vào. Khi hít vào áp lực dương đường thở giảm, van này mở ra để cung cấp đủ lượng khí để duy trì CPAP, khi mở ra van này đóng lại để ngừng cung cấp khí và làm cho áp lực thở ra không tăng.

Có nhiều loại máy CPAP được áp dụng trên thế giới: Sự khác biệt của các loại máy này chỉ là bộ phận PEEP. Có thể tạo PEEP bằng cột nước (bubble CPAP), tạo PEEP bằng van lò xo hoặc tạo PEEP bằng van Benvenist …

Phương pháp thở CPAP: Có nhiều phương pháp thở CPAP không xâm nhập như

Gọng mũi (nasal prong CPAP) và ống thông mũi một bên (nasopharyngeal tube NPCPAP), thở qua mặt nạ (mask CPAP), thở qua lều (hood CPAP).

[...]