BỘ VĂN HOÁ,
THỂ THAO
VÀ DU LỊCH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
336/QĐ-BVHTTDL
|
Hà Nội, ngày
22 tháng 01 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT
NGÀNH VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH NĂM 2013
BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HOÁ, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
Căn cứ Luật Phổ biến, giáo dục
pháp luật;
Căn cứ Nghị định số
185/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch;
Căn cứ Nghị định số
55/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của tổ chức pháp chế;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ
Pháp chế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết
định này Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật Ngành văn hóa, thể thao và du lịch
năm 2013.
Điều 2. Quyết định này có hiệu
lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng
Vụ Pháp chế, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao
và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành
Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái;
- Bộ Tư pháp;
- Lưu: VT, PC. Ng(150)
|
KT.BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Huỳnh Vĩnh Ái
|
KẾ HOẠCH
PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT NGÀNH VĂN HÓA, THỂ
THAO VÀ DU LỊCH NĂM 2013
(Ban hành kèm theo Quyết định số 336 /QĐ-BVHTTDL ngày 22 tháng 01 năm 2013 của
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Mục đích
a) Nâng cao chất lượng công tác phổ
biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản
lý nhà nước trong Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
b) Tiếp tục bồi dưỡng kiến thức
pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức,
người lao động, văn nghệ sỹ, vận động viên, huấn luyện viên, hướng dẫn viên,
thuyết minh viên, học sinh, sinh viên trong toàn ngành; nâng cao hiểu biết và ý
thức tuân thủ pháp luật của nhân dân khi tham gia các hoạt động văn hoá, thể
thao và du lịch nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường trật tự,
kỷ cương, phòng ngừa và hạn chế vi phạm pháp luật.
2. Yêu cầu
a) Công tác PBGDPL phải thực hiện
một cách đồng bộ, thống nhất và thường xuyên;
b) Nội dung, hình thức PBGDPL đa dạng,
phù hợp, có hệ thống và đảm bảo hiệu quả thiết thực đối với từng lĩnh vực, từng
đối tượng;
c) Ứng dụng có hiệu quả các thành
tựu của công nghệ thông tin trong hoạt động PBGDPL;
d) Coi trọng sự phối hợp đa ngành
trong công tác PBGDPL, đặc biệt là sự phối hợp giữa ngành văn hoá, thể thao và
du lịch với ngành tư pháp, các cơ quan, tổ chức liên quan trong công tác
PBGDPL;
đ) Kết hợp chặt chẽ giữa PBGDPL với
tổ chức thực thi pháp luật và xử lý vi phạm pháp luật; lồng ghép PBGDPL với việc
thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động
“Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.
II. NỘI DUNG PHỔ
BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT
Nội dung PBGDPL trọng tâm trong
năm 2013:
1. Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi
về các nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992;
2. Tiếp tục phổ biến các chính
sách, pháp luật chung của Nhà nước đối với cán bộ, công chức, viên chức, nhân
viên, người lao động làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ như: Pháp luật
về an toàn giao thông, thực hiện dân chủ cơ sở, phòng chống tham nhũng, thực
hành tiết kiệm, chống lãng phí, khiếu nại, tố cáo, pháp luật về quản lý tài sản
công, pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, các quy định về trách nhiệm bồi
thường của Nhà nước;
3. Tiếp tục phổ biến kịp thời, đầy
đủ các quy định pháp luật trong lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch và gia đình
như: Luật Du lịch, Luật Thể dục, thể thao, Luật Di sản văn hoá, Luật Sở hữu trí
tuệ, Luật Điện ảnh, Luật Quảng cáo, Luật phòng, chống bạo lực gia đình và các
văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành; các quy định của Chính phủ về
hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng, về biểu diễn nghệ
thuật và trình diễn thời trang, về hoạt động mỹ thuật, về các quy định về xử phạt
vi phạm hành chính trong hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch... Trong đó nhấn
mạnh các nội dung pháp luật thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 5 Khóa VIII về
xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc;
4. Các Điều ước quốc tế mà nước Cộng
hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, các thỏa thuận quốc tế thuộc lĩnh vực
văn hoá, thể thao, du lịch và gia đình. Trong đó nhấn mạnh nội dung về trách
nhiệm và quyền lợi khi tham gia các thỏa thuận, điều ước quốc tế đó;
5. Ý thức tôn trọng và chấp hành
pháp luật; ý thức bảo vệ pháp luật; lợi ích của việc chấp hành pháp luật; gương
người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật.
III. CÁC NHIỆM
VỤ TRỌNG TÂM
1. Nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị
thuộc Bộ
a) Vụ Pháp chế:
- Tổ chức hội nghị phổ biến các
văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du
lịch và các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch liên
tịch với các bộ, ngành khác ban hành trong năm 2012-1013 có liên quan đến lĩnh
vực văn hoá, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch đến các Sở Văn hoá, Thể
thao và Du lịch, Phòng Văn hoá và Thông tin cấp huyện. Tổ chức hội nghị triển
khai thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định
chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế. Tổ chức hội
nghị phổ biến, tập huấn công tác pháp chế.
Thời gian thực hiện: Quý III/2013.
- Biên soạn và xuất bản sách “Hỏi đáp về chế độ,
chính sách cho vận động viên, huấn luyện viên”.
Thời gian thực hiện: Quý III/2013.
- Tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho
báo cáo viên pháp luật của Bộ và các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
- Tham mưu tổ chức Ngày Pháp luật tại Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch (9/11).
b) Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ:
- Tổ chức hội nghị quán triệt, phổ biến pháp luật
cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị và cho
các đối tượng chịu sự quản lý trực tiếp, tập trung vào các nội dung pháp luật
thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.
Thời gian thực hiện: theo kế hoạch công tác của
cơ quan, đơn vị.
- Tổ chức Ngày Pháp luật (9/11) tại cơ quan, đơn
vị.
- Hoàn thiện việc xây dựng và khai thác có hiệu
quả tủ sách pháp luật trong cơ quan, đơn vị.
Thời gian thực hiện: Cả năm.
- Biên soạn và phát hành các tài liệu PBGDPL phù
hợp.
c) Các cơ quan báo, tạp chí thuộc Bộ:
Củng cố các chuyên trang, chuyên mục phổ biến
văn bản mới, hỏi - đáp pháp luật về văn hoá, gia đình, thể dục, thể thao và du
lịch.
Thời gian thực hiện: Cả năm.
d) Các trường, viện nghiên cứu thuộc Bộ:
- Tổ chức triển khai Kế hoạch nâng cao chất lượng
công tác PBGDPL trong nhà trường trên cơ sở Đề án tổng thể do Bộ Giáo dục và
Đào tạo chủ trì.
- Tổ chức các hội nghị, hội thảo về quán triệt
các văn bản pháp luật; thông báo các văn bản mới trên bản tin, cập nhật trên
trang tin điện tử, hộp thư điện tử của trường, viện; tăng cường các đầu sách về
pháp luật trong trường, viện.
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho học
sinh, sinh viên thông qua chương trình học tập, trong đó đặc biệt là môn học
Pháp luật đại cương.
- Tổ chức các hoạt động PBGDPL khác phù hợp với
điều kiện thực tế của trường, viện.
Thời gian thực hiện: Cả năm
2. Nhiệm vụ của các Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông
qua đội thông tin, chiếu phim lưu động của ngành ở địa phương.
- Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật bằng
hình thức cổ động trực quan với các loại hình như pa-nô, băng-rôn, khẩu hiệu,
tranh cổ động, ảnh thời sự..., trong đó tập trung tuyên truyền tại các địa điểm
công cộng, khu vui chơi, giải trí, điểm sinh hoạt văn hoá, khu thể thao, du lịch.
- Lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật với các
hoạt động lễ hội, hội thi, sinh hoạt văn hoá cộng đồng tại địa phương; hội thi
trong cán bộ, công chức, viên chức về từng chủ đề; biểu diễn văn nghệ, tiểu phẩm,
giao lưu văn hoá nghệ thuật.
- Tổ chức Ngày Pháp luật (9/11) tại cơ quan theo
hướng dẫn chung.
- Tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua
thiết chế thư viện, triển khai tủ sách pháp luật, tủ sách bưu điện văn hoá xã.
- Tổ chức các hoạt động PBGDPL khác phù hợp với
điều kiện thực tế của địa phương.
Thời gian thực hiện: Cả năm.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, các Sở Văn hóa,
Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm
xây dựng kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của cơ quan,
đơn vị mình; tổ chức kiểm tra, tổng kết việc thực hiện kế hoạch và báo cáo Bộ
Văn hoá, Thể thao và Du lịch (qua Vụ Pháp chế) trước ngày 15/11/2013.
2. Vụ Pháp chế có trách nhiệm đôn đốc, hướng
dẫn và phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch
triển khai thực hiện Kế hoạch này; tổng hợp và báo cáo lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể
thao và Du lịch và Bộ Tư pháp.
Tổ chức pháp chế thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và
Du lịch có trách nhiệm làm đầu mối tham mưu xây dựng và tổ chức triển khai kế
hoạch PBGDPL, giúp Lãnh đạo Sở theo dõi, đôn đốc thực hiện công tác này.
3. Việc lập dự toán, bố trí kinh phí bảo đảm cho
công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện theo phân cấp ngân sách hiện
hành và Thông tư số 73/2010/TT-BTC-BTP ngày 14/3/2010 của liên Bộ Tài chính - Bộ
Tư pháp hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí đảm bảo cho
công tác phổ biến, giáo dục pháp luật./.