Quyết định 3354/QĐ-BGTVT năm 2012 phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý chất lượng xây dựng, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2013-2020” do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 3354/QĐ-BGTVT
Ngày ban hành 26/12/2012
Ngày có hiệu lực 26/12/2012
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Đinh La Thăng
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị,Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 3354/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 26 tháng 12 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYÊT ĐỀ ÁN “TĂNG CƯỜNG ỨNG DỤNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ TRONG QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG XÂY DỰNG, KHAI THÁC VÀ BẢO TRÌ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG GIAI ĐOẠN 2013-2020”

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành TW6 khóa XI về “phát triển khoa học công nghệ phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”;

Căn cứ Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển Khoa học công nghệ giai đoạn 2011-2020;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý chất lượng xây dựng, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2013-2020”, với các nội dung chủ yếu sau:

I. Mục tiêu

1.1. Mục tiêu chung

- Thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI, khẳng định được vai trò chủ đạo của Khoa học công nghệ (KHCN) trong việc tạo ra bước đột phá, đổi mới toàn điện công tác quản lý chất lượng xây dựng, khai thác và bảo trì, đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh và bền vững hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Đảm bảo thực hiện đồng bộ, có hệ thống từ qui hoạch, lựa chọn công nghệ, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và quản lý khai thác, vận hành sau đầu tư;

- Làm cho KHCN thực sự đóng vai trò then chốt, trở thành động lực mạnh mẽ của sản xuất, đóng góp của KHCN chiếm tỷ trọng lớn trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất các lĩnh vực của ngành GTVT nói chung và quản lý chất lượng xây dựng, khai thác và bảo trì hệ cấu hạ tầng giao thông nói riêng, đáp ứng các yêu cầu cơ bản của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại;

- Phấn đấu đến năm 2020 đưa KHCN trong ngành GTVT thực sự đóng vai trò chủ đạo trong quản lý chất lượng xây dựng, quản lý, khai thác và bảo trì hệ thống hạ tầng GTVT hiện đại của Việt Nam, đạt trình độ nằm trong nhóm nước dẫn đầu khu vực ASEAN.

1.2. Mục tiêu cụ thể

- Tăng cường ứng dụng KHCN để đổi mới toàn diện công tác quản lý chất lượng xây dựng, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh và bền vững hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT;

- Tập trung nâng cao hiệu quả thiết thực của hoạt động KHCN. Đưa việc ứng dụng KHCN tiên tiến, hiện đại và phù hợp vào thực tiễn hoạt động của ngành để đảm bảo nâng cao chất lượng các công trình hạ tầng giao thông xây dựng mới, duy trì chất lượng và tuổi thọ của các công trình hạ tầng giao thông đang khai thác, tiến tới làm chủ các công nghệ hiện đại trong xây dựng cảng nước sâu, cầu treo, cầu dây văng, cầu thép và cầu BTCT nhịp lớn, hầm qua núi, qua sông và hầm metro, đường sắt tốc độ cao, đường ô tô cao tốc, mặt đường bê tông xi măng...;

- Xây dựng chiến lược và lộ trình đổi mới công nghệ của các đơn vị trong ngành GTVT. Phấn đấu thực hiện lộ trình đổi mới công nghệ, thiết bị của các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đạt 10-15% /năm ở giai đoạn 2011-2015 và đạt tốc độ 20% /năm ở giai đoạn 2016-2020 để thực hiện Chiến lược phát triển KHCN giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết đinh số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012;

- Củng cố, tăng cường đồng bộ về tổ chức, năng lực, quy chế hoạt động của các đơn vị KHCN đề giải quyết những vấn đề kỹ thuật, công nghệ trọng yếu phát sinh trong thực tế sản xuất của ngành GTVT;

- Tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế để phát triển KHCN, đặc biệt chú trọng hợp tác với các đối tác có thương hiệu, kinh nghiệm, có trình độ kỹ thuật công nghệ cao trong lĩnh vực xây dựng, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông để tiếp nhận chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực KHCN. Phấn đấu nhân lực phục vụ phát triển KHCN ngành GTVT tăng trung bình 5% /năm.

II. Nội dung và giải pháp

2.1. Tăng cường ứng dụng KHCN để hoàn thiện mô hình quản lý chất lượng xây dựng, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông

2.1.1. Yêu cầu

- Đảm bảo việc ứng dụng KHCN trong triển khai thực hiện mô hình quản lý chất lượng xây dựng, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông hiệu quả;

- Hệ thống hóa mạng lưới kiểm tra kiểm soát chất lượng công trình kết cấu hạ tầng giao thông từ Bộ GTVT đến các cơ quan quản lý chuyên ngành, các Chủ đầu tư Tư vấn, Nhà thầu, đơn vị quản lý khai thác...

2.1.2. Nhiệm vụ cụ thể

- Hiện đại hóa công tác quản lý chất lượng xây dựng khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông bằng ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại;

- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu và hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ, đường sắt, cảng biển, sân bay, luồng hàng hải, đường thủy nội địa;

[...]