Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 3304/QĐ-BGTVT năm 2013 phê duyệt Đề án Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác cảng biển Nhóm 5 và bến cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 3304/QĐ-BGTVT
Ngày ban hành 22/10/2013
Ngày có hiệu lực 22/10/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Đinh La Thăng
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị,Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 3304/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 22 tháng 10 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ, KHAI THÁC CẢNG BIỂN NHÓM 5 VÀ CÁC BẾN CẢNG KHU VỰC CÁI MÉP - THỊ VẢI

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20/12/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ văn bản số 1178/TTg-KTN ngày 06/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc Đề án Nâng cao hiệu quả quản lý khai thác các cảng biển thuộc Nhóm cảng biển số 5 và các bến cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác cảng biển Nhóm 5 và các bến cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải với các nội dung chính như sau:

1. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu tổng quát

Nâng cao hiệu quả và tính thống nhất của các hoạt động quản lý nhà nước tại các cảng biển, bến cảng thuộc Nhóm cảng biển số 5 và các bến cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải, làm cơ sở nâng cao hiệu quả đầu tư, quản lý, khai thác cảng biển, bến cảng, nâng cao chất lượng dịch vụ cảng biển, đưa các cảng biển, bến cảng sớm đạt công suất thiết kế và đáp ứng đúng vai trò theo quy hoạch, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

b) Mục tiêu cụ thể

- Điều chỉnh, cân đối cung cầu hàng hóa và bến cảng nhằm nâng cao hiệu quả khai thác của những bến cảng đã được đầu tư. Triển khai các giải pháp thu hút hàng hóa trung chuyển về các bến cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải nhằm tận dụng khả năng tiếp nhận tàu lớn (trên 80.000 DWT) thực hiện dịch vụ trung chuyển.

- Từng bước đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng kết nối cảng biển (luồng hàng hải, luồng đường thủy nội địa, đường bộ, đường sắt.,.) và cơ sở hạ tầng kỹ thuật khác nhằm trước mắt đảm bảo hoạt động khai thác của các bến cảng đã được đầu tư và lâu dài là đảm bảo hoạt động khai thác hiệu quả của toàn nhóm cảng biển.

- Điều chỉnh chính sách về phí, lệ phí hàng hải nhằm thu hút các hãng tàu đưa tàu vào các bến cảng Nhóm 5, đặc biệt là đối với tàu mẹ có khả năng chuyên chở hàng hóa đi biển xa và các tàu gom hàng về khu vực Cái Mép - Thị Vải; giá dịch vụ cảng biển, khắc phục tình trạng cạnh tranh giảm giá giữa các bến cảng nhằm ổn định hoạt động khai thác và giảm thiệt hại chung cho nền kinh tế của đất nước.

- Thống nhất vai trò quản lý nhà nước tại cảng biển, đặc biệt đối với công tác quản lý quy hoạch, quản lý các hoạt động đầu tư cảng biển và cơ sở hạ tầng kết nối; các giải pháp nhằm đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa tại cảng biển.

- Triển khai các giải pháp nhằm tạo nguồn hàng, nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ tại các cảng biển.

2. Giải pháp thực hiện

a) Nhóm giải pháp về điều chỉnh cung cầu hàng hóa, bến cảng và phát triển cơ sở hạ tầng kết nối

- Đối với bến cảng công-ten-nơ: Từ nay đến năm 2015, không cấp phép xây dựng mới các bến cảng xếp dỡ công-ten-nơ xuất nhập khẩu tại Nhóm 5. Sau năm 2015 sẽ đánh giá thực tế cung - cầu của thị trường để xem xét việc cấp phép xây bến cảng công-ten-nơ mới trong giai đoạn 2015-2018.

- Đối với bến cảng tổng hợp: chỉ cấp phép cho những bến cảng tổng hợp phục vụ trực tiếp cho khu công nghiệp, với điều kiện các khu công nghiệp đã triển khai mà trong đó chưa có bến cảng, nhằm tạo điều kiện cho phát triển khu công nghiệp.

- Hạn chế, không cấp phép xây dựng các bến công-ten-nơ mới hoặc nâng cấp, mở rộng bến công-ten-nơ đang hoạt động; có biện pháp giữ quỹ đất đã quy hoạch nhằm phát triển lâu dài hệ thống cảng biển. Trong thời gian chưa đầu tư xây dựng cảng, đề nghị giữ nguyên chức năng sử dụng đất tại các khu vực có quy hoạch. Các địa phương chỉ cấp phép cho xây dựng bến cảng mới khi có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ Giao thông vận tải.

- Trong ngắn hạn, cho phép một số lượng tàu nhất định của các hãng tàu nước ngoài được tham gia gom hàng nội địa về Cái Mép - Thị Vải nhằm thực hiện trung chuyển, được chuyên chở công-ten-nơ rỗng của chính hãng giữa các cảng biển Việt Nam. Cần tập trung chủ yếu vào các hãng tàu lớn nhất thế giới như APM- Maersk, MSC, CMA-CGM...

- Nghiên cứu, có biện pháp điều chỉnh lệ phí hàng hải cho tàu biển khi thực hiện gom hàng (feeder) trên các tuyến ven biển nội địa.

- Tổ chức hợp lý, có hiệu quả nhằm nâng cao năng lực đội tàu vận tải biển Việt Nam, đảm bảo đáp ứng tốt các yêu cầu về gom hàng trên các tuyến ven biển nội địa từ các cảng biển về Cái Mép - Thị Vải.

- Đôn đốc quyết liệt, sâu sát để đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch di dời các cảng trên sông Sài Gòn và Nhà máy đóng tàu Ba Son nhằm khuyến khích, tập trung hàng hóa từ khu vực thành phố Hồ Chí Minh ra cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.

- Khuyến khích, đẩy mạnh phát triển mạnh các cơ sở công nghiệp, thương mại xuất nhập khẩu, phát triển dịch vụ logistics tạo nguồn hàng và cơ sở để phát triển dịch vụ tại cảng biển.

- Không cải tạo mở rộng các bến cảng công-ten-nơ hiện hữu tại cảng biển khu vực thành phố Hồ Chí Minh nhằm tạo sự dịch chuyển hàng hóa về khu bến cảng Cái Mép - Thị Vải.

[...]