Quyết định 33/2003/QĐ-BYT ban hành "Thường quy giám sát và phòng, chống bệnh Dịch hạch" do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 33/2003/QĐ-BYT
Ngày ban hành 07/01/2003
Ngày có hiệu lực 22/01/2003
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Văn Thưởng
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 33/2003/QÐ-BYT

Hà Nội, ngày 07 tháng 01 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH “THƯỜNG QUY GIÁM SÁT VÀ PHÒNG, CHỐNG BỆNH DỊCH HẠCH”

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

- Căn cứ Luật bảo vệ sức khoẻ nhân dân ngày 11/7/1989;
- Căn cứ Nghị định số 68/CP ngày 11/10/1993 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Y tế;
- Theo đề nghị của Ông Vụ trưởng Vụ Y tế dự phòng - Bộ Y tế,

QUYẾT ĐỊNH

Ðiều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Thường quy giám sát và phòng, chống bệnh Dịch hạch”.

Ðiều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký, ban hành. Các quy định trước đây trái với quy định trong Quyết định này đều bãi bỏ.

Ðiều 3. Các Ông, Bà: Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, Vụ trưởng Vụ Y tế dự phòng, Vụ trưởng Vụ Ðiều trị - Bộ Y tế, Viện trưởng của các Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

KT BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Thưởng

 

THƯỜNG QUY GIÁM SÁT VÀ PHÒNG, CHỐNG BỆNH DỊCH HẠCH
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 33/2003 /QÐ-BYT ngày 07 tháng 01năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

I. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CHỦ YẾU CỦA BỆNH

1. Dịch hạch là bệnh của loài gặm nhấm (chủ yếu là chuột). Tác nhân gây bệnh là trực khuẩn Yersinia pestis có thể truyền cho người qua côn trùng trung gian là bọ chét. Dịch hạch là một bệnh tối nguy hiểm thuộc diện kiểm dịch quốc tế. Bệnh diễn biến nặng, tử vong cao, dễ phát thành dịch lớn, lây lan rộng. Ðây là bệnh dịch lưu hành địa phương ở Việt Nam , trọng điểm là khu vực Tây Nguyên và một số vùng có nguy cơ cao.

2. Bệnh dịch thường phát triển mạnh vào mùa khô, phù hợp với mùa phát triển của chuột và bọ chét. Tuy nhiên, dịch cũng được ghi nhận vào các thời gian khác trong năm kể cả trong mùa mưa.

3. Các triệu chứng lâm sàng chủ yếu của bệnh:

Thời kỳ ủ bệnh của bệnh dịch hạch từ 1-6 ngày, bệnh dịch hạch thể phổi tiên phát thường có thời kỳ ủ bệnh ngắn hơn từ 2-4 ngày. Bệnh dịch hạch ở người gồm các thể bệnh: thể hạch, thể nhiễm khuẩn huyết, thể phổi và thể màng não, thường gặp hơn cả là thể hạch (chiếm hơn 90% các thể bệnh):

3.1. Thể hạch: khởi phát đột ngột, ớn lạnh, mệt mỏi, đau cơ, đau bụng, buồn nôn và đau đầu. Sau đó, bệnh chuyển sang giai đoạn toàn phát với các triệu chứng đặc trưng là nhiễm khuẩn, nhiễm độc và sưng hạch. Hạch có thể to bằng ngón tay cái hoặc bằng quả trứng gà, lúc đầu đau và cứng chắc, sau đó, hạch mềm hoá mủ. Thể hạch có thể tiến triển thành nhiễm khuẩn huyết, thể phổi hoặc viêm màng não thứ phát.

3.2. Thể nhiễm khuẩn huyết: Thường là thứ phát. Thể hạch rất dễ tiến triển đột ngột thành nhiễm khuẩn tối cấp với sốt cao 40-410C, tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm độc, huyết áp giảm, mạch nhanh, nhỏ, vật vã, rối loạn tinh thần, hôn mê, thường bệnh nhân chết trong vòng 3 - 5 ngày nếu không được điều trị sớm.

3.3. Thể phổi: Dịch hạch thể phổi thứ phát rất nguy hiểm, qua đường hô hấp có thể lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành dẫn đến dịch thể phổi tiên phát và bùng nổ thành dịch lớn. Dịch hạch thể phổi thứ phát thường gặp sau thể hạch không được điều trị kịp thời. Bệnh nhân có dấu hiệu ở phổi cho đến ngày cuối cùng của bệnh, đờm loãng có bọt dính máu, thường xuất hiện tràn dịch màng phổi, có biến chứng phù phổi cấp, tỷ lệ tử vong cao.

- Thể màng não: Luôn thứ phát sau thể hạch và nhiễm khuẩn huyết (rất hiếm gặp).

4. Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn dịch hạch Yersinia pestis (Y.pestis) thuộc họ Enterobacteriaceae, là trực khuẩn Gram âm,

5. Vector truyền bệnh: bệnh lan truyền trực tiếp từ loài gậm nhấm sang người, chủ yếu qua bọ chét chuột loài Xenopsylla cheopis, đây là véc tơ chính truyền bệnh dịch hạch. Ngoài ra, ở Việt Nam còn có loài Pulex irritans và một số loài thuộc giống Xenopsylla có khả năng truyền bệnh dịch hạch.

6. Chẩn đoán xác định tác nhân gây bệnh trong phòng thí nghiệm bằng cách nhuộm bệnh phẩm (nhuộm Wayson, Giemsa), nuôi cấy, thử phage, tìm kháng nguyên F1 với 2 loại phản ứng ngưng kết hồng cầu thụ động và trung hoà kháng thể.

7. Phòng chống bệnh dịch hạch: đến nay chưa có vacxin phòng chống bệnh có hiệu lực cao cho nên việc phòng chống dịch hạch chủ yếu là giám sát vật chủ, vector và vi sinh vật; phát hiện sớm bệnh nhân và điều trị kịp thời bệnh nhân dịch hạch; điều trị dự phòng với những người tiếp xúc và có nguy cơ lây bệnh; diệt chuột và diệt bọ chét.

II. GIÁM SÁT BỆNH DỊCH HẠCH

Gồm giám sát bệnh nhân, giám sát vật chủ (chủ yếu là các loài thuộc họ chuột (Muridae), giám sát vector (bọ chét chuột), khả năng nhiễm mầm bệnh dịch hạch (Y.pestis) của vật chủ, vector và tính nhậy cảm của bọ chét với hoá chất diệt côn trùng. Theo dõi diễn biến thời tiết, khí hậu, môi trường và kết quả các biện pháp phòng chống chủ động.

1. Giám sát bệnh nhân dịch hạch

[...]