Quyết định 317/QĐ-UBND năm 2012 về Kế hoạch cải cách hành chính, giai đoạn 2011 - 2015 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

Số hiệu 317/QĐ-UBND
Ngày ban hành 01/03/2012
Ngày có hiệu lực 01/03/2012
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Nguyễn Văn Cao
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 317/QĐ-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 01 tháng 3 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ về ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2011 - 2015.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Cao

 

KẾ HOẠCH

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH GIAI ĐOẠN 2011 – 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 317/QĐ-UBND ngày 01/3/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Triển khai Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 8/11/2011 của Chính phủ về ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2011-2020; trên cơ sở những kết quả đạt được trong thực hiện Chương trình tổng thể CCHC của Chính phủ giai đoạn 2001-2010 tại Báo cáo tổng kết số 77/BC-UBND ngày 05/8/2010 của UBND tỉnh; UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch CCHC giai đoạn 2011-2015, như sau:

I. MỤC TIÊU

Mục tiêu chung của Kế hoạch CCHC giai đoạn 2011-2015 là: Xây dựng hệ thống tổ chức bộ máy của các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất năng lực và trình độ đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và sự phát triển của tỉnh; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thu hút đầu tư, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Mục tiêu cụ thể là:

1. Sắp xếp, tổ chức lại các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn để tránh chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn; thẩm quyền giữa tỉnh và các đơn vị, địa phương được phân cấp hợp lý, đảm bảo sự kiểm soát và nâng cao tính chủ động của chính quyền các cấp.

2. Thủ tục hành chính (TTHC) liên quan tới cá nhân, tổ chức được cải cách cơ bản theo hướng gọn nhẹ, đơn giản, công khai, minh bạch; phấn đấu giảm thiểu chi phí về thời gian và kinh phí mà cá nhân, tổ chức phải bỏ ra khi giải quyết các TTHC với cơ quan hành chính nhà nước.

3. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông được triển khai 100% tại các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương; đảm bảo sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với dịch vụ do cơ quan hành chính cung cấp đạt mức 65%.

4. 100% các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công thực hiện theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm chất lượng dịch vụ công được nâng cao, nhất là các lĩnh vực giáo dục, y tế; đảm bảo sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp trên các lĩnh vực giáo dục, y tế đạt mức 65%.

5. Trên 50% cơ quan hành chính nhà nước có cơ cấu cán bộ, công chức theo vị trí việc làm; 95% công chức cấp xã vùng đồng bằng và 90% ở vùng miền núi đạt tiêu chuẩn theo chức danh.

6. Tiếp tục thực hiện đổi mới về chế độ tiền lương và chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Chính phủ.

7. Trên 60% các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan hành chính được thực hiện dưới dạng điện tử; hầu hết cán bộ, công chức thường xuyên sử dụng hệ thống thư điện tử trong công việc; bảo đảm dữ liệu điện tử phục vụ hầu hết các hoạt động trong các cơ quan.

8. Có 100% cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện trở lên cung cấp tất cả các dịch vụ công trực tiếp ở mức độ 2 và hầu hết các dịch vụ công cơ bản trực tiếp tối thiểu mức độ 3 tới người dân và doanh nghiệp.

9. Có 70% UBND xã, phường thị trấn có cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định, cung cấp tất cả các dịch vụ công trực tiếp ở mức độ 2.

[...]