Quyết định 3119/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế trang trại tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2017-2022
Số hiệu | 3119/QĐ-UBND |
Ngày ban hành | 05/09/2017 |
Ngày có hiệu lực | 05/09/2017 |
Loại văn bản | Quyết định |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Quảng Bình |
Người ký | Lê Minh Ngân |
Lĩnh vực | Thương mại |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3119/QĐ-UBND |
Quảng Bình, ngày 05 tháng 9 năm 2017 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRANG TRẠI TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2017 - 2022
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29/11/2013;
Căn cứ Nghị quyết số 24/2016/QH4 ngày 08/11/2016 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020;
Căn cứ Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP ngày 02/02/2000 của Chính phủ về kinh tế trang trại;
Căn cứ Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản;
Căn cứ Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;
Căn cứ Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 21/02/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế;
Căn cứ Chỉ thị số 36/CT/TU ngày 30/6/2000 của Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 1830/SNN-PTNT ngày 16 tháng 8 năm 2017,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế trang trại tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2017 - 2022 với các nội dung sau:
1. Tên đề án: Phát triển kinh tế trang trại tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2017 - 2022.
2. Mục tiêu Đề án:
2.1. Mục tiêu tổng quát:
- Mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, giá trị sản xuất của các trang trại. Tập trung phát triển trang trại ở vùng gò đồi, vùng cát ven biển. Đa dạng các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh trang trại nhằm nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần ổn định và phát triển kinh tế xã hội.
- Ứng dụng khoa học, công nghệ để phát triển sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, gắn liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm đảm bảo hiệu quả, bền vững. Phát triển trang trại nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao.
2.2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2022:
- Giá trị sản xuất của trang trại đạt 1.500 tỷ đồng, chiếm 7,5% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.
- Trên 70% trang trại tham gia các hình thức liên kết sản xuất, đăng ký nhãn hiệu; 10% trang trại xây dựng thương hiệu hàng hóa.
- Có 60% trang trại sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; trong đó, có 10% trang trại ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.
- Có 80% chủ trang trại được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành và quản lý trang trại.
3. Nhiệm vụ và giải pháp chính:
- Rà soát, bổ sung quy hoạch vùng phát triển kinh tế trang trại gắn với thị trường, tập trung phát triển lợi thế sản xuất các sản phẩm có quy mô hàng hóa lớn.
- Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại.
- Xây dựng và nhân rộng các mô hình trang trại điển hình, có hiệu quả.